Điện thoại đa sim từ lâu đã bị "gắn chết" với cái danh hàng giá rẻ, ít tính năng. Nhưng do người dùng muốn có nhiều tính năng hơn, điện thoại đa sim bắt đầu mon men lên các phân khúc cao hơn.

Khi mới xuất hiện ở Việt Nam (từ khoảng năm 2007), điện thoại nhiều sim, nhiều sóng hầu hết là các sản phẩm không có nhãn hiệu, tên tuổi, hầu hết là hàng nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, điện thoại nhiều sim nay đã có nhiều thương hiệu, được phân phối tại các siêu thị điện máy lớn, có uy tín, bảo hành 12 tháng, có tặng kèm phụ kiện như tai nghe, thẻ nhớ...

Song song với những máy 2 sim Trung Quốc như Nktel, Jincen, CECT, Cool, ZTF1, JinPeng, East-star... với kiểu dáng thường nhái theo sản phẩm có tiếng như Samsung Armani, Lamborghini, Nokia... , thị trường xuất hiện khá nhiều dòng điện thoại được nhập khẩu và phân phối như eTouch, Cayon, K-Touch... Ngày càng nhiều các công ty viễn thông Việt Nam tung ra điện thoại đa SIM và thậm chí cả những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nokia, Samsung, Phillips, Alcatel, LG… cũng đang phát triển mạnh mẽ phân khúc thị trường này.

Thương hiệu Việt chiếm lại trận địa

Điện thoại đa sim thương hiệu Việt đang khá hấp dẫn khách hàng với sự phát triển nhanh về mẫu mã và kiểu dáng.

Đi tiên phong từ nhiều năm trước là Thành Công Mobile với nhãn hiệu Bavapen. Tuy nhiên, thương hiệu thực sự có tiếng nói trên thị trường ĐTDĐ phải kể đến Công ty Viễn thông An Bình với nhãn hiệu Q-Mobile, xuất hiện từ năm 2007 và F-Mobile của FPT. Ngoài ra còn khoảng vài chục nhãn hiệu với đủ loại điện thoại như Bluefone(CMC), Avio (VNPT), Hi-mobile (HiPT), Mobistar (P&T Mobile), Mobel...

Phải nói rằng, so với những dòng điện thoại 2 sim 2 sóng mới xuất hiện thời kì đầu, chất lượng nghe gọi của các dòng điện thoại mang nhãn hiệu Việt nói trên đã tốt hơn rất nhiều.

Chẳng hạn, ngoài chức năng nghe gọi thông thường, các mẫu điện thoại này đã được trang bị tối thiểu các tính năng như thẻ nhớ ngoài, bluetooth, nghe nhạc, chụp ảnh… Các dòng cao cấp hơn còn cho phép xem được cả truyền hình và có đèn flash cho camera. Giá cũng chỉ khoảng 2 triệu đến 2,5 triệu đồng.

Ảnh
Q-mobile M2 kiểu phím QWERTY có giá chưa đến 1 triệu đồng.

Không những thế, các sản phẩm này đều là “hàng công ty”, có thời gian bảo hành lên đến 1 năm với những chế độ hậu mãi đi kèm hấp dẫn. Mặc dù không ít người còn “bán tin, bán nghi” về xuất xứ của các mẫu điện thoại này, nhưng sức hấp dẫn nhìn thấy được về hình thức và giá cả đã thu hút không ít khách hàng. Đa phần khách hàng đều cho rằng, giá bán khá rẻ kèm với cam kết bảo hành 1 năm của công ty thì “mua được”.

Tại hệ thống của siêu thị Thế Giới Di Động, các mẫu điện thoại có từ 2 sim trở lên chiếm khoảng một phần tư số lượng các mẫu hiện có, đóng góp khoảng 8,3% tổng doanh thu của đơn vị này.

Trong khi đó, một hãng sản xuất điện thoại thương hiệu Việt lớn là Q-mobile hiện nay có 4 phân khúc sản phẩm chính là Q-popular (dòng bình dân), Q-music (dòng nghe nhạc), Q-fashion (dòng thời trang) và Q-tech (dòng công nghệ), thì chỉ trừ sản phẩm smartphone Q-mobile S10 có 1 sim, tất cả các sản phẩm còn lại đều hỗ trợ 2 sim 2 sóng. Q-mobile cho biết, các dòng máy đa sim chiếm ưu thế gần như tuyệt đối về doanh số của hãng.

“Xu hướng đa sim đã và đang chứng minh hiệu quả và lợi ích thực tế của nó mang lại cho người dùng. Do đó, tất nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tính năng này trên các sản phẩm của mình”, ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Điều hành của Q-mobile, cho biết.

Nokia: liệu có phải "uống nước đục"?

Mặc dù được đánh giá là thương hiệu điện thoại có truyền thống uy tín nhất trên thị trường ĐTDĐ Việt Nam từ xưa, nhưng dưới sức ép của các mẫu điện thoại đa sim cùng chủng loại tràn lan trên thị trường, điện thoại Nokia phổ thông đang dần lép vế.

Có lẽ đó chính là lí do khiến Nokia cũng thay đổi, bắt đầu hòa vào làn sóng điện thoại đa sim giá bình dân và cho ra đời các mẫu điện thoại 2 sim 2 sóng X1-00 và C2-00.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số đơn vị kinh doanh ĐTDĐ tại Hà Nội, thời điểm Nokia cho ra mắt các mẫu điện thoại nói trên khá bất lợi vì hơi muộn, và cũng mới chỉ có 2 mẫu tính năng đơn giản.

Ảnh
Nokia C1-00 và C2-00 có kiểu dáng khá đơn giản

Các hãng như Samsung, LG, Phillips đều đã sản xuất điện thoại chính hãng 2 sim 2 sóng và đi trước Nokia từ lâu.

Ra mắt những mẫu đầu tiên từ năm 2009, Samsung đa sim không còn xa lạ gì đối với khách hàng. Samsung hiện có 3 mẫu 2 sim, 2 sóng bán tốt là C3212, C3222…, trong đó, mẫu C3222 có thiết kế bàn phím QWERTY khá hấp dẫn với giá bán chỉ từ 1,5 triệu đồng, trang bị đủ các tính năng tối thiểu như kết nối Bluetooth, có camera chụp ảnh. Cao cấp hơn một chút là dòng màn hình cảm ứng, kiểu dáng bắt mắt, thêm cả hỗ trợ Wi-Fi với giá bán hơn 2 triệu. Không những thế, các mẫu điện thoại này đều được tặng kèm thẻ nhớ 1 GB hoặc 2 GB.

LG cũng giới thiệu các mẫu KS660, GX200, GX500... khá hấp dẫn về giá với hình ảnh hiển thị tốt và thời gian dùng pin cũng có thể đáp ứng yêu cầu của những người khó tính.

Các mẫu 2 sim của Nokia ra sau với giá bán thấp hơn (chỉ trên dưới 1 triệu đồng) lại không mấy hút khách tại thị trường Hà Nội do kiểu dáng đơn giản, không có tính năng nào đáng kể, thậm chí cũng không được trang bị thẻ nhớ.

Trong số các phản hồi của người mua, không ít người nói rằng: “Có gì mới đâu. Điện thoại 2 sim đã ra đời từ rất lâu rồi mà đến bây giờ Nokia mới có! Nhu cầu dùng 2 sim đã rất phổ biến, thậm chí điện thoại Trung Quốc có loại chạy 3, 4 sim cùng lúc, lại còn rẻ nữa”.

Theo thông tin từ Siêu thị điện thoại Mobimart (Thái Hà, Hà Nội), trước đây các mẫu điện thoại giá bình dân của Nokia rất được ưa chuộng. Hiện tại, siêu thị này cũng đã nhập về các điện thoại 2 sim 2 sóng của Nokia. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhân viên cửa hàng, điện thoại của một số hãng khác, như Samsung, tỏ ra hấp dẫn khách hơn nhiều vì chúng có nhiều tính năng hơn. Thêm nữa, mẫu mã và kiểu dáng của Samsung phù hợp với nhiều đối tượng, trong khi kiểu dáng của Nokia khá giản dị và hơi cổ điển.

Khách “ghiền” điện thoại 2 sim 2 sóng giờ không chỉ ham giá rẻ mà họ muốn có các tính năng khác nữa”, một nhân viên của Mobimart cho biết.

Theo lời ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc kinh doanh ngành hàng di động của Thế Giới Di Động, hiện ĐTDĐ của Nokia chiếm khoảng 20% số lượng bán ra của các dòng điện thoại đa sim do có thương hiệu lớn. “Tuy nhiên, về mặt tiện ích, Nokia chưa bằng các dòng điện thoại Trung Quốc”, ông này cho biết.

Có lẽ Nokia gặp thuận lợi hơn ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều người dùng lớn tuổi ít cần tới các tính năng như nghe nhạc, chụp ảnh, ít nhắn tin, nhưng muốn có pin bền và giá rẻ.

Điện thoại đa sim nhảy vào phân khúc cao cấp?

Việc trang bị cho các mẫu điện thoại đa sim các tính năng “xịn” như máy ảnh nhiều “chấm”, màn hình cảm ứng, thậm chí cả hỗ trợ Wi-Fi, và 3G khiến cho điện thoại đa sim không chỉ còn loanh quanh ở sân chơi bình dân, giá rẻ. Nó cũng bắt đầu đi vào phân khúc điện thoại cao cấp hơn.

Thậm chí, các nhà sản xuất cũng bắt đầu để mắt đến các điện thoại thông minh (smartphone) hỗ trợ đa sim. Mới đây nhất là sự ra mắt của smartphone 2 sim 2 sóng A890 chạy đề điều hành Android 2.2 mang thương hiệu của AVIO của VNPT.

Ảnh
Smartphone 2 SIM đầu tiên của AVIO.

Tuy nhiên, giới kinh doanh thiết bị tỏ ra khá e dè với việc cho rằng các máy đa sim sẽ trở thành một xu hướng thiết kế mới cho các nhà sản xuất tầm cỡ.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em cho rằng, mặc dù ngoài Nokia, các hãng điện thoại có tiếng như Samsung, LG đều đã cho ra các mẫu sản phẩm đa sim, nhưng đây là dòng điện thoại cấp thấp nên các hãng danh tiếng này chỉ “tranh thủ” ra sản phẩm để giành thị phần chứ sẽ không đầu tư nhiều.

Trong khi đó, các nhà sản xuất Việt Nam lại tỏ ra lạc quan hơn về thị trường này.

Theo lời của ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Điều hành AVIO Việt Nam trong ngày ra mắt AVIO A890, chiếc điện thoại này là một ví dụ điển hình về sự phát triển của công nghiệp thiết bị di động, và đây sẽ chỉ là bước khởi đầu, họ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hợp tác và cho ra đời những sản phẩm công nghệ cao.

Còn khi đánh giá về nhu cầu sử dụng điện thoại đa sim, Q-mobile cho rằng, vào thời điểm hiện tại, nhu cầu sử dụng nhiều tài khoản mạng di động cùng lúc ở Việt Nam là khá cao, vì thế, việc sử dụng một máy duy nhất nhưng có khả năng hỗ trợ nhiều thẻ sim chính là điểm tiện lợi có thể khai thác, bởi chỉ dùng một ĐTDĐ song có thể khai thác trên 2 tài khoản khác nhau vừa tiết kiệm vừa tiện lợi hơn hẳn.

“Trong bối cảnh nhu cầu liên lạc đang ngày càng phát triển hiện nay, và cũng để tận hưởng những chương trình khuyến mãi mà các nhà mạng đang mang lại cho người dùng, di động đa sim có thể sẽ trở thành một xu hướng lâu dài tại Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Điều hành Q-mobile, nhận định.

Theo PCWorld VN



Bình luận

  • TTCN (2)
nguyễn hữu hường  5

hướng đi !

việt nam nên chọn cho mình một hướng đi về phát triển công nghệ riêng để có thể theo kịp những hãng đã có nhiều tên tuổi !
tôi nghĩ đt đa sim ngày càng thiết thực hơn với người sử dụng, nêú nó có thể ngày càng hoàn thiện về mặt đa phương tiện thì quả thực tuyệt vời !

nguyễn hữu hường  5

hướng đi !

việt nam nên chọn cho mình một hướng đi về phát triển công nghệ riêng để có thể theo kịp những hãng đã có nhiều tên tuổi !
tôi nghĩ đt đa sim ngày càng thiết thực hơn với người sử dụng, nêú nó có thể ngày càng hoàn thiện về mặt đa phương tiện thì quả thực tuyệt vời !