Chiếc iPad của bạn có thể chứa hoặc truy cập những nội dung không phù hợp với lũ trẻ, nhưng hẳn là bạn không thể không cho chúng chơi. Để đảm bảo an toàn, bạn nên làm theo các hướng dẫn trong bài.

Với máy tính cá nhân, bạn có thể tạo ra các tài khoản có các quyền hạn truy cập khác nhau trên cùng một hệ thống. Người dùng, như lũ trẻ và các thành viên khác trong gia đình, sẽ chỉ có thể thực hiện các thao tác trong phạm vi tài khoản đó, trừ trường hợp bạn để mật khẩu quản trị hớ hênh hay lũ trẻ nhà bạn là "cao thủ" máy tính.

Nhưng iPad thì không như vậy, nó chỉ có một môi trường làm việc duy nhất, một tài khoản duy nhất. Nếu bạn khóa nó bằng một mật khẩu 4 kí tự số thì có nghĩa là cũng chỉ 1 mình bạn dùng và sẽ rất bất tiện khi bạn muốn chia sẻ các nội dung thú vị hoặc đơn giản chỉ dùng nó như một thiết bị thư giãn cho cả nhà.

Nếu bỏ mật khẩu này thì gần như những người khác cũng sẽ có quyền như bạn trong việc truy cập các trang web chưa được xác nhận an toàn, chạy các ứng dụng “nhạy cảm” (nếu có) hay thậm chí xóa ứng dụng. Tương tự như vậy với thư viện nhạc và phim trên máy, bạn phải chấp nhận những người khác dùng máy cũng có quyền gần như bạn trong việc thưởng thức chúng.

Nhưng không phải là không có cách để có thể ung dung chia sẻ chiếc iPad của bạn với lũ trẻ mà không lo chúng tiếp xúc với những thông tin không phù hợp. Apple cũng có tính đến điều này khi đưa ra tính năng hạn chế truy cập Restrictions. Khi tính năng này được bật, bạn có thể thiết lập quyền truy cập giới hạn cho những ứng dụng có sẵn trên iPad (đáng tiếc là không thực hiện được với các ứng dụng của các bên thứ 3) cũng như ngăn cấm việc xem hay nghe các nội dung không phù hợp.

Đầu tiên bạn hãy bật tính năng này lên bằng cách nhấn vào biểu tượng Setting rồi tiếp tục chọn General -> Restrictions, sau đó nhấn Enable Restrictions. Máy sẽ hiển thị một mật khẩu gồm 4 chữ số và bạn sẽ phải tái xác nhận “khóa số” này và nên chọn dãy số trúc trắc một chút, tránh các chuỗi số kiểu như 1111 hay 1234 mà lũ trẻ có thể mày mò “bẻ” được. Sau khi tính năng này đã được bật, bạn có thể thiết lập các tùy chọn truy cập trên iPad.

Cấm truy cập ứng dụng

Trong khu vực các ứng dụng, bạn sẽ tìm thấy các tùy chọn cho Safari, YouTube, Camera, FaceTime (2 ứng dụng cuối này không có trên iPad đời đầu do thiết bị này không được trang bị camera tích hợp), iTunes và Ping. Điểm chung của các thiết lập giới hạn này là chủ nhân của thiết bị sẽ quyết định ứng dụng kết nối với thế giới ban ngoài ra sao. Ứng dụng đầu tiên mà bạn nên xem xét chính là trình duyệt web Safari.

Không như phiên bản dành cho máy tính cá nhân, trình duyệt này trên iPad không hề có các thiết lập ngăn chặn trẻ nhỏ truy cập vào những website không lành mạnh. Cũng có một vài trình duyệt của các bên thứ 3 cố gắng thử đưa tính năng này vào phiên bản dành cho iPad nhưng đều không được đánh giá cao về hiệu quả. Do vậy nếu bạn quyết định không muốn cho con bạn truy cập vào các nội dung không lường trước được thì tốt nhất là tắt Safari. Tương tự như vậy, Apple cũng không cung cấp khả năng lọc nội dung hiển thị trên YouTube và chúng tôi khuyên bạn cũng nên làm điều tương tự như với trình duyệt web.

Ảnh
Thiết lập ngăn truy cập ứng dụng trên iPad. (iPad App Restrictions)

Tiếp theo, bạn nên quan tâm tới ứng dụng chụp ảnh - Camera của iPad. Thoạt nhìn thì ứng dụng này có vẻ như vô hại vì những gì hiển thị trong thư viện ảnh cũng là những gì mà bạn đã kiểm tra trước khi đồng bộ vào máy. Nhưng hãy lưu ý khi lũ trẻ sử dụng máy ảnh của iPad 2 để quay phim hay chụp ảnh rồi sau đó chia sẻ chúng lên mạng qua tính năng Share của thư viện ảnh. Thêm nữa, nếu bạn chưa tắt tính năng xác định vị trí của iPad, tất cả những bức ảnh chụp bằng thiết bị này sẽ mang thông số về địa điểm chụp và qua đó gián tiếp tiết lộ nơi bạn cư trú. Khi bạn tắt ứng dụng Camera, ứng dụng hội thoại video FaceTime cũng sẽ tự động ngừng hoạt động.

Đối với ứng dụng quản lí thông tin trò chơi, Game Center, bạn có thể tắt tùy chọn chơi mạng Multiplayer Games, qua đó vô hiệu hóa được tính năng thêm bạn Adding Friends vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ khi thiếu sự kiểm soát của bạn. Tắt iTunes cũng giúp loại trừ khả năng trẻ tự tiện truy cập vào iTunes Store và mua những nội dung trên đó. Còn việc vô hiệu hóa Ping giúp chúng tránh xa các dịch vụ của mạng xã hội âm nhạc của Apple.

Nói thêm một chút về iTunes, cứ cho là lũ trẻ nhà bạn biết cách đồng bộ iPad của phụ huynh, nhưng bạn biết chắc chắn chúng sẽ cài vào những ứng dụng mà chúng không bao giờ dùng và như vậy sẽ tiêu tốn thời gian và dung lượng của chiếc máy tính bảng. Do vậy tắt tùy chọn cho phép cài đặt ứng dụng Installing Apps sẽ giải quyết được vấn đề này. Thêm nữa, để tránh bị xóa mất ứng dụng ngoài ý muốn, bạn cũng nên tắt tính năng cho phép xóa ứng dụng Deleting Apps.

Ngăn ứng dụng tự xác định vị trí

Các bậc phụ huynh cẩn trọng chắc chắn không muốn chiếc iPad tiết lộ vị trí của con cái mình (chính xác hơn là nơi chúng sử dụng thiết bị này) và bạn cũng vậy. Bạn hãy điều chỉnh chế độ xác định vị trí này trong phần Setting, mục Location Services. Trong phần Restrictions cũng có cung cấp tùy chọn này. Nhấn vào mục Locations và bạn sẽ được cung cấp khả năng thiết lập xác định vị trí cho từng ứng dụng có chạy dịch vụ này trong iPad. Ví dụ bạn có thể chọn tắt dịch vụ này của các ứng dụng Camera và các ứng dụng mạng xã hội như Facebook và Twitter.

Ảnh

Cẩn thận hơn nữa, bạn có thể chọn vô hiệu hoàn toàn tính năng xác định vị trí này chỉ bằng một cái gạt tay trong phần Location Services. Sau đó bạn có thể lưu các thiế lập mà bạn chọn và ngăn chặn không cho các ứng dụng mới tìm cách khởi chạy dịch vụ này bằng việc bật tùy chọn Don’t Allow Changes. Điều này vô cùng cần thiết nếu bạn có cài đặt ứng dụng mới Find Mi Friends của Apple (ứng dụng này cho phép người dùng các thiết bị cài đặt hệ điều hành iOS có thể theo dõi được vị trí của nhau).

Bằng cách này, lũ trẻ sẽ không thể vô tình thay đổi những gì bạn thiết lập, điều có thể dẫn đến tiết lộ vị trí gia đình bạn.

Kiểm soát nội dung

Tính năng lọc kiểm soát nội dung này được hệ điều hành iOS cung cấp cho người dùng tại phần Allowed Content. Tại đây, thiết lập đầu tiên mà bạn thực hiện là tắt tính năng mua sắm trực tiếp từ trong ứng dụng In-App Purchases. Bạn nên thường xuyên theo dõi kiểm tra lại phần cài đặt này nếu như không muốn tài khoản ngân hàng của bạn bị hao hụt những khoản (đôi khi khá đáng kể) do con bạn tiến hành nâng cấp những món đồ trong các game mà chúng chơi trên iPad.

Với các thứ khác như nhạc, nội dung podcast, phim, show truyền hình và các ứng dụng, bạn cũng có thể kiểm soát nội dung hiển thị theo các tùy chọn cụ thể. Ví dụ với nhạc và podcast, bạn có thể cấm phát các bản nhạc, podcast hay video bằng cách gán nhãn Explicit cho chúng. Với mục phim ảnh, bạn có 2 tùy chọn G và PG (lưu ý đây không phải là tùy chọn PG-13 hay hơn thế như áp dụng trong lĩnh vực điện ảnh đại chúng). Tương tự như vậy, các chương tìh truyền hình được phân phối qua iTunes luôn kèm theo đánh giá. Hãy xem xét kĩ và cấm hiển thị những nội dung mà bạn cho là không phù hợp với ai khác ngoài bạn.

Ảnh

Nhưng hãy cẩn thận vì sự xếp hạng này chỉ được nhúng trong những nội dung được tải về thông qua iTunes. Nếu các bản nhạc, phim hay những thứ tương tự được bạn nhập vào iPad qua nguồn khác sẽ không được đánh giá xếp loại và khi ấy bạn nên cẩn trọng trước khi “nhồi nhét” những thứ “sướng mắt đã tai” đối với bạn vào thiết bị mà lũ trẻ luôn coi là một thứ đồ chơi thú vị.

Lời kết

Một bổ sung nhỏ nữa là bạn có thể cũng muốn kiểm tra phần cài đặt thông báo (Notification) trên iPad. Các thông báo về cập nhật tình hình Twitter hay tin nhắn của bạn với ngôn ngữ không phù hợp có thể bất thình lình xuất hiện trên màn hình khi lũ trẻ đang chơi iPad. Bạn cũng nên xem xét kĩ các cuốn sách sẽ xuất hiện trong thư viện của ứng dụng đọc sách iBook và loại đi những cuốn không phù hợp với bọn trẻ.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)