2007 đã chứng kiến sự ra đời của iPhone, chiếc điện thoại được coi là "định nghĩa lại" cả một thế hệ smartphone tương lai. 2007 cũng ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của Dell và Intel trong việc giành lại địa vị thống trị, sự liều lĩnh của Google khi xâm lấn địa hạt di động bằng nền tảng Android và sự bẽ bàng của Microsoft khi hệ điều hành Vista bị chê tơi bời.

1. Cá lớn nuốt cá lớn... tương đương (hoặc lớn hơn)

Toàn cầu hóa đã thúc đẩy quá trình sáp nhập và hội tụ trong lĩnh vực IT từ vài năm nay, nhưng những bản hợp đồng ký năm 2007 mới thực sự mang ý nghĩa "khuynh đảo" thị trường.

SAP, IBM, Oracle đua nhau nuốt chửng các đối thủ và đối tác trong lĩnh vực phần mềm, với ý đồ mở rộng danh sách khách hàng, thu hút chất xám và công nghệ ở những lĩnh vực đang "hot" như dịch vụ Web.

Một số bản hợp đồng lớn trong năm nay là vụ SAP mua lại Business Objects với giá 6,8 tỷ USD, IBM thâu tóm Cognos sau khi bỏ ra 5 tỷ USD còn Oracle mua lại Hyperion với giá 3 tỷ. Khủng khiếp hơn nữa, Oracle còn đưa ra gợi ý mua lại BEA với giá 6,7 tỷ USD.

Trên thị trường Internet, Google cũng gây chấn động không kém khi vứt 3,1 tỷ USD mua lại hãng quảng cáo trực tuyến khổng lồ DoubleClick. Trong khi ấy, Microsoft cũng nhanh tay thâu tóm mạng xã hội ảo Facebook ngay trước mắt Google.

2. Dell vật lộn "tìm lại bản ngã"

Trong nhiều năm, Dell đã nắm giữ ngôi vị Quán quân thị trường máy tính cá nhân vốn đầy rẫy sự cạnh tranh, kèn cựa. Thế nhưng bi kịch đã xảy đến vào năm 2006, khi Dell đánh mất vương miện vào tay đối thủ HP và khoảng cách giữa hai hãng cứ ngày một nới rộng.

Giám đốc điều hành từ chức, và chủ tịch Michael Dell buộc phải "tái xuất" để lèo lái con thuyền đang chao đảo trong cơn sóng dữ.

Sau khi sa thải 10% nhân viên, Dell liên tục mở rộng sang lĩnh vực máy tính doanh nghiệp, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, và quan trọng nhất, bắt đầu bán sản phẩm bên trong các cửa hàng bán lẻ.

Những kết quả ban đầu khá là hứa hẹn: Mức tăng trưởng doanh thu trong quý III/2007 đã phá kỷ lục, chủ yếu là nhờ sức cầu tăng mạnh tại thị trường notebook toàn cầu.

3. iPhone: Thiết bị định nghĩa lại smartphone

Dưới sự dẫn dắt của Steve Jobs, Apple chưa bao giờ ngừng sáng tạo và làm mới chính bản thân mình. Thậm chí hãng này còn thay đổi cả thị trường với những sản phẩm tung ra.

Năm 2001, sự ra đời của chiếc máy nghe nhạc iPod đã làm rung chuyển cả thế giới, thay đổi vĩnh viễn cách con người nghe nhạc và giải trí.

Đến năm 2007, đến lượt iPhone trở thành "Phát minh của năm", nhờ sự kết hợp giữa thiết kế sành điệu, tính năng di động, kết nối Internet với khả năng nghe nhạc số hoàn hảo.

Doanh thu và giá cổ phiếu của Apple chưa bao giờ lại "đẹp" đến vậy.

4. "Mỗi trẻ em một laptop" và kỷ nguyên của máy tính giá rẻ

Mơ ước của Nick Negroponte rằng sẽ bán được 150 triệu chiếc laptop 100 USD trước năm 2009 có vẻ như là hoang đường trong mắt nhiều người. Theo họ, nó bất khả thi ở hai điểm: Trẻ em nghèo trên toàn thế giới cần thỏa mãn nhiều nhu cầu thiết yếu khác như thực phẩm, y tế.... trước khi nghĩ đến máy tính, và thứ hai, mức giá của OLPC (dự án mỗi trẻ em một laptop) không thể rẻ dưới mức 100 USD.

Ít ra thì sự nghi ngờ này đã đúng một phần, bởi mức giá ban đầu ấn định cho OLPC xấp xỉ 200 USD, tức là cao gấp đôi mục tiêu đề ra. Số lượng đơn đặt hàng cũng không nhiều, bằng cớ là kế hoạch sản xuất năm nay chỉ ngấp nghé 300.000 máy.

Đấy là chưa kể sự cạnh tranh từ nhiều thương hiệu máy tính giá rẻ khác. Lấy thí dụ, Intel đang bán mẫu laptop Classmate giá 200 USD tại Mexico, Nigeria, Brazil, Pakistan và Libya, trong khi Everex tuyên bố sẽ bán máy tính Linux, cài vi xử lý x86 với giá chưa đến 300 USD.

5. GPhone của Google biến thành... Android

Thông báo của Google hồi tháng 11 vừa qua về kế hoạch tấn công thị trường di động đã gây bất ngờ cho tất cả cử tọa. Hầu hết mọi người đều hy vọng sẽ được nghe giới thiệu về một mẫu điện thoại riêng mang tên Gphone như lời đồn, nhưng té ra, Google lại nuôi ý định khác.

Cùng với các đối tác, Google đã phát triển một nền tảng phần mềm nguồn mở, dựa trên Linux, với tên gọi Android. Ý tưởng của Google là: nền tảng chung này sẽ cho phép các nhà phát triển phần mềm xây dựng nên những ứng dụng tương thích với cùng lúc nhiều hãng máy khác nhau, nhiều mạng di động khác nhau.

Dự kiến những chiếc điện thoại Android đầu tiên sẽ tung ra vào giữa năm 2008, và hãy chờ xem chúng có cạnh tranh được với Symbian hay Windows Mobile hay không.

(Còn tiếp)

(Theo Trọng Cầm - Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (0)