Ảnh: Infotech.

Năm 2008 sẽ chứng kiến sự suy tàn của web 2.0, dù cho công nghệ này còn chưa kịp thực sự cất cánh, nhưng lại chào đón một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thương mại điện tử, hãng nghiên cứu SciVisum của Anh dự đoán.

"Nhân tố quyết định đứng đằng sau sự sụp đổ của web 2.0 chính là việc nhà quảng cáo không muốn thương hiệu của họ xuất hiện bên cạnh những nội dung "người dùng tự chế" không phù hợp.

Thiếu đi dòng tiền quảng cáo, web 2.0 khó lòng mà tồn tại lâu dài", ông Deri Jones, Giám đốc điều hành SciVisum bình luận.

Đặc biệt khó khăn sẽ là các website cho phép xem và tải video miễn phí, bởi tình trạng thiếu băng thông trên phạm vi toàn cầu sẽ cho phép các ISP nâng giá thuê "đường truyền" vào năm 2008.

Tất nhiên, mức phí này sẽ được các site "trút" qua vai người dùng, nhưng điều gì có thể đảm bảo bạn sẽ trả tiền cho một video clip tự biên tự diễn không lấy gì làm xuất sắc cho lắm?

Bán hàng trực tuyến "mở mày mở mặt"

Trong khi ấy, "2008 lại là một năm bản lề cho thương mại điện tử. Số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra để mua sắm trên mạng sẽ tăng từ 260 tỷ USD năm 2006 lên 334 tỷ USD vào năm 2010, và "áp dụng một nền tảng thương mại điện tử thích hợp, hiện đại" sẽ là chìa khóa thành công cho mọi doanh nghiệp".

"Để đảm bảo lợi nhuận ổn định trong môi trường thương mại điện tử ngày một cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp cần phải kiểm tra, thẩm định và siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng của mình. Có như vậy, họ mới thu được thành quả tối đa từ số vốn đầu tư".

Tuy nhiên, muốn thương mại điện tử thực sự bùng nổ, các doanh nghiệp trực tuyến cần khắc phục được một số hiện trạng như lỗi hệ thống khi tiếp nhận đơn đặt hàng (tỷ lệ lỗi hiện tại khoảng 5%). Ngoài ra, khoảng 10% khách hàng đã gặp phải chuyện bực mình từ yêu cầu giao hàng đúng hẹn.

"Một yêu cầu không bao giờ thừa đối với thương mại điện tử là phải đảm bảo chữ tín. Những lời mô tả về sản phẩm phải đúng sự thật, hàng hóa phải đúng chất lượng và giao hàng phải đúng hẹn", ông Jones cho biết.

(Theo Trọng Cầm - Vietnamnet/VNUnet)



Bình luận

  • TTCN (0)