Gọi điện thoại bằng dịch vụ IP qua điện thoại bàn. Ảnh : Minh Phúc Điện thoại internet (Internet Phone - IP) có một thời gian dài chịu lép vế trước thẻ lậu nhập từ nước ngoài. Từ đầu năm 2007, dịch vụ này đã giành lại thị trường trong nước với tỷ lệ gần như tuyệt đối.

Những hỗ trợ từ quản lý

Internet Phone xuất hiện tại nước ta từ khoảng năm 2000 nhưng lúc đó thị phần chủ yếu của thẻ lậu nước ngoài, lên đến 90%. Tình hình này đã kéo dài đến đầu năm 2007.

Một trong những nguyên nhân làm thị trường thẻ lậu chiếm ưu thế chính là nhờ giá rẻ. Ước tính, chi phí gọi ra nước ngoài rẻ hơn thẻ trong nước từ 20 – 40%. Cộng vào đó, vì thẻ lậu không chịu những khoản thuế nên tỷ lệ hoa hồng cho các đại lý khá cao. Có hãng đã dành đến 50% giá trị thẻ để trả hoa hồng cho đại lý.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước như OCI, VDC, SPT... do gánh gồng bao nhiêu khoản phí nên không thể có giá cước thấp hơn thẻ lậu. Đại diện của OCI cho biết, các đại lý bán thẻ lậu chỉ cần miếng giấy ghi số mã của thẻ là xong. Họ chẳng cần đầu tư gì nhiều nên muốn bán với giá bao nhiêu cũng được. Vì không chịu nổi sức ép về giá của thẻ lậu, nên các doanh nghiệp kinh doanh IP trong nước đành bỏ thị trường. Ông Trần Đình Tiến, giám đốc Datalink (kinh doanh thẻ IP Phone Datalink) cho biết: “Khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2006, 90% thị trường IP Phone Việt Nam là của thẻ lậu nước ngoài tuồn vào”.

Mãi cho đến đầu năm 2007, khi chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ISP (nhà cung cấp các dịch vụ trên nền tảng internet) ngăn chặn thẻ lậu bằng cách đồng loạt chặn tất cả các địa chỉ mạng (tức IP) của máy chủ ở nước ngoài lúc đó các doanh nghiệp trong nước mới từ từ hồi phục”. Theo ông Tiến, thẻ lậu hiện chỉ còn khoảng 30% thị phần.

Theo thống kê của cơ quan thanh tra bộ Thông tin truyền thông, trong 7 tháng đầu năm 2007, kho bạc nhà nước đã có thêm 8,5 tỉ đồng từ tiền thuế VAT qua dịch vụ này. “Giá cước của thẻ chính thức trong nước đã ngang bằng với giá cước của thẻ lậu”.

Đua nhau giảm giá

Ước tính dịch vụ IP cả nước hiện nay có lưu lượng khoảng 50 triệu phút/tháng. Dẫn đầu thị trường hiện nay là OCI khi nhà cung cấp dịch vụ này với nhiều sản phẩm như Vietvoiz, Saigon Voiz, RingVoiz... từ 0,3% (giữa năm 2006) cho đến cuối năm 2007 thị phần lên 45,6% với lưu lượng khoảng 22 triệu phút/tháng. Kế tiếp là Mediaring khoảng 7 triệu phút/tháng, sau đó là SPT với các sản phẩm SnetFone, SnetUS, SnetEU, SnetAsia, SVoiz... từ 8,7% (năm 2006) lên 12,2% với lưu lượng khoảng 5 triệu phút/tháng.

Thẻ lậu hiện nay không còn đất sống, điều đó đã làm tốc độ cạnh tranh giữa các nhà cung cấp thẻ chính thức trong nước tăng lên. Một trong những động thái cạnh tranh đầu tiên là các nhà cung cấp dịch vụ đua nhau hạ giá cước tới mức có thể.

Ảnh
Giao diện của dịch vụ MediaRing

Công ty điện toán và truyền số liệu VDC vừa chuyển đổi cung cấp dịch vụ điện thoại internet Fone-VNN thẻ xanh sang dịch vụ iFone-VNN với giá cước: gọi đi Mỹ 287đ/phút, Singapore 297đ/phút, Nga 1.157đ/phút, Ý 437đ/phút, Nhật Bản 877đ/phút, Úc 490đ/phút, Thái Lan 577đ/phút...

Cước gọi của SPT: đi Mỹ, Canada là 320đ/phút, Úc 420đ/phút, Đức 350đ/phút, Đài Loan 500đ/phút, Anh 310đ/phút, Hàn Quốc 550đ/phút, Nhật Bản 800đ/phút, Hà Lan 490đ/phút.

Trung tâm viễn thông thế hệ mới VNGT có dịch vụ Voice 777 với giá cước: gọi đi Mỹ, Canada 390đ/phút, gọi đi Singapore, Trung Quốc là 500đ/phút. VNGT sẽ miễn phí các cuộc gọi từ máy tính đến máy tính nếu như cả hai đầu cầu gọi và nhận cuộc gọi đều sử dụng dịch vụ Voice 777.

(Theo Gia Vinh - Sài Gòn tiếp thị)



Bình luận

  • TTCN (0)