Sự phát triển của CNTT-TT đang từng bước thay đổi đời sống người dân.

Các thiết bị tự kết nối với nhau để cung cấp thông tin cho người cần, học sinh không còn phải mang cặp sách to đùng - những điều đó không còn quá xa, khi CNTT-TT đang khiến cho mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội chuyển biến mạnh.

Những chuyển biến đó là gì? Theo các nhà phát triển và cung cấp dịch vụ CNTT-TT, đó là sự thay đổi về sở thích, thói quen của người dùng tạo ra các nhu cầu và các doanh nghiệp này cũng đang nỗ lực để cho ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dùng trong tương lai.

Thiết bị có thể tự giao tiếp với nhau

Micheal Smith, Giám đốc Sáng tạo toàn cầu của Yahoo cho rằng “những người có cùng sở thích thường có xu hướng kết nối với nhau thành một cộng đồng và những xu hướng không ngừng đổi mới trong công nghệ kĩ thuật số đã tác động đáng kể tới cách suy nghĩ, cảm nhận và chia sẻ thông tin của người dùng. Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp là luôn phải nắm bắt được những cơ hội mới và làm hài lòng khách hàng”.

Với quan điểm này, Micheal tiết lộ Yahoo sẽ cho ra mắt phiên bản mới cho phép người dùng kết nối với nhau bằng bất cứ thiết bị nào và bất cứ nơi nào trên thế giới. Chẳng hạn, người dùng đang xem một bộ phim trên truyền hình, họ có thể kết nối với những người đang cùng xem hoặc đang quan tâm đến diễn viên chính trong bộ phim đó. Họ cũng có thể biết các thống kê như có bao nhiêu người tham gia bàn luận về vấn đề mà họ đang quan tâm. Phiên bản mới cũng tự động cập nhật thông tin cho người dùng theo vị trí và cho phép họ có thể sử dụng nhiều công cụ ngay trên cùng một giao diện (chẳng hạn, vừa check mail vừa đọc tin tức, xem thời tiết…).

Đối với các nhà nghiên cứu và phát triển của Ericsson, xã hội trong tương lai không chỉ dừng ở việc kết nối giữa con người với con người mà còn giữa con người với các thiết bị và giữa các thiết bị với nhau. Điều này được Ericsson tóm lược trong thuật ngữ “Xã hội kết nối”. Ericsson cũng đang nỗ lực để hiện thực hóa ý tưởng này bằng việc bước đầu cung cấp các dịch vụ y tế từ xa với việc cho phép các máy đo nhịp tim, nhịp thở, đo đường huyết mang trên người bệnh tự động kết nối và gửi dữ liệu tới máy tính của các bác sĩ. Bệnh viện Tràng An (Hà Nội) là nơi đầu tiên ở Việt Nam đã thử nghiệm thành công giải pháp này và dự định sẽ triển khai mở rộng trong thời gian tới.

Sách giáo khoa sẽ không còn

Còn theo Chris Hughes, người đồng sáng lập Facebook dự báo, 5 - 7 năm nữa, sách giáo khoa sẽ không còn là yếu tố cơ bản của giáo dục. Sự xuất hiện hàng loạt các thiết bị mới sẽ dần thay thế cách học dựa trên đọc sách in. Đơn cử như tại Mỹ, dự kiến 15% dân số Mỹ sẽ sở hữu máy tính bảng và điều này sẽ tạo nên nhu cầu mới về mạng băng rộng và đồng thời mang lại các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục.

Ảnh
Sự xuất hiện của các thiết bị mới sẽ dần thay thế cách học dựa trên sách in.

Cùng với sự phổ biến của các thiết bị cá nhân thông minh, sự phát triển của băng rộng, các nhà nghiên cứu và phát triển của Công ty Huawei cho rằng con người ngày càng có xu hướng sử dụng các thiết bị cá nhân trong công việc bởi tính tiện dụng của nó. Người dùng mong muốn một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng có thể giúp họ kiểm tra hòm thư điện tử (check mail) hay tham dự các buổi họp sử dụng công nghệ hội nghị truyền hình (video conference) ở bất kì đâu (như sân bay, khách sạn…).

Đây chính là tiền đề cho các giải pháp truyền thông hợp nhất, các giải pháp quản trị từ xa và các giải pháp khác ứng dụng trong môi trường doanh nghiệp mà theo bà April Dunford, Phó Chủ tịch của Huawei, các giải pháp phải phù hợp với mọi loại thiết bị đầu cuối (điện thoại cố định, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính để bàn, máy tính xách tay…), mọi hệ điều hành và mọi nền tảng kết nối (băng rộng cố định, băng rộng di động, viễn thông…). Các giải pháp này cũng đã và đang xuất hiện ở Việt Nam.

Rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ mới vào mọi khía cạnh của cuộc sống không còn là xa chuyện xa xôi hay chỉ ở các nước phát triển như trước đây. Khoảng cách về ứng dụng công nghệ trong môi trường hội tụ CNTT-TT-viễn thông ngày càng được thu hẹp. Tin rằng, với những khả năng tiềm tàng của việc hợp tác giữa CNTT-TT trong các ngành nghề khác, nếu biết vận dụng một cách thông minh, Việt Nam sẽ sớm hiện thực hóa việc “đưa Việt Nam thành một quốc gia mạnh vì CNTT”.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)