Đó là kết quả báo cáo nghiên cứu mới đây của Photonic21 có tên gọi "Quang tử ở châu Âu" công bố tại Brussels hôm 05/12/2007 vừa qua. Báo cáo cho biết, dự đoán đến năm 2015, doanh thu của ngành công nghiệp này ước đạt 439 tỉ EUR (tương đương 631 tỉ USD), tăng gần gấp đôi so với năm 2005 (228 tỉ EUR).

Chỉ tính riêng năm 2006, tại châu Âu, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp quang tử đã là 12% khiến doanh thu đạt con số kỉ lục: 49 tỉ EUR. Con số này đã bắt kịp với doanh thu của ngành công nghiệp vi điện tử tại châu Âu và dự tính sẽ qua mặt được ngành này trong những năm tới đây. Cũng phải nhớ rằng tăng trưởng GDP của châu Âu ở cùng thời điểm chỉ đạt mức 3%.

Ngành công nghiệp quang tử bao gồm các lĩnh vực công nghiệp rất rộng liên quan đến các sản phẩm viễn thông, năng lượng, quân sự, y tế cũng như các ứng dụng dân sự. Các lĩnh vực chủ chốt của công nghiệp này tại châu Âu bao gồm các sản phẩm công nghệ (laser, hệ thống laser, hệ thống khắc, hệ thống thấu kính...), sản phẩm phát sáng (đèn, LED, OLED), hệ thống quang và linh kiện, sản phẩm bảng hiển thị (LCD, LPD, OLED...), các modul pin mặt trời, các thiết bị đo quang, hệ thống viễn thông quang, các công nghệ quang tử cho y tế và quân sự.

Trong chiếc bánh doanh thu tương lai khổng lồ của ngành quang tử thế giới, doanh thu của các sản phẩm về các bảng hiển thị màn hình phẳng được dự đoán là cao nhất với 120 tỉ EUR, tiếp theo là các sản phẩm liên quan đến IT (máy in, fax, photocopy, scan, cảm biến, camera số...) với 89 tỉ EUR. Riêng đối với các sản phẩm liên quan đến viễn thông quang học, con số này chỉ ước đạt 31 tỉ EUR.

Ảnh
Dự đoán tăng trưởng của ngành công nghiệp quang tử cho năm 2015

Tùy thuộc vào từng quốc gia và từng lĩnh vực thế mạnh của quốc gia đó mà sự phân bố doanh thu trong ngành công nghiệp sáng lạn này sẽ khác nhau. Photonic21 đã lấy các số liệu khá đầy đủ của năm 2005 để xem xét sự phân bố này.

Nhìn vào biểu đồ phân bố hình quạt dưới đây, chúng ta thấy rõ sự áp đảo của khối các nước châu Á (với 32% của Nhật bản, 12% của Hàn quốc, 11% của Đài loan và một phần không nhỏ của Trung quốc), tiếp theo là châu Âu và Bắc Mĩ (với 19% và 15% tương ứng). Nếu tính riêng tại châu Âu thì Đức có doanh thu lớn nhất với 7% (tương ứng 39% so với châu Âu), tiếp theo là Pháp và Anh với 2% cho mỗi quốc gia (tương ứng 12% so với châu Âu). Hà lan và Italia là các nước cũng chiếm xấp xỉ 2% trong tổng số doanh thu này (Hà lan chiếm 10% so với châu Âu và Italia là 8%). Sản phẩm thế mạnh của Đức là các sản phẩm ứng dụng trong y tế trong khi thế mạnh của Pháp là về viễn thông quang học và của Anh là ứng dụng quân sự.

Ảnh
Phần trăm doanh thu năm 2005 của ngành quang tử theo quốc gia

Với mức doanh thu lớn và tương lai phát triển rộng mở như vậy, ngành công nghiệp quang tử đã không hề sai lầm khi quyết định đầu tư trở lại cho nghiên cứu và phát triển (R&D) với con số cao hơn nhiều so với các ngành khác. Tại châu Âu, con số này là 9,7% doanh thu so với con số 5% của các ngành công nghiệp sản xuất khác.

Hiện nay, tại châu Âu có khoảng 5000 các công ty lớn nhỏ với khoảng 246 000 nhân lực đang hoạt động cung cấp sản phẩm về quang tử. Doanh thu của châu Âu trong ngành này trong những năm qua đạt khoảng 1/5 so với thế giới.

Photonics21 là một hiệp hội tự nguyện các các doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực quang tử. Hiện Photonics21 có đến 900 thành viên đến từ 32 quốc gia trong khắp châu Âu. Nhiệm vụ của Photonics21 là kết hợp các hoạt động nghiên cứu và phát triển giữa các thành viên của nó trên các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và phát triển sản xuất.

"Quang tử ở châu Âu" là một dự án nghiên cứu thị trường của Photonics21, được tiến hành với sự giúp đỡ của Ủy ban châu Âu nhằm đánh giá, phân tích thị trường cho ngành Quang tử ở châu Âu và vị trí của nó trên thế giới.

Thành Việt (tổng hợp số liệu từ Photonics21)



Bình luận

  • TTCN (0)