Tỷ lệ số người chưa dùng di động vẫn là cơ hội lớn để các nhà mạng gia tăng phát triển thuê.

Theo số liệu điều tra của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng người dùng di động của Việt Nam hiện mới “tròm trèm” 30,2 triệu người. Như vậy, thị phần để phát triển thuê bao điện thoại di động thực vẫn còn quá lớn.

Con số trên được nêu trong báo cáo "Điều tra thống kê toàn quốc về hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe - nhìn năm 2010" do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố hôm 11/10 là tỉ lệ người trong hộ gia đình sử dụng điện thoại di động, với mức bình quân của cả nước chỉ mới đạt là 37,5%.

Số liệu là xác thực

Trong báo cáo, ngay những thành phố lớn như Hà Nội, Tp. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, tỉ lệ người trong hộ gia đình sử dụng điện thoại di động cũng chỉ đạt trên dưới 50%. Theo đó, cả nước vẫn còn 62,5% tỉ lệ người trong hộ gia đình, tương ứng 40 - 50 triệu dân, chưa sử dụng điện thoại di động.

Bình Dương là tỉnh có số người trong gia đình sử dụng điện thoại di động cao nhất, đạt 57%. Rất nhiều tỉnh, như Sơn La, Điện Biên, Hà Giang… tỉ lệ này chỉ đạt trên 20%.

Sau khi Bộ công bố số liệu điều tra trên, nhiều người đã cảm thấy bất ngờ, bởi lẽ theo con số của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số điện thoại di động cả nước tính đến hết tháng 9, đạt 114,2 triệu thuê bao có phát sinh cước – tức là thuê bao hoạt động thực.

Giả sử chia số thuê bao di động 114,2 triệu cho đầu người dùng – tính trung bình mỗi người dùng 2 số - thì số người dùng điện thoại di động cả nước cũng ngót nghét 60 triệu người. Vậy con số 30,2 triệu người trong báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông liệu có sát với thực tế?

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai cho biết, Bộ đã tổ chức cho điều tra viên đến từng phố phường, bản xã, gia đình để điều tra, thu thập thông tin, vì thế số liệu điều tra trên là hoàn toàn sát thực. Có điều, ở đây, Bộ chỉ thu thập số liệu tại gia đình, còn những đối tượng như sinh viên học xa nhà, công nhân đi thuê trọ… thì không tính.

Ông Lai phân tích thêm, tỉ lệ số người dùng điện thoại di động bình quân cả nước mới đạt 37,5%, nhưng không đồng đều, vì nơi dùng nhiều, nơi dùng ít. Có người dùng mấy số điện thoại di động khác nhau, có người lại chẳng dùng số nào.

“Chúng tôi đặt chỉ tiêu điều tra là số người sử dụng điện thoại di động trong gia đình để trên cơ sở số liệu này Nhà nước có những chính sách khuyến khích sử dụng, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng”, Thứ trưởng Trần Đức Lai nói.

Cơ hội cho các nhà mạng

Con số trên có thể coi là một tín hiệu lạc quan cho các mạng di động trong việc mở rộng thị phần, khi mà lâu nay, nhiều nhận định (bao gồm của cả các nhà mạng) cho rằng, lĩnh vực kinh doanh này đã tới mức bão hòa, khó có thể phát triển thêm được nhiều thuê bao.

Thậm chí ngay từ hai năm trước, một số nhà mạng đã cho rằng, số thị phần để phát triển thêm người dùng di động chỉ còn cỡ 15 – 20 triệu người. Vì thế dẫn đến, không biết bao nhiêu lần, các nhà mạng đã chạy đua khuyến mại, kích cầu để thu hút thêm lượng người chưa dùng còn lại.

Nhưng với những số liệu điều tra trên, “khái niệm” ngưỡng bão hòa thị trường dựa trên số lượng thuê bao điện thoại có vẻ chưa thực sự đúng.

Khi nhậm chức Tổng giám đốc mạng Beeline hồi tháng cuối tháng 6/2011, ông Michael Sasha Cluzel cho rằng, không chắc là thị trường di động Việt Nam đã bão hòa hay chưa. Theo ông, luôn có sự khác biệt lớn giữa mật độ thống kê thực sự và mật độ danh định. Tuy nhiên, hàng năm thị trường luôn luôn có những người mới gia nhập, người dùng mới.

Tất nhiên, trong số 40 – 50 triệu người chưa dùng điện thoại di động phải kể đến một tỉ lệ lớn là người cao tuổi không còn nhu cầu dùng và đặc biệt là số lượng trẻ em, học sinh chưa tới tuổi dùng điện thoại di động. Vì thế, tỉ lệ người trong gia đình dùng điện thoại di động ở hầu khắp các tỉnh thành, trung bình mới chỉ đạt dưới 40%.

Và rõ ràng là, đối tượng trẻ em, học sinh chưa tới tuổi dùng điện thoại di động sẽ là một thị trường tiềm năng rất lớn cho các mạng điện thoại di động, nếu như họ có những chiến lược phát triển để “đón sẵn” lớp thị phần này.

Theo VnEconomy



Bình luận

  • TTCN (0)