Sina Weibo từng là vấn đề nóng ở Trung Quốc

Vào ngày hôm qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố rằng nước này “sẽ thắt chặt việc điều hành và chỉ đạo các dịch vụ mạng xã hội và các công cụ thông tin liên lạc”, nhằm mục đích “hệ thống hóa việc trao đổi thông tin”.

Theo đó, bất kì ai đăng tải các tin đồn sai sự thật sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Các nhà kiểm duyệt của Trung Quốc đang phải vật lộn để kiểm soát được thông tin trên các trang web. Ngay sau khi họ xóa những thông tin vi phạm, hàng ngàn người khác đã kịp đăng tải nó lên những trang mạng khác. Liu Yunshan, trưởng bộ phận tuyên giáo của Trung Quốc cho biết: “ Có thể coi rằng Trung Quốc đang duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với Internet, nhưng việc đó thật sự rất khó khăn. Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về việc quản lí Internet”.

Có hai sự kiện toàn cầu đã buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải xúc tiến việc quản lí thông tin trên Internet. Một là các cuộc biểu tình với quy mô hàng trăm người có tên “Arab Spring” diễn ra ở vùng Trung Đông, mà nguyên nhân là do sự kích động từ các thế lực trên Internet. Hai là các cuộc biểu tình chiếm đóng mà cụ thể là cuộc biểu tình “Chiếm đóng phố Wall” đã diễn ra trong vài tuần qua ở Mĩ.

Trước đây tại Trung Quốc cũng đã có một số trường hợp bị phạt quản thúc do đăng tải thông tin sai sự thật trên Internet: Một người viết báo cáo giả mạo về các thay đổi về hệ thống thuế thu nhập cá nhân, một học sinh đã bị bắt giam vì tuyên bố trên mạng rằng 8 vị quan chức tỉnh Vân Nam bị chết là do ung thư, và một người nữa bị bắt vì đã loan tin rằng một máy bay phản lực của Trung Quốc đã bị rơi.

Sina Weibo, một trang web tương tự Twitter của Trung Quốc, đang phát triển thần tốc, với hơn 400 triệu người dùng đăng tải các ý kiến và chia sẻ thông tin. Sina Weibo đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2009, ngay sau khi Twitter bị cấm hoạt động tại Trung Quốc, đã nhanh chóng gây sự chú ý của dư luận.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không lường hết được sự giận dữ của dân chúng sau khi họ biết về tai nạn tàu cao tốc kinh hoàng ở Ô Châu hơn 1 tháng trước làm 40 người chết. Hơn 10 triệu lời bình luận về việc này đã được đăng trên Sina Weibo, và nhiều người trong số họ đã công khai chỉ trích chính phủ trong việc khắc phục hậu quả. Sau đó, dưới áp lực từ phía chính phủ, Sina đã thuê tới 1000 nhân viên để theo dõi các bình luận được đăng tải trên trang web, và họ cũng sẽ khóa tài khoản của bất kì ai đăng tải những nội dung gây kích động dân chúng.

Theo các chuyên gia, chính phủ Trung Quốc đã không tìm được cách tốt nhất để kiểm soát thông tin. Zhan Jiang, cựu giáo sư về tin tức và truyền thông quốc tế của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh cho rằng: “Chính phủ không biết làm thế nào để tăng cường sự kiểm soát trên Weibo”.

Jiang cho rằng, giải pháp buộc người dùng của những trang như Weibo phải sử dụng tên thật, như Google+ đang làm, sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với việc kiểm soát họ, và ý kiến này được đa số nhà lãnh đạo tán thành. Yin Hong, một giáo sư của Trường Báo chí và Tuyên truyền tỉnh Thanh Hoa, cho rằng: “ Về mặt kĩ thuật, rất khó để kiểm duyệt những trang web như Weibo. Việc chặn đường dẫn của một trang web thì rất dễ dàng, nhưng việc kiểm tra tất cả các tin nhắn trên trang web đó, mà tất cả đều được viết bằng chữ tượng hình, là một việc rất khó”. Ông cũng cho rằng chính phủ có thể dùng Weibo như một phương tiện để đánh giá ý kiến của nhân dân.

“Từ trước đến nay, Bắc Kinh chỉ biết được người dân đang nghĩ gì qua các báo cáo của chính quyền địa phương. Nhưng giờ đây họ có thể trực tiếp thu nhận những ý kiến đó. Nó cho phép các nhà lãnh đạo biết người dân muốn gì,nghĩ gì và nói gì”.

Theo Telegraph



Bình luận

  • TTCN (6)
Nguyễn Hùng Phú  5

Cần dịch và viết bài khách quan hơn, cần dịch đúng

Theo mình, cách bạn dịch và viết thêm ở một số chỗ dễ gây hiểu nhầm cho người đọc không nắm rõ tình hình:
Ở bài viết gốc có câu "Anyone spreading "false rumours" was threatened with stern punishment", được bạn dịch là "Theo đó, bất kì ai đăng tải các tin đồn sai sự thật sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc". Lỗi của bạn ở đây là bỏ mất dấu ngoặc kép ở chữ "các tin đồn sai sự thật".
Tiếp theo, ở bài viết gốc có câu "Already a number of people have been put under what China calls "administrative detention", usually 15 days under arrest", mà bạn dịch và viết thêm thành "Trước đây tại Trung Quốc cũng đã có một số trường hợp bị phạt quản thúc do đăng tải thông tin sai sự thật trên Internet:...". Lỗi của bạn ở đây là thêm vào các chữ "do đăng tải thông tin sai sự thật trên Internet".
Cả hai lỗi này đều liên quan đến một vấn đề: tính khách quan trong bài viết. Chữ "false rumours" được đặt trong ngoặc kép có thể là do trích lời của chính Uỷ ban trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc (được nhắc đến ở ngay trên đoạn mà chữ này xuất hiện, mà bạn dịch là "các nhà lãnh đạo Trung Quốc" đó). Việc này đảm bảo tính khách quan: chữ đấy chỉ là lời trích dẫn, không phải lời của người viết. Còn khi bạn bỏ dấu ngoặc kép đi, cũng như khi bạn thêm những chữ "do đăng tải thông tin sai sự thật trên Internet", thì tức là bạn đã xác nhận sự đúng đắn của thông tin này, rằng những người này đăng tin sai sự thật. Tuy nhiên, với Trung Quốc thì không ai có thể chắc điều này. Bạn hiểu ý mình chứ, vấn đề tự do ngôn luận ở Trung Quốc đang rất gây tranh cãi.
Mong bạn cố gắng giữ nguyên tính khách quan của các bài viết nước ngoài khi dịch.

Về vấn đề dịch, ở bài viết gốc có đoạn "...suspended the accounts of anyone posting controversial content", mà bạn dịch là "...khóa tài khoản của bất kì ai đăng tải những nội dung gây kích động dân chúng". Chữ "controversial" mà bạn dịch là "gây kích động dân chúng" thì mình thấy không hợp lí và không khách quan. Thế nào là kích động dân chúng, bạn gọi thế hay ai gọi thế?. Đừng nghĩ đến mấy vấn đề kiểu "gây chia rẽ nội bộ" hay "các thế lực thù địch" gì gì hết. Theo mình, chỉ nên dịch là "các nội dung đang còn tranh cãi".
Tiếp theo (cái này dịch sai hẳn nghĩa gốc, mình đánh giá chỗ này tồi!), câu gốc là "He said one proposal to force users to reveal their real names would lead to a "tremendous drop in users" and that the "majority of the government" believes there are "more benefits than drawbacks" to having websites like Weibo" (lời giáo sư Zhan Jiang), và bạn dịch là "...giải pháp buộc người dùng của những trang như Weibo phải sử dụng tên thật, như Google+ đang làm, sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với việc kiểm soát họ, và ý kiến này được đa số nhà lãnh đạo tán thành". "buộc người dùng..." liệu có phải đã chính là một phần của "kiểm soát họ" không? Bạn lấy cái cụm từ "kiểm soát họ" từ chỗ nào trong văn bản gốc ra vậy? Xin bạn dịch lại câu này. Nếu bạn không thấy lỗi sai thì có thể bảo lại mình, mình sẽ giải thích.

Mong bạn cố gắng trong các lần dịch sau.

Hoàng Đức Quang  3250

Chào bạn,
Đầu tiên, rất cảm ơn bạn về sự nhiệt tình góp ý cho bài viết. Ít thấy có độc giả nào có tâm huyết như bạn !.
Dưới đây tôi xin trình bày 1 số ý kiến của tôi.
1.Về cái dấu ngoặc kép, từ gốc tiếng anh của nó lẽ ra phải là "tin đồn thất thiệt" hoặc "tin đồn nhảm", tôi nghĩ vì 2 từ đó mang ý nghĩa văn nói quá nên khi đưa vào bài viết họ đã cố tình cho nó vào ngoặc kép. Khi dịch bài này tôi đã tự ý sửa thành "tin đồn sai sự thật",như vậy nghe nó nghiêm túc rồi nên tôi bỏ dấu ngoặc kép đi. Còn về tính khách quan, tin nhảm hay tin sai sự thật đều chỉ chung 1 cái mà thôi, và đó là 1 vấn đề nghiêm túc đang được tranh cãi nghiêm túc, chẳng có lí do gì lại đưa nó vào ngoặc kép như 1 từ lóng cả.Đó là cách suy nghĩ của tôi.
Tiếp theo là về ĐCSTQ, vì tôi thấy đây là 1 trang báo Việt Nam, không nhất thiết phải nện nguyên cả 1 cụm từ chính trị đao to búa lớn như vậy trong 1 bài viết mang tính cung cấp thông tin, nên đã tự ý sửa thành "các nhà lãnh đạo", vẫn bảo đảm nội dung mà nghe nó không bị nghiêm trọng hoá.
2.Về việc thêm đoạn "do đăng tải thông tin...", bản thân tôi thấy bài gốc viết hơi bị tắt. Họ chỉ viết là "đã có 1 số trường hợp bị đặt dưới sự quản thúc..." chứ ko nói rõ nguyên nhân bị quản thúc là gì. Mặc dù ai cũng hiểu là do đăng tin đồn nên mới bị như vậy, nhưng nếu bỏ đoạn đó đi sẽ làm mất tính liên kết của bài dịch. Đó cũng là ý kiến của riêng tôi.
3."controversial" nghĩa là "gây nhiều tranh cãi". nếu như dân chúng không bị những nội dung đó là cho kích động thì tranh cãi liệu có xảy ra ko? Bạn đừng coi từ "kích động" đồng nghĩa với từ "chống đối".
4."Drawback" có nghĩa là hạn chế, kiểm soát. Từ này mang nghĩa rất nghiêm trọng. Có thể coi hành động "Drawback" là hành động quản lý nghiêm ngặt trên 1 mức độ rộng và trên nhiều mặt. Còn cụm từ "buộc họ sử dụng..." trong trường hợp này chỉ liên quand đến 1 ciệc là "sử dụng tên thật" mà thôi, cho nên không thể đánh đồng việc "buộc họ" với "kiểm soát họ" được. Tuy nhiên tôi nghĩ nên sửa từ "buộc" thành "yêu cầu" để bớt hiểu lầm. Cảm ơn bạn về vấn đề này.
Trên đây là một số suy nghĩ của tôi khi tôi dịch bài viết này. Bài này tôi dịch rất mất thời gian nên không thể nói là tôi dịch ẩu và dịch sai được. Và tôi vẫn chưa rõ tính khách quan mà bạn đề cập là ở chỗ nào? Mọi thảo luận xin bạn gửi Message cho tôi,vì tôi nghĩ khu vực comment này không thích hợp cho các trao đổi mang tính chuyên sâu về bài viết Big Grin
Cảm ơn bạn 1 lần nữa, chúc bạn thoải mái và vui vẻ.

Nguyễn Hùng Phú  5

Trước tiên mình xin hỏi là bạn nghĩ phần bình luận này để viết cái gì, và "chuyên sâu" là như thế nào? Đây hoàn toàn là câu hỏi, không mang tính khích bác gì cả. Vì theo mình thì những gì mình viết đây là bình luận về bài viết này của bạn, nên mình viết ở phần "Thêm bình luận" ở dưới bài viết. Mình chưa thấy lí do gì để phải gửi tin nhắn cho bạn cả, mong bạn thông cảm.

Xin trả lời từng ý của bạn:
1. Mình không có ý rằng từ "false" bạn dịch sai hay đúng gì hết, vấn đề là bạn không cho vào ngoặc kép cái cụm mà bạn đã dịch ra. Những bài đưa tin của báo chí phương Tây không có kiểu đưa vào ngoặc kép những gì gọi là "văn nói", vì họ không dùng "văn nói" trong những bài đưa tin. Những điều do người khác nói ra, họ sẽ cho vào ngoặc kép, để cho thấy rằng họ chỉ đang đưa tin rằng người khác nói như vậy, chứ chưa chắc những thứ được nói đó đã là đúng. Bạn hiểu chứ, tính khách quan là ở chỗ đấy.
Và việc một số từ ngữ được cho vào ngoặc kép cũng không có nghĩa rằng chúng là tiếng lóng. Mong bạn xem xét lại.
(Cái cụm "Ủy ban trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc", mình viết ở bình luận trước là để chỉ cho rõ chỗ "false rumours" thôi, còn cách nhìn nhận của bạn với cụm này thế nào thì tùy bạn chứ)

2. Vì bạn không hiểu ý mình nên đến ý thứ hai này, mình xin giải thích thêm: ở Trung Quốc, Đảng cố gắng kiểm soát toàn bộ thông tin. Bất kì thông tin nào có thể gây ảnh hưởng đến sự thống trị hoặc lợi ích của Đảng đều bị xem xét, chỉnh sửa hoặc loại bỏ. Thế nên bạn không nên bỏ dấu ngoặc kép ở cụm "các tin đồn sai sự thật" đi, hoặc là thêm đoạn "do đăng tải thông tin sai sự thật" vào, vì như thế tức là khẳng định với người đọc rằng những thông tin này là sai sự thật, trong khi thực tế thì chúng ta chưa biết rõ vì sao họ (Đảng Cộng Sản Trung Quốc) lại loại bỏ những thông tin này (vì chúng sai sự thật, hay vì chúng gây ảnh hưởng đến họ, kể cả nếu chúng là thật?). Bạn biết đấy, bài viết tuy liên quan đến Internet, nhưng đồng thời cũng có chút ít liên quan đến chính trị và vấn đề tự do ngôn luận, nên rất cần đảm bảo tính khách quan, vừa đưa tin đúng, lại không làm người đọc bị định hướng sai, mình nghĩ vậy.

3. "nếu như dân chúng không bị những nội dung đó là cho kích động thì tranh cãi liệu có xảy ra ko?"
Cứ có tranh cãi thì gọi là "kích động" à? Thế bài viết này của bạn có gọi là "kích động dân chúng" không? Bạn lập luận kiểu gì vậy?
Từ "kích động" thường được dùng với nghĩa xấu rồi, giờ bạn chuyển một từ mang tính trung lập ("gây tranh cãi") sang thành một từ mang nghĩa xấu, với cái lối lập luận của bạn, thì có phải làm mất tính khách quan, gây hiểu nhầm cho người đọc không?

4. "drawback" có thể có nghĩa là "hạn chế" (danh từ, "mặt hạn chế", "sự hạn chế"), nhưng không có nghĩa là "kiểm soát", không phải là sự tác động ra bên ngoài kiểu "hạn chế sự phát triển" hay "hạn chế người khác", bạn nhé. Mình xin bỏ qua cái đoạn mà bạn bình luận rằng "từ này mang nghĩa rất nghiêm trọng" rồi là "hành động quản lí", "rộng và trên nhiều mặt"... thế này thế kia, vì mình vừa giải nghĩa từ "drawback" cho bạn rồi. Xin đi thẳng vào vấn đề:
Ông giáo sư nói là "one proposal to force users to reveal their real names would lead to a "tremendous drop in users" and that the "majority of the government" believes there are "more benefits than drawbacks" to having websites like Weibo".
Mình xin dịch là: ""giải pháp" buộc người dùng sử dụng tên thật sẽ dẫn đến một "sự suy giảm nghiêm trọng số lượng người dùng" và rằng "phần đông trong chính phủ" tin rằng "có lợi nhiều hơn là hại" khi có được những trang như Weibo".
(chữ "giải pháp" là của bạn, mình mượn dùng; các chỗ ngoặc kép còn lại là lời ông giáo sư, được người viết trích nguyên văn, nên được để trong ngoặc kép)
Bạn xem dịch thế có đúng không? Trong khi bạn dịch là: "giải pháp buộc người dùng [...] phải sử dụng tên thật [...] sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với việc kiểm soát họ, và ý kiến này được đa số nhà lãnh đạo tán thành".
Ý bài viết gốc có thể diễn giải là: bắt người dùng khai tên thật thì sẽ mất rất nhiều người dùng, như thế có thể mất luôn trang Weibo, còn chính phủ thì muốn giữ Weibo, sẽ có lợi nhiều hơn là hại. Trong khi ý bạn dịch ra là: các nhà lãnh đạo tán thành việc bắt người dùng khai tên thật, còn hơn là "kiểm soát họ". Bạn có phản bác gì không?

Cuối cùng, mình xin nói là: không phải bạn cứ mất nhiều thời gian dịch thì bạn không thể dịch sai. Hi vọng bạn hiểu những gì mình cố gắng giải thích từ đầu tới giờ.

Hoàng Đức Quang  3250

Rất vui vì lại được tranh luận cùng bạn.
Mình xin trả lời lần lượt các ý kiến của bạn.
(Gộp 1 với 2 lại nhé). Bây giờ mình tập trung phân tích cái cụm "false rumours". Romour chắc bạn cũng rõ quá rồi, nó là tin đồn. Vậy còn "false"? Mình đưa ra những nghĩa sau đây của từ đó: thất bại, thua, sai. Nếu dịch là "tin đồn thất thiệt" hay "tin đồn nhảm" nghe thì cũng có lí, lúc dịch bài mình đã nghĩ đến. Nhưng mình không thích 2 từ đó, thất thiệt hay nhảm thì nói luôn là sai sự thật cho rõ ràng. Còn về việc dính đến ĐCSTQ, và "false rumour" là theo quan điểm của ĐCSTQ, nói về tính khách quan, bài viết này thuần tin tức, mình không có muốn dính gì đến chính trị vào đây cả, mà nhất lại là chính trị của TQ, mình không thích. Mình thấy chỗ đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bài viết cả. Lúc dịch bài mình không nghĩ sâu đến thế, nhưng vì bạn lôi chuyện đó ra nói nên mình cũng nói ro cho bạn biết ý kiến của mình.

3. Cái từ này, sau comment trước của bạn mình cũng đã đi hỏi khắp nơi, và đa số mọi người khá đồng ý với bạn, cái này mình thấy bạn đúng rồi.

4. Bạn dịch đoạn "benefit than drawback" sai rồi. Không phải là "có lợi nhiều hơn hại" mà là "...có lợi hơn là việc kiểm soát (hay hạn chế cũng được) họ". Bạn nhìn cái từ "than" kìa, phải là "cái gì đó" benefit than drawback chứ. Và trong trường hợp này, mình nghĩ "cái gì đó" chính là "việc sử dụng tên thật".

Mấy hôm nay mình hơi bận, và sắp tới còn bận dài. Nếu bạn vẫn muốn trao đổi trên này thì chịu khó đợi mình vài hôm mới được. Còn nếu muốn trao đổi rõ ràng và trực tiếp, mình có thể cho bạn sđt di động nếu bạn muốn.
Thân.

Nguyễn Hùng Phú  5

1 và 2
Bạn liên tục nói ra quan điểm của bạn, cách bạn nghĩ. Nhưng mà bạn viết bài cho người khác đọc, đúng không nào? Thế bạn có biết mình, người đọc, nghĩ gì không?
Nếu mình chưa biết về tình hình Trung Quốc, đọc bài của bạn mình sẽ nghĩ rằng thông tin mà những người kia đưa lên hẳn là sai sự thật rồi, vì thế nên họ mới bị quản thúc (rồi là: ôi thế là đáng đời lắm, Trung Quốc làm nghiêm chỉnh thật, chắc Việt Nam phải học theo thôi...). Nhưng sự thật thì chưa chắc đã như vậy. Như mình đã giải thích, những điều họ nói đó có thể vẫn đúng sự thật ("đúng sự thật" nhé), nhưng Đảng vẫn "trừng trị", vẫn "quản thúc". Thế nên cái chữ "false rumours" mới được ông tác giả ở Telegraph cho vào ngoặc kép.
Bạn bảo bài này thuần tin tức, bạn không muốn dính đến chính trị, bạn thấy không ảnh hưởng đến bài viết. Nhưng có ít nhất một người đọc, là mình, thấy có ảnh hưởng: việc bạn làm mất tính khách quan của bài viết như vậy, nếu không phải là làm người đọc cảm thấy Trung Quốc thật tốt khi đã có những cố gắng đúng đắn để ngăn chặn thông tin sai sự thật, thì cũng là một việc làm, có thể nói là, có lỗi với những người ra sức đấu tranh cho tự do ngôn luận ở Trung Quốc. Thực tế là có rất nhiều người như vậy, và chính phủ Trung Quốc không chỉ quản thúc họ đâu, mặc dù những điều họ nói ra, viết ra... đều hoàn toàn là THẬT.
Nếu bạn giữ được tính khách quan, thì bài viết này ĐÃ là một bài viết thuần tin tức, như bạn muốn.

4
Bạn đã hỏi mọi người về từ "controversial", vậy sao không hỏi luôn về từ "drawback"? Hay câu trả lời này là kết quả của việc hỏi mọi người rồi?
Như mình đã giải thích, "drawback" là danh từ, tùy vào văn cảnh có thể dịch là "mặt hạn chế", "sự hạn chế", hoặc "điều trở ngại", "mặt không thuận lợi"... (bạn có thể tham khảo ở các dịch vụ từ điển trực tuyến, hoặc tra kĩ từ điển trong máy bạn, hoặc hỏi bất kì ai có trình độ một chút), chứ nhất định nó không phải là "việc kiểm soát" như bạn đang cố gắng biến nó ra. Và vì có thể dịch là "điều trở ngại" nên mình dịch là "hại", cho đi thành cặp với "lợi" mà nghĩa không quá thay đổi. Mình tự hỏi là bạn dựa vào đâu để nói rằng mình sai, trong khi cái lập luận bạn dùng để chứng minh bạn đúng đã hết sức lỏng lẻo, thiếu bằng chứng như vậy?
Để cho bạn thấy là bạn lập luận lỏng lẻo đến thế nào, mình xin giải thích chỗ ""cái gì đó" benefit than drawback" mà bạn suy diễn thành "việc sử dụng tên thật".
Nhắc lại câu tiếng Anh: "He said one proposal to force users to reveal their real names would lead to a "tremendous drop in users" and that the "majority of the government" believes there are "more benefits than drawbacks" to having websites like Weibo".
Nói về chỗ "more benefits than drawbacks" trước: bắt đầu từ chữ "that" là ý thứ hai trong lời của ông giáo sư, và ở cuối ý này đã có đoạn "to having websites like Weibo". Bỏ qua lỗi ngữ pháp của tác giả (hoặc là "to have", hoặc là "having", chứ "to having" ở chỗ này là sai), có thể thấy ngay ý này có nghĩa là: có "more benefits than drawbacks" khi có những trang như Weibo. Mình để nguyên tiếng Anh để cho bạn khỏi bắt bẻ mình về từ "drawback". Như vậy cả "benefit" và "drawback" ở đây đều được dùng như là danh từ, và cứ cho là "drawback" có một nghĩa là "sự kiểm soát" đi, thì dịch ở đây sẽ ra là "có lợi hơn là sự kiểm soát khi có những trang như Weibo". Bạn thấy sao?
Nếu dịch ý chung của ông giáo sư, theo cách mình dịch, thì có thể thấy sẽ ăn khớp với ý toàn bài: Trung Quốc đang ra sức kiểm soát người dùng, nhưng nếu tiếp tục kiểm soát, một trong các cách kiểm soát là bắt người dùng khai tên thật, thì lượng người dùng sẽ giảm (chắc bạn cũng biết khi Google bắt người dùng sử dụng tên thật thì lượng người dùng đã giảm), như thế thì trang này sẽ hoạt động kém đi, trong khi Đảng có thể dùng những trang này để làm lợi cho mình.
Còn nếu dịch theo cách của bạn: bỗng nhiên xuất hiện "giải pháp buộc người dùng sử dụng tên thật" đi với "việc kiểm soát họ", chẳng ăn nhập gì với nội dung bài viết cả. Bạn thử để cho đầu óc quên đi bài viết này với tư cách là do bạn viết ra, rồi đọc nó lại xem thử có thấy lạc lõng không.

Mình không nghĩ là phải ngồi đây giải nghĩa từ cho bạn. Vấn đề về tính khách quan thì mình thấy có thể hiểu cho bạn được, nhưng cái sai khi dịch câu đấy (ý thứ tư) đến giờ bạn vẫn phản bác lại được thì mình cảm thấy không muốn nói chuyện với bạn nữa rồi. Thế nên mình không có nhu cầu trao đổi qua điện thoại với bạn đâu.

Chào bạn.

Hải Nam  30903

Cảm ơn các góp ý của bạn, tất cả đều chính xác. Riêng phần CTV, mình thấy có chỗ có thể giải thích được cho một vài cái sai.

Chẳng hạn, vì bỏ ngoặc kép trong "false rumours" nên đến câu sau thì hiển nhiên công nhận đó là lí do. Nếu bản gốc không có ngoặc kép, thì ghi thêm phần "do đăng tải..." cũng không sai. Tiếc là bài gốc lại có ngoặc kép, nên muốn ghi lí do thì cần ghi là "vì lí do trên", hoặc không ghi như bạn đề xuất.

Vài chỗ thì có thể là do CTV quen cách nói thông thường, nên cứ thế mà viết, không bám sát bản gốc. Chắc bạn cũng biết là VN không phải lúc nào cũng cho những điều "báo phương Tây" viết là đúng.

Thế nhưng, bài này cuối bài ghi "Theo Telegraph" nên cần tôn trọng thông tin trong bài gốc. Và những góp ý của bạn đều đúng. Cũng không nên bàn nhiều làm gì.