Ngày càng nhiều dự án CNTT được đưa ra hỗ trợ cộng đồng. Ảnh: Bảo Trung.

Ngày càng nhiều dự án CNTT được các tập đoàn, tổ chức trong và ngoài nước đưa ra hỗ trợ cộng đồng. Nhờ đó, những khu vực nông thôn và vùng sâu xa Việt Nam đang ngày càng tiếp cận gần hơn với những công nghệ tiên tiến.

Những dự án hỗ trợ cộng đồng

Tháng 4/2004, trong chuyến thăm Việt Nam, chủ tịch Tập đoàn Microsof Bill Gates đã công bố chương trình TOPIC 64 tại tỉnh Bắc Ninh. Các đối tác tham gia chương trình này gồm Microsoft, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), QUALCOMM và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Quản lý (CRC) trực thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phối hợp triển khai.

Tính đến tháng 11/2007, chương trình này đã đào tạo được hơn 14 000 sinh viên (trong đó đào tạo miễn phí cho 5 600 sinh viên), mang lại lợi ích cho hơn 74 747 sinh viên tại 462 trung tâm tin học cộng đồng trên 64 tỉnh thành, đào tạo và kiểm tra sát hạch 474 giáo viên cùng với 300 giáo viên khác đăng ký các khoá học đào tạo trên mạng. Những chương trình hỗ trợ cộng đồng như vậy đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam, mang thêm cơ hội cho hàng nghìn người dân ở nhiều vùng nông thôn làm quen và tiếp cận gần hơn tới những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực CNTT.

Ngày 12/12 vừa rồi, ông Orlando Ayala, Phó chủ tịch cao cấp Nhóm Tiềm năng không giới hạn của Microsoft đã có cuộc viếng thăm lần đầu tiên đến Việt Nam. Đây là vị lãnh đạo cao cấp thứ 5 của Microsoft sang thăm Việt Nam kể từ tháng 4/2006. Theo ông, Việt Nam là quốc gia có cơ cấu dân số trẻ và tiềm năng phát triển rất lớn nếu thu hẹp khoảng cách số một cách hiệu quả và nhanh chóng. “Trong khoảng thời gian rất ngắn tôi có mặt ở đây, điều ấn tượng mạnh nhất trong tâm trí tôi là một Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng và những vị lãnh đạo có tầm nhìn xa mà đất nước các bạn đang có. Với tư cách là nhà tư vấn về công nghệ cho chính phủ Việt Nam, sứ mệnh của chúng tôi tại đây là giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng với sự thúc đẩy bởi công nghệ”, Orlando tuyên bố với báo giới.

Thực tế, Microsoft đã có những hành động cụ thể trong việc thu hẹp khoảng cách này. Ngoài chương trình TOPIC 64 kể trên, mới đây nhất phải kể đến việc cho ra mắt gói phần mềm phiên bản tiếng Việt dành cho HĐH Windows Vista và Office 2007. Với phiên bản này, người sử dụng Việt Nam có thể mở rộng khả năng tiếp cận CNTT mà không phải lo ngại về rào cản ngôn ngữ.

Nỗ lực từ các địa phương

Vấn đề tin học hoá cho các vùng nông thôn cũng được giới chức địa phương đặc biệt quan tâm. Tỉnh Thanh Hoá vừa có một sáng kiến mở ra chương trình đầu tư và khai thác phòng máy tính đa chức năng phục vụ khu vực nông thôn. Đây là mô hình hợp tác đổi mới giữa khu vực công và tư nhân, cũng như với ngân hàng và công ty viễn thông (công ty máy tính RUBY, Viettel, công ty Tài chính Dầu khí, tập đoàn Microsoft). Chương trình này thực sự mang tính xã hội hóa, huy động nguồn lực phục vụ giáo dục cũng như đem công nghệ với mức chi trả phù hợp đến cho cộng đồng.

Ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá đánh giá rất cao sáng kiến này: “Chúng tôi có thể giải quyết được tình trạng thiếu hụt máy tính dành cho việc giảng dạy và học tập tại tuyến giáo dục cấp cơ sở, đồng thời thu hút được nhiều học sinh hơn làm quen với máy tính và Internet, đưa máy tính và Internet trở thành công cụ hữu hiệu phục vụ học tập và mở rộng tầm nhìn của các em ra thế giới bên ngoài”.

Ngay trong năm đầu tiên thí điểm, chương trình này sẽ phủ khoảng 300 trường học ở khu vực khó khăn, đem cơ hội tiếp cận và sử dụng công nghệ đến cho 1 500 giáo viên và 140 000 học sinh tại các khu vực nông thôn. Chương trình bắt đầu với 50 trường học được chọn tại tỉnh Thanh Hoá, mỗi trường học sẽ được trang bị một phòng máy tính với 21 máy tính được kết nối băng thông rộng và các dịch vụ đào tạo cho giáo viên và những người phụ trách quản lý phòng máy.

Những phòng máy này cũng được sử dụng thí điểm để mở các lớp học buổi tối cho các nhóm có nhu cầu như cán bộ xã, nông dân, thanh niên khu vực nông thôn với các dịch vụ đào tạo phổ cập CNTT và các nội dung khác, chẳng hạn như dịch vụ hướng dẫn và thi thử dành cho học sinh THPT chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học.

Ảnh
Trao chứng chỉ cho học viên hoàn thành khoá học thuộc dự án Topic 64 tại Hà Tây.

Ông Phạm Hữu Hùng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Hà Tây, một trung tâm thuộc dự án TOPIC 64 cho rằng những dự án như thế này đang giúp các địa phương thu hẹp khoảng cách số với các khu vực trung tâm, một việc vốn rất khó khăn. “Những người được đào tạo sẽ không chỉ có ý tưởng tốt hơn về việc họ muốn gì và có thể làm gì cho tương lai của mình, mà họ còn có thể tự trang bị cho mình những kỹ năng CNTT cần thiết phục vụ cho việc học tập và tìm được những việc làm tốt hơn trong tương lai“, ông này nói.

(theo Bảo Trung - Dân trí)




Bình luận

  • TTCN (0)