Hãng viễn thông hàng đầu Nhật Bản đã có những bước tiếp cận đầu tiên thăm dò khả năng tham gia vào thị trường viễn thông tại Việt Nam theo cách thức mới.

Tập đoàn Viễn thông NTT (NTT) của Nhật Bản vừa đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông ý định tham gia vào thị trường viễn thông tại Việt Nam thông qua hoạt động bán lại dịch vụ viễn thông.

Với các quy định hiện hành, NTT hoàn toàn có khả năng tham gia vào hoạt động bán lại dịch vụ viễn thông tại Việt Nam. Theo quy định tại Nghị định 25/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/6/2011, các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia vào hoạt động bán lại dịch vụ viễn thông nếu thỏa mãn một số điều kiện. Cụ thể là, để bán lại dịch vụ viễn thông cố định cho người sử dụng cuối tại một địa điểm hợp pháp, tổ chức, cá nhân phải đăng kí kinh doanh, kí hợp đồng đại lí dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp viễn thông. Còn để bán lại dịch vụ viễn thông cố định tại hai địa điểm trở lên hoặc bán lại dịch vụ viễn thông di động, doanh nghiệp phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, các doanh nghiệp bán lại dịch vụ viễn thông có quyền bán lại dịch vụ trên thương hiệu của mình và cung cấp thêm dịch vụ giá trị gia tăng vào dịch vụ bán lại theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tuy nhiên, hiện chưa có các hướng dẫn cụ thể liên quan đến hoạt động bán lại dịch vụ viễn thông, dù việc soạn thảo quy định về bán lại dịch vụ viễn thông đã được bắt đầu từ năm 2008.

Về phía mình, trước khi chính thức “đánh tiếng” muốn tham gia vào hoạt động bán lại dịch vụ viễn thông tại Việt Nam, NTT đã trở thành cổ đông hoặc có những kí kết hợp tác với các doanh nghiệp nội dung số của Việt Nam. Cụ thể, Công ty NTT Docomo, một thành viên của NTT đã bỏ ra 370 tỉ đồng để nắm giữ 25% cổ phần của Công ty cổ phần Truyền thông VMG Việt Nam (VMG Media). VMG Media cũng được biết tới với tư cách chuyên kinh doanh các dịch vụ SMS cho điện thoại di dộng, game online, truyền hình trực tuyến, nhạc số… Một thành viên khác của NTT là NTT Solmare cũng đã kí kết hợp tác với Công ty Tinh Vân để cung cấp dịch vụ truyện tranh trên điện thoại di động tại thị trường Việt Nam.

Điều đó có nghĩa là, NTT đã có những khởi động rất rõ ràng và cụ thể cho kế hoạch vào hoạt động bán lại dịch vụ viễn thông. Nhìn nhận mong muốn của NTT, một chuyên gia trong ngành cho biết, bản chất hoạt động của các doanh nghiệp bán lại dịch vụ viễn thông là mua sỉ dung lượng của các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng rồi gia tăng các dịch vụ viễn thông thông qua các kho dữ liệu của mình, trước khi bán ra cho khách hàng. Do vậy, muốn sống khỏe và cạnh tranh được với chính các doanh nghiệp có hạ tầng mạng, các doanh nghiệp bán lại dịch vụ phải tạo ra được các dịch vụ giá trị gia tăng mang tính hàng độc. Mà điều này thì các doanh nghiệp viễn thông lớn của thế giới có rất nhiều kinh nghiệm nếu họ muốn phát triển thực sự

Theo Báo đầu tư




Bình luận

  • TTCN (1)
Ánh Tuyết  22864

Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng của các nước.