Hiện nhiều khách hàng đang tối ưu chi phí bằng việc cân nhắc, lựa chọn dùng dịch vụ chuyển chậm với giá cước rẻ thay cho các gói dịch vụ chuyển phát nhanh. Ảnh: M.T.

Xu hướng thay đổi, chuyển dịch trong thói quen tiêu dùng dịch vụ chuyển phát của nhiều khách hàng, đặc biệt khách hàng doanh nghiệp, đang làm “đau đầu” lãnh đạo các hãng cung cấp dịch vụ bưu chính chuyển phát.

Khách hàng căn cơ

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Công ty TM&XNK Viettel cho biết, cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) khác, để đối phó với tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, trong những tháng vừa qua, Trung tâm bán lẻ Viettel cũng đã phải tìm mọi cách để tối ưu hóa các chi phí, trong đó có chi phí vận chuyển hàng hóa. Mặc dù chi phí vận chuyển mỗi tháng của Trung tâm chưa đến 1 tỷ đồng, chiếm khoảng 5-6% tổng chi phí bán hàng, song hiện nay đơn vị vẫn đang thực hiện nhiều giải pháp để tối ưu hóa khoản chi phí này.

“Bên cạnh việc sử dụng cùng lúc dịch vụ của nhiều nhà cung cấp để có thể đàm phán được giá tốt, chúng tôi cũng cân nhắc, tính toán các giải pháp để chuyển phát hàng tới khách hàng một cách tiết kiệm, tối ưu nhất. Ví dụ như, hàng nào có thể đi chậm được thì gửi chuyển chậm, hàng nào bắt buộc phải chuyển gấp mới gửi dịch vụ chuyển phát nhanh. Ngoài ra, mỗi lần chuyển hàng, chúng tôi còn phải làm sao đóng gói, gom đủ khối lượng hàng đi 1 chuyến để được các hãng chuyển phát cung cấp giá tốt hơn”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng nhận định, những giải pháp nhằm tối ưu hóa chi phí vận chuyển nêu trên tương đối phổ biến, hiện đang được khá nhiều DN triển khai áp dụng. Cụ thể, ngay như các đối tác cung cấp hàng cho Trung tâm, giai đoạn gần đây cũng tăng cường tiết kiệm chi phí bằng cách chuyển sang sử dụng phương thức vận chuyển hàng chậm qua đường tàu và đường bộ, thay vì chuyển nhanh qua đường hàng không như giai đoạn trước.

Với Trung tâm bán lẻ Viettel, thống kê sơ bộ sản lượng, từ đầu năm 2011 đến nay, doanh số bán hàng của Trung tâm vẫn tăng trưởng nên nhu cầu, sản lượng hàng hóa gửi qua các hãng chuyển phát của đơn vị vẫn tăng. Tuy nhiên, nhờ áp dụng các giải pháp tiết kiệm, tối ưu hóa chi phí nên hiện nay mỗi tháng chi phí vận chuyển của Trung tâm bán lẻ chỉ khoảng 800-900 triệu đồng.

Tương tự, với website thương mại điện tử eBay.vn, theo chị Lê Thanh-chuyên viên Logistic của eBay.vn, chi phí vận chuyển của DN này mỗi tháng chiếm khoảng 25% chi phí bán hàng. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, để tiết kiệm chi phí vận chuyển, cùng với việc chuyển sang sử dụng các phương tiện vận chuyển đường bộ, đường thủy với những mặt hàng khối lượng lớn, liên doanh Chodientu-eBay Việt Nam còn đặc biệt chú trọng việc chọn các đối tác cung cấp dịch vụ chuyển phát uy tín, có công nghệ quản lý tốt, phù hợp với từng khu vực và có ưu thế về giá cả, thời gian…; đồng thời hướng các khách hàng sử dụng công cụ thanh toán trực tuyến để giảm các giao dịch nhận tiền khi giao hàng (dịch vụ phát hàng thu tiền-COD) bởi dịch vụ này tốn chi phí cho DN, thường từ 7-10% giá trị sản phẩm.

Sản lượng tăng, nhưng doanh thu chuyển phát “dậm chân tại chỗ”

Từ góc độ của đơn vị trực tiếp cung ứng dịch vụ, lãnh đạo một số DN bưu chính chuyển phát đều có chung nhận định, thói quen sử dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát của khách hàng đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Ông Phó Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bưu chính Viettel (ViettelPost) phân tích, nếu như giai đoạn trước, các DN sản xuất có thể không lên kế hoạch chuyển hàng, mỗi khi cần giao hàng thì gửi dịch vụ chuyển phát nhanh để đảm bảo hàng được chuyển kịp thời, nhanh chóng tới đối tác, người nhận trong khoảng 2-3 ngày, và đương nhiên yêu cầu chuyển gấp cũng đồng nghĩa với việc DN phải chấp nhận mức giá cước cao.

Tuy nhiên, hiện nay, thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, các khoản chi tiêu đều được tính toán kỹ nên nhiều DN sản xuất đã lên kế hoạch xuất hàng, giao hàng cho đối tác, khách hàng ở các tỉnh, thành phố từ khá sớm. Với việc chủ động trước kế hoạch vận chuyển nên lượng hàng hóa có thời hạn giao gấp của các DN giảm, vì thế chi phí cho dịch vụ chuyển phát hàng hóa của DN cũng giảm đáng kể.

Trao đổi với phóng viên ICTnews về những ảnh hưởng, tác động từ sự thay đổi thói quen tiêu dùng dịch vụ bưu chính chuyển phát của khách hàng, ông Hoàng Văn Dương-Giám đốc Trung tâm khai thác vận chuyển 1 của ViettelPost cho hay, ảnh hưởng rõ nét nhất là từ đầu năm đến nay mặc dù sản lượng và khối lượng hàng hóa gửi qua DN chuyển phát vẫn tăng, song doanh thu lại “dậm chân tại chỗ” và thậm chí là còn giảm hơn so với giai đoạn trước. “Cụ thể, trong tháng 9/2011, doanh thu từ dịch vụ chuyển phát so với cùng thời điểm năm ngoái thì gần như tương đương, mặc dù sản lượng, khối lượng hàng hóa tăng khoảng 10-20%”, ông Dương dẫn chứng.

Nguyên nhân cơ bản đưa đến thực tế trên chính là do khách hàng tiết kiệm chi phí, chuyển sang sử dụng các dịch vụ chuyển chậm như: bưu kiện thường, dịch vụ vận tải, hàng theo lô... với mức giá rẻ, thay vì sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh với giá cước cao hơn. Theo số liệu thống kê của ViettelPost, nếu như năm 2009, hàng chuyển phát nhanh chiếm tỷ trọng khoảng 70-80% tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển, thì đến nay hàng gửi chuyển phát nhanh giảm sút, hàng gửi chuyển chậm tăng lên (chỉ còn chiếm khoảng 40-50%).

Cùng chung nỗi lo với các DN bưu chính chuyển phát khác, bà Đoàn Thụy Phương Tuyết Hoa, Trưởng phòng Kinh doanh Bưu điện Đắk Lắk thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam chia sẻ, hiện nay đơn vị này đang bị cạnh tranh rất mạnh bởi các nhà xe, do khách hàng để tiết kiệm chi phí đang có xu hướng chuyển sang gửi hàng qua các hãng vận tải hành khách có kinh doanh thêm dịch vụ chuyển phát bởi chi phí rẻ hơn.

Ông Nguyễn Văn Tú, Tổng Giám đốc Công ty CP chuyển phát nhanh Tín Thành (TTC Express) cũng thẳng thắn thừa nhận, do khách hàng căn cơ, tính toán kỹ càng hơn trong việc lựa chọn dịch vụ và nhà cung cấp, tăng cường đàm phán với các hãng chuyển phát về giá cước dịch vụ nên doanh thu, lợi nhuận của các DN chuyển phát, trong đó có Tín Thành bị giảm đáng kể.

“Hiện nay, Ban lãnh đạo Tín Thành đang phải nghiên cứu, tìm phương cách để bù đắp khoản doanh thu, lợi nhuận từ dịch vụ chuyển phát bị “hụt” so với kế hoạch ban đầu, đơn cử như gia tăng thêm nhiều dịch vụ mới, chuyên biệt cho từng nhóm khách hàng. Đây thực sự là thách thức không nhỏ đối với các cán bộ điều hành TTC Express. Tôi cho rằng, đây là bài toán mà các DN bưu chính chuyển phát khác cũng đang phải nỗ lực tìm lời giải”, ông Tú nhấn mạnh.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)