Con người bắt đầu có xu hướng 'nói chuyện' với điện thoại.

Chỉ 2 tuần sau khi tính năng Siri xuất hiện trên iPhone, giới quan sát nhìn nhận việc sử dụng giọng nói để tương tác với thiết bị sẽ nhanh chóng trở thành đặc điểm không thể thiếu trên các sản phẩm di động.

Apple bán được 4 triệu iPhone 4S chỉ trong vài ngày đầu ra mắt. Nhiều người mua nó vì chip lõi kép, camera camera 8 megapixel và một số tính năng khác, nhưng cũng không ít người tò mò vì "trợ lý" Siri.

Tuy nhiên, Apple không phải công ty tiên phong trong việc đưa dịch vụ giọng nói lên điện thoại. Microsoft Voice Command xuất hiện từ năm 2003 trên các dòng Windows Mobile. Với phiên bản Windows Phone 7.5, người dùng có thể nhanh chóng mở ứng dụng, soạn tin nhắn, mở nhạc... mà không cần dùng tay chạm vào màn hình.

"Chúng tôi tích hợp khả năng tìm kiếm giọng nói cho Android từ ba năm trước và bổ sung thêm công cụ Voice Actions (hiện chỉ hoạt động ở Mỹ) từ cách đây một năm", Mike Cohen, trưởng bộ phận phát triển công nghệ Voice của Google, cho hay. "Nhu cầu nhập liệu bằng giọng nói đang cao hơn bao giờ hết bởi điện thoại hiện nay không chỉ để gọi điện mà còn được dùng để truy cập Internet, tìm kiếm, dịch thuật hay làm bất cứ điều gì mà trước đây người ta thường làm trên desktop".

Tuy nhiên, một lãnh đạo khác của Google là Andy Rubin lại phủ nhận vai trò của Siri khi nói: "Tôi không tin smartphone sẽ trở thành trợ lí cho người sử dụng. Điện thoại là công cụ giao tiếp, bạn không cần nói chuyện với chiếc điện thoại. Bạn nên dùng nó để nói chuyện với ai đó khác bên ngoài".

Cohen từ chối bình luận về sự mâu thuẫn này mà chỉ nói. "Tôi không quan tâm điện thoại có được coi là trợ lí cá nhân hay không. Điều tôi quan tâm là hiểu được nhu cầu của người dùng và tìm ra cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu đó".

Chức năng cơ bản của Google Voice Actions và Apple Siri

Thoạt nhìn, Siri và Voice Actions khá giống nhau với những tính năng sau:

  • Soạn và gửi tin nhắn, e-mail.
  • Chỉ đường bằng giọng nói.
  • Gọi một số điện thoại trong danh bạ.
  • Mở bản đồ một địa điểm nào đó.
  • Viết ghi chú.
  • Mở bài hát.
  • Mở trang web hoặc tìm kiếm thông tin.

Sự khác biệt giữa Siri so với Voice Actions

Google Voice Actions và cả Microsoft Voice Command đòi hỏi người dùng nhớ chính xác cấu trúc câu lệnh. Điều này thực ra không quá khó và chúng rất hữu ích với người sử dụng. Tuy nhiên, Siri có sự thông minh mà dịch vụ của Google và Microsoft chưa đạt được.

Để so sánh, đơn giản chỉ cần xem hai đoạn demo cách thức hoạt động của Google Voice Actions và Apple Siri. Người ta sẽ định nghĩa được ngay Voice Actions là hệ thống nhận diện giọng nói còn Siri là trợ lí tương tác thông minh.

Tương tác giọng nói trên Android.
Tương tác giọng nói trên iPhone.

Siri sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, tức thay vì ghi nhớ bộ câu lệnh, nó có thể hiểu câu hỏi cả khi được nói theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, khi muốn kiểm tra nhật kí công việc, người ta có thể hỏi nhiều kiểu, như "Lịch trình công việc của tôi hôm nay thế nào?", "Tôi có cuộc hẹn nào không?", "Hôm nay tôi phải làm gì?" và "Tôi cần làm gì tiếp theo?". Thay vì tự động thiết lập lịch hẹn theo lệnh, Siri sẽ kiểm tra xem có sự trùng hợp nào không và hỏi lại người dùng có muốn đổi lịch không.

Nhờ được trang bị trí thông minh nhân tạo (AI), Siri "học" để biết những ai đóng vai trò quan trọng đối với người sử dụng như bố mẹ, vợ chồng, con cái, bạn thân... để "ưu tiên" những người đó. Nó còn tích hợp cả công cụ tìm kiếm Google và Wolfram Alpha để trả lời những câu hỏi cụ thể, nhất là về số liệu như lũy thừa, tính diện tích...

Một ưu điểm nữa là Siri rất hóm hỉnh, thứ người ta hoàn toàn không tìm thấy trên Google Voice Actions bởi nó không tích hợp AI.

  • Người dùng: Điện thoại nào tốt nhất hiện nay?
  • Siri: Là chiếc bạn đang cầm hoặc Tôi nghĩ bạn đã có câu trả lời rồi chứ.
  • Người dùng: Bạn muốn làm gì khi trưởng thành.
  • Siri: Tôi cố gắng hài lòng với những gì tôi có.
  • Người dùng: Bạn trông như thế nào?
  • Siri: Liệu bề ngoài của tôi có quan trọng với bạn không?

Những kiểu tán gẫu trên không giúp ích gì cho công việc, nhưng nó mang tính giải trí, khiến người ta cảm thấy thân thiện với thiết bị hơn và nó cũng phản ánh tiềm năng của công nghệ nhận diện giọng nói kết hợp với điện toán đám mây và thông minh nhân tạo.

Siri hiện vẫn trong giai đoạn beta (thử nghiệm). Apple hẳn đang cải tiến, mở rộng khả năng của Siri để đưa vào sản phẩm tiếp theo, có thể là iPhone 5, iPad 3 hoặc Apple TV - thiết bị mà Steve Jobs khẳng định "đã tìm ra giao diện đơn giản và thanh thoát nhất từ xưa đến nay".

Tuy nhiên, trước sức hút và sức ép của Siri, có thể thấy Google và Microsoft sẽ sớm tung ra những "trợ lý" tương tự để đáp ứng nhu cầu của người dùng Android và Windows Phone.

Theo VnExpress



Bình luận

  • TTCN (1)
Ánh Tuyết  22864

Coi chừng bị nói là tự kỉ Big Grin