Kể từ khi iPhone chào đời, đã có nhiều người dùng không hài lòng với việc sử dụng điện thoại của họ theo quy tắc của Apple, và tìm mọi cách vượt qua sự áp đặt "hà khắc" của công ty vì nỗi đam mê khám phá máy.

Điều làm đa số người dùng không hài lòng là hệ sinh thái khép kín mà Apple đã tạo ra để ngăn chặn việc cài đặt và sử dụng các ứng dụng không nằm trong cửa hàng ứng dụng App Store của riêng hãng này, và mức độ kiểm soát giới hạn đối với các thiết lập cung quy cách của iOS.

Những người dùng này được gọi chung là cộng đồng jailbreak (bẻ khoá phần mềm) và dù họ chỉ là một số ít người dùng iPhone, họ chính là những người lên tiếng. Có nhiều tính năng mà giờ đây hiện có trên iPhone và sắp có trong iOS 5 đã xuất hiện đầu tiên trên iPhone bị bẻ khoá, vì những người dùng này muốn hưởng được hết tất cả lợi ích từ sản phẩm của Apple.

Nếu bạn sử dụng iPhone từ thời kỳ đầu đến giờ, bạn sẽ nhớ là sản phẩm đầu tiên hồi năm 2007 bị hạn chế như thế nào: không có ứng dụng, không có tính năng sao chép và dán, không thể quay video, không có MMS và không cách nào để chia sẻ kết nối dữ liệu của iPhone với MTXT. Tất cả các tính năng này và nhiều tính năng khác được lần đầu tiên cung cấp bằng các ứng dụng chỉ chạy được trên iPhone đã bẻ khoá. Không cần biết hậu quả ra sao, việc người dùng bẻ khoá chấp nhận một ứng dụng hay cải tiến đã báo trước ứng dụng hay cải tiến này sẽ trở thành phần mềm iPhone chính thức kể từ những ngày đầu của thiết bị này.

Ngoài các cố gắng ban đầu để bẻ khoá iPhone được tập trung vào việc truy cập vào hệ thống tập tin và khả năng chạy được các ứng dụng không chính thức, còn có một động lực chính khác nằm đàng sau phong trào này, đó là mở khoá (unlocking).

Bẻ khoá và sự phát triển của phong trào mở khoá

Về cơ bản, bẻ khoá iPhone cho phép người dùng chạy các ứng dụng hay mã có khả năng tác động đến các phần (của điện thoại) nằm ngoài giới hạn của các ứng dụng chính thức. Cách tiếp cận này cho phép các ứng dụng đã bẻ khoá làm mọi thứ để đẩy iPhone ra khỏi phạm vi do Apple thiết lập, và cho người dùng bẻ khoá nhiều tự do lựa chọn hơn.

Các hacker iPhone đã tiếp cận được hệ thống tập tin của iPhone chỉ 12 ngày sau khi chiếc iPhone đầu tiên được tung ra vào ngày 29/6/2007. Cuộc đột phá này do nhóm hacker iPhone Dev Team thực hiện đầu tiên cùng với tay hacker phần cứng Geohot, và được thông báo trong kênh #iPhone IRC, theo đó thuật ngữ “jailbreaking” được tạo từ cụm từ “escape from jail” (vượt ngục). Việc này cho phép có thể cải tiến vài tính năng cơ bản như thêm chuông tuỳ biến, một tính năng khác mà phần mềm ban đầu cho iPhone không có.

Kết quả là các nhà phát triển có thể chạy các mã không chính thức trên thiết bị này, mở cửa cho các ứng dụng của hãng thứ ba. Một trong các ứng dụng này là game đơn giản của nhà lập trình Jason Merchant, game này cho phép iPhone làm nổ tung Microsoft Zunes bằng tia laze.

Đến cuối tháng 8/2007, lại xuất hiện thêm các biểu tượng và âm thanh tuỳ biến cùng với vài cải tiến thô sơ cho phần mềm. Rồi vào ngày 24/8/2007, George Hotz, còn được gọi là Geohot, tách khỏi nhóm iPhone Dev và tuyên bố cho công chúng biết anh đã thành công trong việc mở khoá iPhone của mạng AT&T.

Lúc đó, AT&T có hợp đồng độc quyền phân phối iPhone trên khắp thế giới và nhu cầu sử dụng iPhone trên các mạng GSM khác như T-Mobile rất cao. Nhu cầu quả thực rất cao đến nỗi Hotz cho biết là đã đổi chiếc điện thoại iPhone đã được mở khoá của anh để lấy chiếc xe Nissan 350Z và 3 chiếc iPhone 8GB nguyên gốc cho Terry Daidone, nhà sáng lập Certicell.

Qua nhiều năm từ khi thực hiện việc mở khoá lần đầu thành công, khả năng dùng iPhone trên các mạng khác với mạng được chính thức cho phép đã là một động lực lớn thúc đẩy cộng đồng bẻ khoá. Rất nhiều người dùng bẻ khoá iPhone của họ chỉ vì đó là cách duy nhất để họ có thể mở khoá mạng điện thoại của họ.

Hiện tượng mở khoá ngày càng phổ biến vì nhiều lý do, trong đó có lý do vì iPhone phần lớn chỉ sử dụng được với một hay hai hãng viễn thông lớn trong hầu hết các thị trường. Trong khi nhiều nước ở châu Âu và một số nước khác về mặt luật pháp người dùng có thể mở khoá điện thoại của họ thì ở Mỹ lại không được, và vẫn còn có nhiều khu vực iPhone không dùng được với một hãng viễn thông lớn nào.

Khi iPhone ngày càng có nhiều hãng viễn thông cung cấp, thì nhu cầu mở mạng tuỳ tiện đã giảm. Để đạt được mục đích này, gần đây Apple đã bắt đầu sản xuất iPhone không khoá mạng để bán ra ở Mỹ. Động thái này được xem là một cách để phục vụ khách hàng nước ngoài muốn mua iPhone không khoá mạng để sử dụng với các hãng viễn thông khác. iPhone không khoá mạng có tính năng hạn chế tại Mỹ ở chỗ nó không dùng được mạng 3G của T-Mobile, hãng GSM cạnh tranh lớn duy nhất đối với AT&T.

Sau lần thực hiện mở khoá đầu tiên của Geohot, những người sử dụng iPhone lại nóng lòng chờ đợi các đợt bẻ khoá phiên bản HĐH di động kế tiếp của Apple chỉ vì họ có thể mở khoá điện thoại bằng phần mềm không chính thức như Ultrasn0w.

Nhưng thị trường ngày càng mở rộng luôn là điều tất yếu và khi iPhone được sản xuất dưới dạng không khoá mạng hay chính thức trên khắp thế giới, thì nhu cầu mở khoá lén lút “cửa sau” sẽ không còn. Nhưng đàng sau phong trào bẻ khoá luôn có một động lực chính yếu khác nữa.

Apple, AT&T và điều bí ẩn của các tính năng còn thiếu

Khi iPhone được tung ra, nó không hỗ trợ nhiều tính năng mà người dùng ĐTDĐ đã quen dùng. Thiếu hỗ trợ MMS, quay video, đa nhiệm và chia sẻ kết nối dữ liệu (data tethering) được nhiều người cho là những lý do chính không nên mua iPhone. Những tính năng này được xem là những tính năng chủ yếu, hay phải có đối với nhiều người dùng smartphone, và ngay cả đối với những người chấp nhận dùng iPhone nhận thấy rằng còn phải xây dựng nhiều tính năng vào nền tảng tuyệt vời này của Apple.

Trong số các tính năng này là khái niệm về một cửa hàng ứng dụng riêng, đầu tiên được Installer giới thiệu vào mùa hè năm 2007. Đó là một loại phần mềm có chức năng giống như cửa hàng ứng dụng App Store chính thức ngày nay. Nối bước nó là một phần mềm nguồn mở khác gọi là Cydia được giới thiệu vào tháng 3/2008 của nhà phát triển phần mềm Jay Freeman. Khi HĐH iPhone (nay là iOS) 2.0 được phát hành, Cydia trở nên phổ biến và trở thành một lựa chọn khác không chính thức, được công nhận ngoài cửa hàng App Store.

Nguồn ứng dụng này cho các jailbreaker (người bẻ khoá) một nơi dễ dàng kiếm được các ứng dụng để nâng cao các tính năng của iPhone ra khỏi giới hạn mà Apple cho phép vào lúc đó, gồm cả việc thêm vào nhiều tính năng mà iPhone không có. Các cửa hàng không chính thức này được cửa hàng ứng dụng chính thức App Store của Apple nối bước vào tháng 7/2008, với sự ra đời của phiên bản iOS 2.0.

Đối với những người gần đây chấp nhận sử dụng iPhone thì cho rằng thật là ngu xuẩn khi chiếc iPhone đầu tiên không có các tính năng như chia sẻ kết nối (tethering) hay MMS, vì công nghệ này đã có trước đó hàng mấy năm và có trong các thiết bị đồng loại với iPhone như BlackBerry Curve và HTC Tilt. Nhưng lý do các tính năng này không được đưa vào lại không liên can đến Apple mà tất cả là do AT&T.

Vì không chắc chắn về khả năng kết nối mạng của mình và bị bối rối do người dùng iPhone yêu cầu nhiều về dữ liệu, AT&T đã chậm bước trong kế hoạch tethering và MMS. Mãi đến 2 năm sau khi iPhone được tung ra thì AT&T cuối cùng mới kích hoạt tính năng MMS vào ngày 25/12/2009. Tính năng tethering còn lâu hơn, mãi đến tháng 6/2010 mới có.

Tất cả các tính năng trên và nhiều tính năng khác đầu tiên được đưa vào iPhone bởi các nhà lập trình dám nghĩ dám làm đã tạo ra những ứng dụng không được thừa nhận cho iPhone. Tính năng tethering được giải quyết bằng cách hack (xâm nhập) để kích hoạt mạch ghép nối tethering có sẵn của iPhone đã được sử dụng trên toàn cầu trên các hệ thống mạng khác, và được mở rộng bằng các mạng tinh vi kế tiếp như MyWi. Nhiều người dùng không muốn chi tiền cho AT&T để được dùng tính năng tethering theo hợp đồng dữ liệu có tính phí, vẫn dùng các cách tethering không chính thức này, dù về mặt kỹ thuật đó là bất hợp pháp.

Cũng giống như một số các game thủ PC hạng nặng đã đẩy mạnh tiến bộ về khả năng đồ hoạ và tốc độ xử lý trong máy tính để bàn và MTXT, một số các jailbreaker đã góp phần đáng kể cho tiến bộ của iOS bằng cách làm rõ nét và phổ cập các tính năng cần thiết nhất của iOS. Sự so sánh này chỉ hơi khập khiễng khi nhận thấy rằng trong khi có hàng trăm hãng sản xuất phần cứng máy tính thì chỉ có một hãng sản xuất và một công cụ quản lý kết nối mạng duy nhất của iPhone.

Nhưng nếu bạn muốn tìm bằng chứng rằng cộng đồng jailbreak thực sự vẫn có ảnh hưởng đến con đường phát triển của iPhone, bạn chỉ cần nhìn vào iOS 5.

iOS 5: Thần phục hay phát triển

Apple luôn triệt để chăm chút mọi thứ về sản phẩm của họ, đặc biệt là thiết kế giao diện người dùng. Đó là lý do tại sao nhiều người ngạc nhiên khi thấy Apple không chịu chỉnh sửa các vấn đề đơn giản về giao diện người dùng như bảng thông báo bung ra không phù hợp, làm cản trở những gì bạn đang tương tác trên màn hình mà không có thêm công dụng, chẳng hạn một bảng thông báo SMS rất khiếm nhã. Nó thật sự làm cản trở, luôn xen vào giữa công việc của bạn, làm bạn phải chuyển hoàn toàn sang một ứng dụng khác để trả lời tin nhắn.

Vấn đề này sẽ được Apple chỉnh sửa lại khi tung ra iOS 5 nhưng đã được giải quyết từ lâu với các ứng dụng jailbreak như Notified Pro dùng để điều chỉnh hệ thống thông báo của iPhone, giảm bớt sự can thiệp của người dùng và thân thiện hơn với tính năng đa nhiệm. Một trong những ứng dụng này là MobileNotifier, rất giống với cách Apple quyết định bổ sung hệ thống thông báo trong iOS 5 đến nỗi hãng đã thực sự tuyển dụng người làm ra ứng dụng này ngay trước khi công bố bản cập nhật hồi tháng 6/2011.

Và hệ thống thông báo chỉ mới là một phần nhỏ của tảng băng vì các tính năng của iOS 5 dường như bắt nguồn từ các ứng dụng jailbreak. Trong danh sách đối chiếu riêng của trang iDownloadblog.com có các tính năng đóng cửa trập camera bằng nút âm lượng, tiếp cận camera từ màn hình khoá, duyệt web riêng tư trong Safari, đồng bộ với iTunes qua Wi-Fi, từ điển toàn hệ thống, hỗ trợ Emoji ngoài Nhật Bản, nhiều cải tiến cho ứng dụng Mail, cửa hàng chuông và các kiểu rung tuỳ biến.

Nếu bạn khách quan duyệt qua danh sách các ứng dụng bẻ khoá mà tính năng của chúng đã được đưa vào cấu trúc của iOS 5, bạn sẽ thấy nhiều ứng dụng có thể được phân loại đơn giản là các bước phát triển trong quá trình cải tiến của HĐH di động của Apple. Cũng có thể là Apple đã định hình nhiều tính năng của iOS 5 và đã nghiên cứu từ lâu trước khi có nhiều cải tiến bẻ khoá có vẻ trùng hợp xuất hiện.

Nhưng ngay cả khi thừa nhận rằng nhiều tính năng này có thể xem là tất yếu không thể không có, thì vẫn có nhiều tính năng được xem như là ít ra được tạo theo sở thích của số đông người dùng.

Hồi tháng 8/2009, nhà phát triển phần mềm Jay Freeman cho biết có khoảng 10% iPhone đang dùng cửa hàng ứng dụng bẻ khoá Cydia. Tỷ lệ này tương đương khoảng 4 triệu iPhone vào lúc đó. Gần đây, đã có 2 triệu người dùng trang web Jailbreakme.com để bẻ khoá thiết bị của họ trong 2 ngày đầu. Trong khi con số những người bẻ khoá khó lòng tăng tương ứng với con số người dùng thiết bị iOS hiện giờ là 221 triệu người, thì ngay cả với tỷ lệ khiêm tốn 5%, đó vẫn là tỷ lệ tăng với số người dùng thiết bị bẻ khoá là 11 triệu người. Tỷ lệ này đủ được dùng để tham khảo cho các tính năng được yêu cầu nhất.

Apple có một uỷ ban định hướng sản phẩm sắp sản xuất và được biết CEO Steve Jobs đã nói rằng “quả thật rất khó thiết kế sản phẩm cho từng nhóm tập trung riêng. Nhiều khi người ta không biết họ muốn gì ở sản phẩm cho đến khi họ nhìn thấy nó.”

Nhưng điều này không có nghĩa là Apple không bắt mạch được người dùng hiện đang muốn gì, nhất là những người dùng thiết bị mà hãng sản xuất nhiều nhất. Đây là lý do các tính năng có trong iOS 5 có thể có vẻ quen thuộc một cách kỳ lạ đối với người dùng bẻ khoá lâu nay.

Trên thực tế, xét chung các ứng dụng và cải tiến bẻ khoá đang được ưa chuộng có thể giúp người dùng iPhone biết được tương lai của nền tảng này.

Tương lai ngay từ bây giờ

Đã có rất nhiều cải tiến và ứng dụng được người dùng bẻ khoá sử dụng nhiều năm nay, cuối cùng được đưa vào các phiên bản chính thức của iOS, và sẽ không hợp lý nếu cho rằng việc này sẽ không bao giờ lặp lại. Các ứng dụng hiện giờ đang được sử dụng rất nhiều trên các thiết bị bẻ khoá nhưng chưa được bổ sung trên iOS. Vài ứng dụng trong số này không hợp với triết lý thiết kế của Apple và có thể sẽ không bao giờ được đưa vào, nhưng có nhiều ứng dụng có thể dễ dàng giúp bạn hình dung được các tính năng mà chúng ta sẽ được tận hưởng trong iOS 6 và các phiên bản sau đó.

Một trong những thí dụ tiêu biểu cho một trường hợp cải tiến đáng chú ý là ứng dụng SBSettings giúp tiết kiệm thời gian, đó là khung thiết lập xổ xuống từ thanh trạng thái bằng cách vuốt xuống. Ứng dụng này hoạt động trên toàn hệ thống và cho phép bạn chuyển đổi chức năng 3G, Wi-Fi, điều chỉnh độ sáng và nhiều chức năng khác. Trong khi Apple đã thêm chức năng kiểm soát âm lượng vào khay đa nhiệm trong iOS 4, vẫn còn nhiều tuỳ chọn trên iPhone nằm sâu dưới 3, 4 bậc trong trình đơn thiết lập. Khung thông báo mới và giao diện lập trình ứng dụng API widget mới giúp có thể đưa vào iOS các tiện ích chuyển đổi nhanh.

Một tiện ích khác là QuickReply, cải tiến này cho phép bạn trả lời tin nhắn SMS ngay trong màn hình khoá hay trong bảng thông báo. Đây có thể là một tính năng tuỳ chọn cho phép bạn trả lời từ màn hình khoá mới, chứa nhiều thông tin này. Có tin cho rằng Facetime cho 3G, kích hoạt bởi ứng dụng jailbreak 3G Unrestrictor, cùng nhiều tính năng khác đã và đang được đưa vào phiên bản chính thức của iOS 5. Quả thật, nhiều cải tiến jailbreak phổ biến hiện thời có vẻ là những tính năng chính thức còn thiếu của iOS.

Đã đến hồi kết của việc bẻ khoá?

Phong trào bẻ khoá đã giúp người dùng iPhone hình dung được những tính năng sẽ có và luôn cả những tính năng chưa bao giờ có. Bẻ khoá cũng giúp người dùng tự do lựa chọn đúng cách họ muốn sử dụng thiết bị của họ như thế nào, dù bị hạn chế. Cửa sổ nhìn vào tính năng tương lai của iOS này đã được mở ra từ tháng 6/2007, nhưng nó có thể mở ra cho ít người hơn khi bẻ khoá ngày càng khó hơn và bớt hữu ích hơn.

Khi có thêm tính năng cập nhật qua mạng (over-the-air - OTA) trong iOS 5 thì việc bẻ khoá có thể sẽ kém thú vị hơn đối với những người muốn điện thoại của họ càng cập nhật càng tốt, vì các tính năng và cải tiến mới được cập nhật hiện giờ với tốc độ nhanh hơn nhiều. Ngoài ra, Apple có thể sẽ dùng dịch vụ iCloud làm lợi thế chiến lược bằng cách ngăn người ta dùng thiết bị đã bẻ khoá để tiếp cận các tính năng của hãng.

Không chắc rằng Apple sẽ có thể đảm bảo HĐH của họ không bị bẻ khoá trong tương lai. Các nhà phù thuỷ phần mềm như Geohot, nhóm phát triển iPhone Dev Team và Chronic Dev, những người đã khám phá ra những phần mềm khai thác lỗ hổng và đưa ra những công cụ giúp thực hiện bẻ khoá, là những người rất kiên trì. Nhưng rất có thể là chúng ta sẽ thấy việc tung ra các công cụ này bị chậm lại để chỉ phản ánh các cập nhật chủ yếu, vì nguồn tài nguyên hạn chế có thể sẽ ngăn họ không bẻ khoá được mọi cập nhật OTA từ kết nối.

Khi ngày càng có nhiều iPhone không khoá mạng được bán, ngày càng nhiều khu vực có hãng viễn thông chính thức và ngày càng nhiều người dùng có thể sử dụng iPhone của họ với nhà mạng tùy chọn, thì nhu cầu và ý muốn mở mạng sẽ tiếp tục suy giảm. Điều này sẽ làm nhiều người không còn nhu cầu bẻ khoá nếu họ làm chuyện này chỉ để mở khoá thiết bị của họ.

Nhiều nhà phát triển gần đây đã cho biết, dường như đã có một bộ phận phát triển iOS đang hoạt động hăng hái xông xáo ở Apple. Với iOS 5, có vẻ họ đã miệt mài làm việc để chỉnh sửa các vấn đề mà người dùng gặp phải với iPhone và phần mềm của nó. Nếu họ tiếp tục làm việc có kết quả như thế, việc bẻ khoá sẽ bớt phần lôi cuốn.

Cuối cùng thì, vẫn còn quá sớm để quyết định khai tử lĩnh vực bẻ khoá. Cửa sổ nhìn vào tương lai của iOS vẫn còn được mở lâu hơn cho những ai trong chúng ta muốn nhìn qua cửa sổ này, và biết đâu, nó có lẽ sẽ tiếp tục giúp hình thành các tính năng của iOS phiên bản sắp tới.

Theo PCWorld VN



Bình luận

  • TTCN (0)