2007 đã chứng kiến sự ra đời của iPhone, chiếc điện thoại được coi là "định nghĩa lại" cả một thế hệ smartphone tương lai. Năm 2007 cũng ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của Dell và Intel trong việc giành lại địa vị thống trị, sự liều lĩnh của Google khi xâm lấn địa hạt di động bằng nền tảng Android và sự bẽ bàng của Microsoft khi hệ điều hành Vista bị chê tơi bời.

Những câu chuyện IT "đình đám" nhất năm 2007 (Phần 1)

6. Vista chính thức đến tay người dùng

Microsoft chính thức tung ra Vista bản người dùng từ ngày 30/1, sau khi phát hành bản doanh nghiệp hồi cuối tháng 11 năm ngoái.

Các quan chức của gã khổng lồ xứ Redmond không ngần ngại lăng xê Windows Vista như là "sản phẩm mới quan trọng nhất trong lịch sử hãng", kèm theo những con số thống kê ấn tượng để minh hoạ: 88 triệu bản đã tiêu thụ được từ đó tới nay.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ vậy. Giới phân tích thì lo ngại về tính ổn định và sự tương thích của Vista với các sản phẩm phần cứng, phần mềm bên ngoái, trong khi doanh nghiệp thì ngần ngại chưa muốn nâng cấp. Người dùng thì ngán ngẩm sự phức tạp của Vista tới tận cổ, bằng cớ là nhiều người quyết định chuyển lại về dùng XP cho yên thân.

7. Năm bội thu của hacker

Hãy cố cầu nguyện một cách lạc quan (dù hơi viển vông) rằng: 2007 đã đánh dấu thời kỳ hoàng kim của hacker, và năm 2008 sẽ là thời điểm "tụt dốc" của tội phạm mạng.

Chưa năm nào mà nạn trộm dữ liệu và botnet lại hoành hành dữ dội như năm nay.

Thế giới đã chứng kiến một trong những vụ trộm dữ liệu số lớn nhất trong lịch sử: Hacker đã đánh cắp tên tuổi và thông tin thẻ tín dụng của từ 45,6-94 triệu khách hàng của chuỗi cửa hàng bách hoá TJX, sau khi truy cập thành công vào mạng máy tính hãng này thông qua Wi-Fi.

Cũng trong năm 2007, sâu Storm xuất hiện và ngay lập tức trở thành một trong những hiểm hoạ bảo mật PC ghê gớm nhất. Cái tên sâu Storm thực ra hơi gây hiểu lầm, bởi bản chất thật của nó là một phần mềm "bot", chuyên biến các máy tính bị nhiễm thành thây ma (zombie) để gia nhập vào đội quân botnet (một mạng lưới các zombie, chịu sự điều khiển của hacker trung ương).

8. Microsoft "đầu hàng" EU

Tháng 9/2007, Microsoft đã phải hứng chịu một cú sốc mạnh khi Toà án Sơ thẩm EU tại Brussel quyết định đứng về phía Uỷ ban châu Âu, bác đơn kháng cáo của gã khổng lồ phần mềm. Toà cũng ủng hộ khoản phạt lên tới 497 triệu euro (613 triệu USD) mà Uỷ ban áp cho Microsoft về tội độc quyền, chèn ép đối thủ.

Năm 2004, Ủy ban châu Âu tuyên bố rằng Microsoft đã vi phạm luật chống độc quyền và buộc hãng phải chia sẻ mã sản phẩm với các doanh nghiệp phần mềm đối thủ. Chỉ khi có được những mã nguồn này, các hãng đối thủ mới có thể viết ra phần mềm máy chủ tương thích với hệ điều hành Windows của Microsoft.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng lệnh cho Microsoft không được đóng gói phần mềm nghe nhìn Windows Media Player kèm theo hệ điều hành Windows.

Không đồng tình với phán quyết này, Microsoft tuyên bố họ sẽ đệ đơn kháng án lên Tòa án sơ thẩm của EU tại Brussels, Bỉ. Trong khi ấy, Ủy ban châu Âu cho rằng Microsoft cố tình trì hoãn việc thực thi phán quyết và đe dọa sẽ phạt gã khổng lồ phần mềm 3 triệu Euro/ngày vì tội "cứng đầu".

Sau phán quyết của Toà sơ thẩm, Microsoft vốn có 2 tháng để tiếp tục kháng án lên Toà Tư pháp châu Âu - Cơ quan Toà án cao nhất của EU. Tuy nhiên, cuối cùng thì Microsoft đã quyết định "cúi đầu", kết thúc 3 năm tranh tụng ngoài Pháp đình và chấp nhận tuân thủ phán quyết 2004 của EU, tất nhiên là đồng ý nộp phạt.

Giải thích về thái độ buông xuôi của Microsoft, giới phân tích nhận định rằng: "Gã khổng lồ nước Mỹ đã nhận ra rằng: Sàn đấu châu Âu không dễ chơi chút nào, và việc Tòa án Sơ thẩm tại Bỉ ủng hộ tất cả các luận điểm quan trọng do Ủy ban châu Âu đưa ra - chính là đòn đánh quyết định".

9. 46 triệu pin điện thoại Nokia mắc lỗi

Giữa tháng 8/2007, gã khổng lồ di động Nokia đưa ra lời cảnh báo rằng 46 triệu gói pin dùng trong ĐTDĐ của hãng có thể bị nóng chảy vì lỗi công nghệ, đồng thời khuyến cáo người dùng nên mang đi đổi miễn phí trong trường hợp cảm thấy "bất an".

Trung tâm vấn đề chính là gói pin BL-5C do Matsushita Electric Industrial sản xuất và đang được sử dụng trong hơn 50 mẫu sản phẩm Nokia khác nhau.

Nokia đã ghi nhận được hơn 100 trường hợp BL-5C bị chập mạch và nóng giãy trong lúc sạc trên toàn thế giới, trước khi quyết định công bố rộng rãi thông tin này với dư luận.

"BL-5C" là loại pin được Nokia sử dụng nhiều nhất, nằm trải đều từ series bình dân 1100 cho đến những con dế multimedia cao cấp như N70 và N91. Nếu như khách hàng hoàn trả lại toàn bộ 46 triệu pin lỗi, tổn thất từ sự cố này có thể lên tới 1,2 tỷ USD.

10. Mạng xã hội ảo thịnh vượng

Quyết định của Facebook hồi tháng 10 về việc bán số cổ phiếu trị giá 240 triệu USD cho Microsoft đã chứng minh vị thế của mạng xã hội ảo trên thị trường công nghệ hiện nay. Giá trị cổ phiếu của Facebook hiện được định giá ở mức 15 tỷ USD, mặc dù chưa ai thật sự rõ Facebook sẽ "kiếm tiền" từ lượng hit truy cập của mình như thế nào.

Tuy mạng xã hội ảo đã phất lên từ vài năm trước, nhưng Facebook sở hữu nhiều tính năng tương tác và một nền tảng phát triển mà cả Google, MySpace lẫn nhiều hãng khác đều thèm muốn. Chỉ có một vết đen nho nhỏ trong bản lý lịch "sáng chói" của Facebook trong năm nay: Hệ thống quảng cáo Beacon gây nhiều tranh cãi.

(Theo Trọng Cầm - Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (0)