1a.jpgJeff Bezos đã chèo lái đưa Amazon trở thành hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới. Ảnh: INTERNET.

Với lòng tự tin học được từ những mùa hè ở nông trại với ông bà ngoại, Jeff Bezos đã sáng lập nên Amazon và áp dụng những ý tưởng ban đầu tưởng chừng rất điên rồ.

Lần đầu tiên Jeffrey Preston Bezos đến trang trại nuôi bò của ông bà ngoại ở Texas là năm ông lên 4 tuổi. Đó là một trang trại rộng 25.000 mẫu – nơi cư trú của những dãy cây sồi và là nhà của các loài hươu nai đuôi dài, lừa, chim bồ câu, chim cút, lợn và cừu.

Ông bà ngoại muốn chia sẻ cuộc sống nông trại này với cháu trai. Cho đến năm 16 tuổi, mỗi mùa hè Jeff lại đến đây với ông bà. Ở đây, ông học cách rửa chuồng trại, đóng nhãn cùng các công việc nông trại khác. Jeff nói, những năm tháng ở đây ông đã học được một điều quan trọng: “Một trong những điều bạn phải học ở khu vực nông thôn như thế này là lòng tự tin. Mọi người đều phải tự làm việc. Lòng tự tin đó là cái bạn có thể học, và ông ngoại của tôi là một tấm gương lớn cho tôi. Nếu một cái gì đó hỏng hóc, hãy sửa chữa nó. Để làm được điều đó, bạn phải kiên nhẫn và tập trung, đến mức người khác có thể cảm thấy bạn không bình thường”.

Khởi nghiệp

Mùa hè năm 1994, Bezos từ bỏ công việc làm Phó Chủ tịch hãng Dịch vụ tài chính D. E. Shaw ở New York và cùng với vợ là MacKenzie chuyển đến Seattle để tận dụng sự phát triển bùng nổ của Internet và khởi nghiệp Amazon. Tên đầu tiên của công ty là Cadabra, đã bị hủy bỏ sau khi một số người nghe nhầm nó thành “cadaver” (nghĩa là xác chết, tử thi).

Ngôi nhà gồm 3 phòng ngủ mà vợ chồng Bezos thuê nằm ở ngoại ô Bellevue. Bezos chọn nó một phần vì nó có gara – nơi đó, ông có thể khởi nghiệp như nhiều huyền thoại Silicon Valley khác. Trang web khai trương vào ngày 16/7/1995 – đúng dịp mọi người ồ ạt lên Internet và trước khi nhiều đối thủ kịp tung ra các website thương mại cạnh tranh khác.

Bezos chuyển công ty đến một khu công nghiệp khác và định cư trụ sở trong khu văn phòng rộng gần 500m2 trên tầng 2, cùng với khoảng 200m2 ở tầng hầm để làm kho. Bàn làm việc được đóng từ thứ gỗ rẻ tiền, còn nhà kho chỉ lưu trữ được mấy trăm cuốn sách để phân phối cho khách hàng.

Nhờ chiết khấu 10-30%, đơn đặt hàng bắt đầu đến ngay khi trang web Amazon ra đời. Một trong các nhà lập trình đã thiết lập chương trình trên máy tính, vì thế mỗi lần có đơn đặt hàng mới đến họ sẽ được thông báo ngay lập tức. Ba ngày sau khi khai trương, Bezos nhận được một email của Jerry Yang – nhà đồng sáng lập của hãng Yahoo. Jerry nói: “Chúng tôi thấy trang của các anh rất tốt, anh có muốn quảng cáo nó trên trang What’s Cool không?” Sau này ông Bezos nhớ lại, “Chúng tôi đã suy nghĩ, và quyết định đồng ý”. Yahoo đã đưa Amazon vào danh sách khách hàng, và các đơn đặt hàng thi nhau đến với Amazon.

Từ lối kinh doanh a-ma-tơ…

Vào cuối tuần, Amazon nhận được các đơn hàng với tổng giá trị trên 12.000 USD. Trong tuần đó, công ty chỉ chuyển được số sách trị giá 846 USD. Tuần tiếp theo, họ nhận được đơn đặt hàng trị giá gần 15.000 USD, và nhóm của Bezos chỉ chuyển được trên 7.000 USD đơn hàng. Vào lúc khai trương, trang web vẫn chưa thực sự hoàn thành. Triết lí của Bezos là phải nhanh chóng tiếp cận thị trường, nhảy vào cuộc cạnh tranh và xử lí các vấn đề, nâng cấp website khi mọi người bắt đầu sử dụng nó.

Trong những tuần đầu tiên, mọi người ở công ty phải làm việc đến tận 2-3 giờ sáng để đóng gói sách, đề địa chỉ và gửi đi. Bezos đã sao nhãng, không đóng bàn đóng gói sách, vì thế mọi người phải quỳ gối trên sàn nhà để làm. Ông nhớ lại, chỉ sau mấy giờ làm việc ông đã phải gợi ý các nhân viên nên lót đệm xuống đầu gối. Nicholas Lovejoy, một nhân viên, “đã nhìn tôi như thể tôi là người từ Sao Hỏa đến”, ông Bezos nói. Lovejoy đưa ra gợi ý rõ ràng: hãy mua một số cái bàn. “Tôi nghĩ đó là ý tưởng thông minh nhất mà tôi từng nghe trong cuộc đời mình”, Bezos nói.

Dù cách kinh doanh, vận hành có vẻ rất nghiệp dư, rất “a-ma-tơ”, song Amazon phát triển rất nhanh chóng. Đến tháng 10/1995, công ty đã ghi dấu ấn một ngày đầu tiên bán được 100 cuốn sách. Trong chưa đầy 1 năm, hãng đã ghi được kỉ lục nhận một đơn đặt hàng mua số lượng 100 cuốn sách. Tiếng lành đồn xa, mặc dù công ty hầu như không quảng cáo gì mấy trong năm đầu tiên, song ngày càng nhiều người biết đến Amazon. Ông Bezos chỉ thuê một số màn hình hiển thị trên các cửa hàng của Barnes & Noble, nói rằng: “Can’t find that book you wanted?” (Không thể tìm ra cuốn sách mà bạn cần?), và bên dưới là địa chỉ website của Amazon.

Dịch vụ khách hàng của công ty – cái mà Bezos sau đó đã gọi là “nền tảng của Amazon.com” – bắt đầu bằng việc chính bản thân nhà sáng lập Bezos trả lời các email của khách hàng. Một người phụ nữ lớn tuổi từng gửi email đến Amazon nói rằng bà thích đặt hàng mua sách từ trang web, nhưng phải đợi đến khi cháu trai về để mở các gói hàng khó mở. Ông Bezos đã yêu cầu phải đóng gói lại các gói hàng sao cho dễ mở hơn.

… đến những ý tưởng không ai hiểu nổi

Đến năm 1999, bộ phận này đã có 500 nhân viên dịch vụ khách hàng, làm việc trong các văn phòng chia khối và trả lời yêu cầu của khách. Các nhân viên này được trả khoảng 10-13 USD/giờ và có thể được thăng chức, thưởng thêm quyền chọn cổ phiếu hậu hĩnh. Những người làm việc tốt nhất có thể trả lời 12 email/phút. Những người chỉ trả lời được chưa đến 7 email/phút sẽ bị sa thải.

Một quản lí dịch vụ khách hàng của Amazon nhớ lại rằng, khi nhân viên trả lời email chậm và tồn đọng hàng loạt email, mặc dù họ đã làm việc 12 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần, ông Bezos đã gọi bà đến để phàn nàn. Khi bà nói với ông rằng họ không thể làm việc hơn nữa, ông đã đưa ra một giải pháp: Họ sẽ có 2 ngày để cạnh tranh với nhau, xem ai có thể xử lí được nhiều email tồn đọng nhất. Và trong 48 giờ đó, mỗi người đã làm thêm ít nhất 10 giờ ngoài ca làm thông thường của họ. Kết quả, mỗi người được thưởng 200 USD tiền mặt cho mỗi 1.000 email mà họ có thể hồi đáp. Sau 2 ngày, số email tồn đọng đã được xử lí hết.

Trong những ngày đầu lập nghiệp, ông Bezos đã để nhân viên tham gia vào cuộc thi chọn ra 20 tựa sách kì lạ nhất được bán ra mỗi tuần và trao giải thưởng cho tựa sách lạ nhất. Ngoài ra, một trong những quyết định gây nhiều tranh cãi của ông là cho phép khách hàng đăng tải nhận xét riêng của họ về cuốn sách lên website, dù nhận xét đó tích cực hay tiêu cực. Các nhà cạnh tranh không thể hiểu tại sao Amazon lại cho phép một việc làm như vậy. Chỉ trong mấy tuần, ông Bezos nói: “Tôi bắt đầu nhận được những lá thư của những người thân tín và hiểu biết, nói rằng có lẽ tôi chưa hiểu công việc kinh doanh. Tôi bán hàng để kiếm tiền, tại sao lại cho đăng những lời nói xấu lên website của mình? Nhưng quan điểm của chúng tôi là sẽ bán được nhiều hàng hơn nếu giúp mọi người đưa ra quyết định mua hàng”. Cùng với thời gian, phong cách quản lí bất thường của Bezos bắt đầu phát huy tác dụng. Không phải lúc nào ông cũng là một CEO “tử tế”. Ông có thể truyền cảm hứng cho mọi người nhưng cũng có thể rất khó chịu và mắng mỏ, nhiếc móc mọi người. Ông có thể nhìn ra bức tranh toàn cảnh, ông nhiều ý tưởng, thông minh và yêu cầu cao.

Một cựu quản lí của Amazon nhớ lại, trong một lần các nhà quản lí gợi ý nhân viên nên trao đổi ý kiến với nhau nhiều hơn, ông Bezos đã đứng lên và tuyên bố: “Không, như thế thật khủng khiếp”! Ông muốn một công ty phi tập trung, thậm chí không có tổ chức, và ở đó, những ý kiến độc lập sẽ lấn át những ý kiến tập thể. Sau này, Bezos tiếp tục có những cải tiến mạnh dạn, như việc cho phép khách hàng mua hàng hóa rất đơn giản bằng cách gật đầu trước máy tính, Kindle hay điện thoại di động.

Amazon.com là một công ty thương mại điện tử đa quốc gia của Mỹ, có trụ sở tại Seattle, Washington, Mỹ. Amazon là hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, có các website riêng cho từng quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Trung Quốc. Sắp tới, công ty sẽ khai trương các website tại Hà Lan, Thụy Điển, Ấn Độ….

Jeff Bezos đã sáng lập nên Amazon.com vào năm 1994 và trang web chính thức online vào năm 1995. Amazon.com ban đầu chỉ là một hiệu sách trực tuyến, nhưng đã nhanh chóng đa dạng hóa, bán cả DVD, CD, tải nhạc MP3, phần mềm máy tính, video game, hàng điện tử, nữ trang, đồ nội thất, thực phẩm và cả đồ chơi.

Theo Báo Bưu Điện Việt Nam Số 127



Bình luận

  • TTCN (0)