Một nghiên cứu lấy số liệu từ 24 quốc gia của Symantec đã chỉ ra rằng, 82% những đứa trẻ không tuân thủ “quy định sử dụng Internet tại nhà” và tiếp cận với những thông tin tiêu cực, không lành mạnh khi lướt web, so với con số 52% trẻ em thực hiện theo quy định.

62% bọn trẻ nói rằng chúng đã có những trải nghiệm tiêu cực khi online, bao gồm bị bắt nạt, bị mắc bẫy bởi e-mail lừa đảo, tải một file chứa virus hoặc bị ai đó trên mạng ép làm điều gì đó mà chúng nghĩ rằng không đúng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 21% giáo viên đã từng bị học sinh khiêu khích, chế nhạo. Symantec sử dụng thuật ngữ “Cyberbaiting” để chỉ hành động khiêu khích, chế nhạo giáo viên đến mức không thể chịu đựng nổi sau đó dùng camera để ghi lại những hành động không hay của họ. “Hành động đó làm giáo viên xấu hổ, mang lại không khí nặng nề trong lớp học, và vĩnh viễn tồn tại trên internet”.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng con số 21% bao gồm cả những giáo viên chỉ biết về tình trạng đó chứ chưa từng phải gánh chịu. Vì vậy con số thực sự có thể sẽ rất nhỏ, tuy nhiên chắc chắn vẫn có gì đó không ổn.

Những xu hướng tích cực

Kết quả không hoàn toàn tồi tệ. Khảo sát chỉ ra rằng 95% các ông bố bà mẹ biết con của họ đang làm gì trên internet, đã tiến triển hơn nhiều so với con số 74% của năm 2009. Trên toàn thế giới, chỉ có 5% phụ huynh nói rằng họ “không hề biết gì về việc con mình làm khi chúng online”, mặc dù có tới 17% trẻ em nghĩ rằng phụ huynh không biết gì về các hoạt động trực tuyến của chúng.

Với tình trạng hiện nay, không khó để một đứa trẻ tìm đến những trang có nội dung đồi trụy, tuy nhiên đa số đều khẳng định rằng chúng không ngó ngàng gì đến những thông tin đó. Chỉ 12% thừa nhận rằng đã từng truy cập vào các trang người lớn khi phụ huynh không quản lý. Trong khi 40% của 12% đó nói rằng chúng dừng việc đang làm khi bắt gặp phụ huynh, chỉ có 23% phụ huynh nghi ngờ rằng bọn trẻ đang che giấu một hành động nào đó. Tuy nhiên mọi việc không tệ như người lớn vẫn lo sợ. Có tới 69% trẻ em nói rằng bạn bè trên mạng của chúng rất tử tế.

Theo CNET



Bình luận

  • TTCN (0)