Bác sĩ Vũ Mạnh Tiến (đứng), tác giả phần mềm Medisoft 2003

Ông đậu vào trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn với điểm thủ khoa và vào đời với tấm bằng... bác sĩ đa khoa. Ông tu nghiệp ở Pháp, Mỹ, Đan Mạch rồi công tác ở Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM) suốt 16 năm từ 1989, nay lại làm giám đốc một công ty phần mềm. Ông là bác sĩ Vũ Mạnh Tiến, Giám đốc Công ty tin học y tế Links Toàn Cầu.

Từ "bí kíp" bị bỏ quên...

Khác với hình dung về một ông giám đốc bệ vệ hay một bác sĩ đạo mạo, bác sĩ Vũ Mạnh Tiến trông giống một ông già Nam Bộ "chịu chơi". Câu chuyện về những hướng rẽ của cuộc đời được ông bác sĩ - lập trình viên này thuật lại nghe nhẹ như không! Bỏ suốt thời tuổi trẻ theo đuổi ngành y rồi lại thành lập trình viên. Bỏ tiền tỉ để viết phần mềm rồi sau đó mang tặng Bộ Y tế. Phần mềm quản lý bệnh viện Medisoft 2003 của bác sĩ Tiến giờ đang được hơn 1.000 bệnh viện trong cả nước sử dụng.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và bác sĩ Tiến diễn ra khi ông vừa mới trở về từ Mỹ sau gần 1 tháng tìm thị trường cho phần mềm của mình. Đại diện Công ty Links Toàn Cầu đã ra đời tại Nevada (Mỹ) để làm đầu mối xúc tiến công việc. Ông Tiến cho biết: "Tại Việt Nam cũng có nhiều công ty phần mềm tham gia vào lĩnh vực này nhưng khó thành công. Đó là do không phải ai cũng có đầy đủ kiến thức về mọi quy trình, mọi "ngóc ngách" trong quản lý bệnh viện. Tôi làm được vì tôi là một bác sĩ".

Ít ai biết, ở đất nước tiên tiến như Mỹ vẫn còn đang trong quá trình xây dựng hệ thống tin học y tế thống nhất cho các bệnh viện và dự tính phải đến năm 2014 mới có thể hoàn thành, trong khi Việt Nam đã làm được từ năm 2003. Bác sĩ Tiến khiêm tốn: "Anh tưởng tôi giỏi hơn họ à, không phải đâu. Cách đây vài năm, ông Tổng giám đốc Tập đoàn máy tính Intel cũng hỏi tôi vậy khi gặp nhau trong một cuộc họp ở Thái Lan. Tôi trả lời, các ông chưa làm được bởi các bệnh viện của các ông đã quá... phát triển. Mỗi bệnh viện đều có một phần mềm quản lý riêng rất hiện đại, tối tân nên rất khó đồng nhất cả nước. Còn chúng ta bắt tay vào xây dựng từ đầu nên dễ dàng hơn, mình lại đi sau nên tận hưởng được hết những thành quả của người đi trước để lại. Vả lại tôi đã may mắn tìm được một "bí kíp" nên mọi việc suôn sẻ hơn rất nhiều".

"Bí kíp" đó chính là một hệ thống số hóa tất cả những mẫu bệnh án của Việt Nam do các chuyên gia Pháp giúp xây dựng từ năm 1989. Lúc tình cờ tìm ra hệ thống này, bác sĩ Tiến đã vô cùng ngạc nhiên vì vào thời điểm đó chỉ có những nước có nền tin học y tế phát triển cao nhất thế giới mới làm được. Từ "bí kíp" này, một phần mềm dùng để chuẩn hóa tất cả hồ sơ bệnh án đã được ra đời. Nhờ nó, các bệnh viện có thể tiến đến trở thành những bệnh viện không giấy (paperless hospital). Bệnh nhân chỉ cần in dấu vân tay thì sẽ có tất cả các hồ sơ bệnh án, đảm bảo tính bảo mật mà lại rất tiện lợi. Còn đối với Bộ Y tế, đây sẽ là công cụ giúp thống kê tình hình bệnh, dịch của từng vùng dựa theo kết quả báo cáo về từ các bệnh viện địa phương để kịp thời ban hành phác đồ điều trị.

Ảnh
Bác sĩ Vũ Mạnh Tiến (ngồi giữa) cùng các cộng sự trẻ

...đến một phần mềm "minh bạch"

Sau khi xây dựng thành công bệnh án điện tử để sử dụng cho các bệnh viện toàn quốc, ông bác sĩ - lập trình viên này tiếp tục xây dựng những phần mềm kèm theo để tính viện phí, giá thuốc, chi phí điều trị... Đã có khoảng 60 bệnh viện ở khắp các tỉnh thành đặt mua, với giá từ 30 - 50 ngàn USD/gói phần mềm ứng dụng một bệnh viện, tùy theo quy mô.

Bộ Y tế đã ban hành tiêu chí về việc sử dụng phần mềm y tế, theo đó các phần mềm được phép sử dụng phải kết nối được với Medisoft 2003 nhằm tạo sự chuẩn hóa trên toàn quốc. Chính điều này đã tạo dư luận cho rằng bác sĩ Tiến lợi dụng mối quan hệ để độc quyền. Bác sĩ Tiến nói: "Những người này không biết tôi đã tặng không phần mềm Medisoft 2003 cho Bộ Y tế. Tháng 12.2007, vào dịp công ty của tôi kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, tôi đã tung toàn bộ mã nguồn của Medisoft 2003 lên mạng. Có thể ngoài Việt Nam nó sẽ có ích cho các nước đang phát triển khác".

Có một điều tưởng như nghịch lý trong việc sử dụng Medisoft 2003 là những bệnh viện ở miền núi lại là những đơn vị vận hành phần mềm này trơn tru nhất. Ông Tiến hóm hỉnh: "Tôi chia khách hàng của mình ra hai dạng là tiềm năng và tiềm... nguy (hiểm). Tiềm năng là những lãnh đạo trẻ, tâm huyết và say sưa với quản lý.

Tiềm nguy là những khách hàng mua phần mềm để lấy thành tích báo cáo mà không cần biết sử dụng được hay không. Có nhiều người rất không thích Medisoft 2003 bởi nó minh bạch quá, một viên thuốc, một đồng viện phí cũng không thể dôi ra".

Chia tay tôi, ông Tiến còn dặn: "Phần mềm y tế muốn sử dụng được tại Mỹ phải đảm bảo được tiêu chuẩn CCHIT (Certification Commission for Healthcare Information Technology) do họ cung cấp. Anh nhớ viết điều này để các công ty tin học y tế của chúng ta muốn xuất khẩu phần mềm sang đó biết thủ tục, tránh rắc rối"...

Theo Trung Bảo - Thanh Niên



Bình luận

  • TTCN (0)