XEL-1: Màu sắc thật sống động!
Từ khi xuất hiện vào tháng 12/2007, XEL-1, chiếc TV màn hình phẳng đầu tiên sử dụng công nghệ OLED của Sony có thể sẽ chưa thực đủ sức tạo ra điều kì diệu lớn lao vì một số bất cập của nó. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của nó đến thị trường tiềm năng này là không hề nhỏ.

Mặc dù nhược điểm của sản phẩm này là kích thước màn hình nhỏ bé 11 iinch không hề tương xứng với cái giá 200 000 JPY (tương đương 29 triệu VND) mà nhà sản xuất đưa ra. Nhưng, xét về tính năng kĩ thuật, nếu như không tính đến yếu tố thời gian sử dụng ngắn (chỉ cỡ 30 000 giờ tức tương đương 10 năm sử dụng nếu mỗt ngày dùng 8 tiếng) thì sẽ thật khó khăn để bắt chiếc TV OLED này làm thất vọng người dùng bởi vì XEL-1 có một loạt các tính năng cực kỳ nổi trội như màu sắc sống động, độ tương phản cao (1:1 000 000), góc nhìn rộng (160°), độ dày mỏng (3 mm), ít tốn điện (giảm 40% tiêu thụ điện năng so với LCD) ...

Ý thức được những bất cập hiện tại của XEL-1, Sony đã chỉ dám sản xuất bước đầu ở mức 2000 chiếc/tháng và cũng "đánh tiếng" rằng Sony chấp nhận chịu lỗ cho dòng sản phẩm này.

Các nỗ lực đang được đưa ra để khắc phục các nhược điểm của TV OLED. Các nhà cung cấp linh kiện cho Sony như Sumitomo Chemical, Nippon Steel hay Idemitsu Kosan đang đẩy nhanh các nghiên cứu, phát triển về vật liệu, về polime và các hợp chất điện phát quang nhằm làm giảm giá thành và tăng thời gian sống cho thiết bị.

Nhờ vào các nỗ lực đó mà các tuyên bố của các hãng liên tiếp được đưa ra: Seiko-Epson tuyên bố sẽ cho ra mắt màn hình OLED 8 inch, dày 2,8 mm và thời gian sử dụng có thể lên đến 50 000 giờ vào mùa thu năm nay; Toshiba dự kiến cho chiếc TV OLED 32 inch vào năm 2009 và Samsung sẽ cho ra một mẫu 14 inch cho năm 2010.

Cho đến nay, công nghệ OLED chưa thực sự đe dọa nghiêm trọng đến thị phần của
LED hay Plasma. Tuy nhiên, nó đã gây ra không ít sóng gió trong thị trường hiển thị màn hình phẳng nhiều tiềm năng này. Chính nó đã làm đảo lộn các kế hoạch chiến lược của các nhà sản xuất TV hàng đầu thế giới: Hôm 24/12/2007, Matsushita, Canon và Hitachi tuyên bố bắt tay nhau trong việc liên danh sản xuất màn hình OLED; Hôm 27/12/2007, Sony ra tuyên bố ngừng sản xuất các sản phẩm theo công nghệ Rear Prọection để đầu tư vào OLED và LCD; Sharp cũng ý thức được mối đe dọa này của OLED nên cũng đã gấp rút ban ra chiến lược mới, thúc đẩy việc sản xuất LCD với chiều dày 1 mm từ mùa xuân năm nay.

Cuộc soán ngôi của OLED sẽ còn phải đợi thời gian chứng nghiệm nhưng những ảnh hưởng nhãn tiền của nó đă rõ ràng. Những cuộc canh tranh khốc liệt về công nghệ luôn tạo ra nhiều lợi ích cho người dùng. Chúng ta sẽ chờ xem những diễn biến tiếp theo của "cuộc chiến soán ngôi" này và hi vọng rằng ở một tương lai không xa mỗi chúng ta sẽ sở hữu một chiếc TV màn hình phẳng, rộng với chất lượng hình ảnh cao chỉ với mức giá của chiếc ti vi theo công nghệ CRT hiện hành.

Thành Việt



Bình luận

  • TTCN (0)