Thị trường sim số cũng nóng bởi thương vụ sáp nhập EVN Telecom. Ảnh minh họa.

Trong khi phương án bán EVN Telecom cho ai chưa được định đoạt thì giới buôn sim đã tung tin Viettel đã mua lại hãng viễn thông điện lực và hét giá dải số lục cửu của mạng này lên gần 1,7 tỉ đồng.

Trên nhiều diễn đàn sim số đẹp, những chiếc sim đầu 096, dải đuôi lục cửu, lục phát được rao bán với giá lên đến 1,68 tỉ đồng. Loại xấu hơn với kết thúc bằng năm con 8 hay 9 cũng từ 550 triệu đồng đến 1,2 tỉ đồng. Người rao bán lô hàng trên còn khẳng định, đó là mức giá khá mềm bởi một khi việc sáp nhập EVN Telecom được công bố chính thức, giá có thể được niêm yết mức cao hơn.

"Viettel đã mua lại EVN Telecom, cơ hội cho những người nhìn xa, trông rộng. Call ngay mới có giá mềm thế này nhé", người đăng tin cho biết.

Cũng trên diễn đàn này, khá nhiều sim điện lực được xếp vào hàng đẹp như tứ quý 8, lục quý 6. .. có giá vài trăm triệu đồng được treo biển "đã bán". Số còn lại được chào với giá hơn một tỉ đồng. Anh Thịnh - người đang rao bán sim 096 có đuôi 888888 với giá 1,25 tỉ đồng cho biết giá niêm yết là vậy, nhưng khách có nhu cầu sử dụng thực sự có thể thương lượng xuống mức mềm hơn, dao động quanh ngưỡng 800-900 triệu đồng

Cho rằng EVN Telecom đã về tay Viettel, anh Thịnh nhấn mạnh: "Vấn đề còn là thủ tục thôi. Tôi ôm hàng mấy tỉ đồng tiền sim số, không có tin nội bộ thì tôi ăn bằng gì". Theo anh, sim EVN Telecom đang đắt gấp 2-3 lần so với trước do thông tin mạng di động này sáp nhập vào Viettel.

Dù vậy, theo ý kiến của không ít dân trong nghề, mức giá đó là quá cao và phi thực tế. Anh Long, buôn sim đẹp hơn 5 năm nay phân tích, giá sim EVN trên thị trường tăng đột biến với hi vọng mạng điện lực về tay Viettel. Như vậy, nếu điều đó trở thành hiện thực thì sim đầu 096 cũng chỉ đắt ngang sim đẹp cũng loại đầu 097, 098 bây giờ. Nhưng hiện nay, đa phần sim EVN đều bị thét giá cao hơn cả sim Viettel, trong khi chưa biết thực hư thế nào.

"Sim ngũ 8, ngũ 9 của Viettel hiện nay giá cũng chỉ gần một tỉ. Nếu EVN sáp nhập Viettel mà chúng ta đi nhập sim đầu 096 thì có thể có lãi. Còn EVN về tay đơn vị khác thì đồng nghĩa với lỗ tiền tỷ", anh Long nói.

Ảnh
Giá nhiều chiếc sim EVN có giá lên đến gần 1,7 tỉ đồng.

Còn anh Đức, một người trong giới buôn sim khẳng định, để đầu cơ mà nhập với giá đó là cầm chắc thất bại trong tay. Theo anh, nguyên tắc ôm sim đẹp là mua khi giá rẻ, chờ thời sim đắt thì bán. Nhưng với những chiếc sim giá siêu khủng như thế có khi phải đợi vài năm mới có khách. Trong khi đó, tiền vốn quay vòng không có, Bộ Thông tin và Truyền thông thì đưa ra chính sách thu hồi sim sau 2 năm không sử dụng.

Anh Đức giải thích, giá sim gốc mà 550 triệu, sau 3 năm nữa, tiền mất giá thì phải bán 800 triệu mới hòa vốn. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay rất ít người bỏ số tiền lớn ra mua sim, kể cả nhằm mục đích làm quà tặng. Thêm đó, những chiếc sim mạng điện lực còn sử dụng công nghệ CDMA nên không phải phổ biến lắp vào máy điện thoại nào cũng có thể sử dụng được. Đây cũng là điều khiến loại sim này trở nên khó tiêu thụ hơn, những người đầu cơ sim cần phải lưu tâm.

Một lãnh đạo EVN Telecom trao đổi với VnExpress.net cũng giật mình trước việc sim điện lực bị hét lên đến gần 1,7 tỉ đồng. Ông cho rằng có lẽ đại lí nhân chuyện mạng điện lực sắp sáp nhập nên thổi giá sim lên cao để đón đầu thị trường. "Tất cả các dải số này có thể do họ mua từ trước với giá thấp, giờ có cơ hội chờ quyết định sáp nhập để tung hàng ra bán", ông nói.

Liên quan đến điểm hạn chế của sim 096 do công nghệ CDMA, vị lãnh đạo này cho biết về nguyên tắc, sim điện lực chỉ tích hợp đối với các dòng điện thoại do hãng phát hành. Các điện thoại này đều tích hợp công nghệ CDMA. Tuy nhiên, EVN Telecom đã cung cấp dịch vụ 3G nên các sim 3G phát hành đều có thể lắp vào các dòng điện thoại khác để sử dụng bình thường. Tuy nhiên, đối với sim 2G khách muốn sử dụng công nghệ GSM để lắp vào các thiết bị đầu cuối khác nhau sẽ phải làm thêm thao tác chuyển đổi tại cửa hàng hoặc đại lí.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)