Bà Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước trao giải cho nhóm tác giả đoạt giải Nhất - Ảnh: Việt Dũng.

Nhóm “Lá bốn cánh” với hai thành viên đến từ TP.HCM là Ngô Chí Đức và Lê Ngọc Hiếu đã giành giải nhất cuộc thi Trí tuệ VN 2007 (trị giá 80 triệu đồng) với sản phẩm Máy nhắn tin xếp hàng. Kết quả cuộc thi được công bố và trao giải tối 6-1. Sản phẩm này cho phép khách xếp hàng từ xa qua tin nhắn tránh được tình cảnh phải chờ đợi.

Giải nhì của cuộc thi (mỗi giải trị giá 50 triệu đồng) được trao cho sản phẩm Hệ thống xử lý tiếng Việt tự động EPI, ứng dụng trên baomoi.vn và sản phẩm Framework xây dựng trên nền web 2.0, trong đó sản phẩm đầu tiên còn được trao một giải thưởng khác của cuộc thi là giải thưởng tiềm năng đầu tư.

Hai giải ba (mỗi giải trị giá 30 triệu đồng) được trao cho các sản phẩm Website cộng đồng thiết kế "ý tưởng thứ 26" - ZideanART và Java XML Terminal Workbench.

Ông Bạch Hưng Khang, chủ tịch Hội đồng chung khảo cuộc thi, khẳng định các sản phẩm đoạt giải năm nay mang đậm tính học thuật và xã hội. Ông Khang cũng đánh giá cao việc các tác giả đoạt giải nhất mong muốn đưa sản phẩm của mình vươn ra thị trường thế giới.

Sản phẩm đoạt giải:

* Giải nhất: Máy nhắn tin xếp SQS (Nhóm Lá bốn cánh gồm Ngô Chí Đức, Lê Ngọc Hiếu)

Sản phẩm bao gồm thiết bị phần cứng và phần mềm nhúng điều khiển thiết bị và giao tiếp với hệ thống tổng đài. Đây là giải pháp nhằm giải quyết bài toán chờ đợi khi phải xếp hàng. Hiện tại, nhiều nơi đã đưa vào ứng dụng máy lấy số thứ tự (như tại các phòng giao dịch của Vietcombank).

Hệ thống cho phép đăng ký xếp hàng từ xa qua tin nhắn ngắn. Khách hàng nhắn tin để xếp hàng và sẽ được hệ thống nhắn tin lại khi gần đến lượt mình.

* Giải nhì:

- Hệ thống xử lý tiếng Việt tự động EPI và ứng dụng trên Baomoi.vn (Nhóm Easy As Pie gồm Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Tùng, Đào Hải Nam, Chu Thanh Quảng, Nguyễn Minh Quang)

Sản phẩm là một công cụ phân tích tiếng Việt tự động, có khả năng tự động phân loại, phân nhóm, bóc tách từ khóa và phát hiện trùng lặp các nội dung tiếng Việt. Sản phẩm có tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: tự động tổng hợp thông tin theo chuyên mục, ứng dụng cho tìm kiếm tiếng Việt, quảng cáo theo ngữ cảnh...

Hiện sản phẩm đã ứng dụng 1 phần trên website baomoi.vn, đây là một ví dụ của việc ứng dụng sản phẩm phân tích tiếng Việt.

- Framework xây dựng trên nền web 2.0 (Nhóm Trirange Portal Server gồm các tác giả Nguyễn Võ Long, Phạm Đỗ Việt, Nguyễn Hùng, Nguyễn Đình Vinh)

Là công cụ cho phép tạo và quản lý các website ngay trên trên nền web 2.0. Đây là sản phẩm mới đối với thị trường Việt Nam. Sản phẩm có hỗ trợ giao diện tiếng Việt. Có thể phát triển giao diện đa ngôn ngữ. Sản phẩm được phát triển theo xu hướng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu làm cổng giao tiếp điện tử ngày càng tăng trên các website thương mại hiện nay.

* Giải Ba:

- Website cộng đồng thiết kế "ý tưởng thứ 26" - ZideanART (Nhóm Ý tưởng thứ 26 gồm Đinh Ngọc Quang, Trương Phi Hùng, Lữ Lệ Phụng, Võ Hoàn Nguyên, Phạm Thị Thanh Tú)

Là một website được bắt đầu xây dựng vào khoảng năm 2002 với ý tưởng xây dựng một diễn đàn trao đổi, thảo luận giữa các bạn yêu thích nghệ thuật, thiết kế Việt Nam.

Với gần 28.000 thành viên, lưu trữ hơn 28.000 tác phẩm, hàng ngàn bài viết đã được gửi lên website, xếp hạng 30.240 trên Alexa. ZideanART đã là website chuyên về thiết kế đồ họa lớn tại Việt Nam. ZideanART cho phép người xem đăng ký thành viên và có quyền đưa các tác phẩm của mình lên.

- Java XML Terminal Workbench (Nhóm NBIS gồm Vũ Nam Sơn, Phạm Viết Thuyết, Phùng Tuấn Dũng, Đỗ Lê Minh Triết)

Đây là một bộ công cụ nhằm tạo ra các ứng dụng chạy trên nền web 2.0 một cách dễ dàng, nhanh chóng. Sản phẩm hướng tới đối tượng sử dụng là các nhà phát triển. Dựa trên bộ công cụ này, các nhà phát triển có thể dễ dàng tạo ra các ứng dụng mới cho khách hàng.

Theo nhóm tác giả, ý tưởng đầu tiên được hình thành từ năm 2000. Đến 2004, nhóm tác giả mới thực sự bắt tay vào phát triển sản phẩm. Cũng trong năm này, nhóm tác giả đã thuyết phục được Chính phủ Pháp tài trợ khoảng 1 triệu Euro (20% tổng số đầu tư) để hoàn thiện sản phẩm. Bộ công cụ cơ bản hoàn thành vào năm 2005 và hiện đã có khách hàng cả ở thị trường Pháp và Việt Nam.

* Giải Thực tiễn: Phần mềm đọc hiểu và xử lý ngôn ngữ tiếng Việt (Nhóm VMC gồm: Phạm Hồng Việt, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Vũ Thu Trang, Đinh Bảo Linh)

Phần mềm nhằm giải quyết vấn đề đọc và hiểu tiếng Việt. Sản phẩm mang đậm dấu ấn học thuật, nhằm phục vụ cho công tác chăm sóc khách hàng như trả lời tự động, kết xuất văn bản tự động.

Sản phẩm phát triển dựa theo nguyên tắc đưa các định nghĩa vào máy tính để máy có thể tự nhận biết và xử lý công việc theo tư duy thông thường của con người. Hiện tại nhóm tác giả đã cập nhật được khoảng 600 định nghĩa cho phần mềm.

* Giải Ấn tượng: Thư viện hỗ trợ dạy học (Nhóm tác giả gồm Cao Thị Hạnh, Trương Hoàng Anh, Đỗ Mạnh Hà, Lê Thị Minh Loan, Nguyễn Phú Quảng, Lê Anh Tuấn)

Sản phẩm dự thi gồm hai trang web baigiang.edu.vn và tulieu.edu.vn, trong đó lưu trữ khoảng 1.700 bài giảng điện tử thuộc các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Sử, Địa, Văn, Ngoại ngữ từ lớp 1 đến lớp 12 và khoảng 10.000 tư liệu ảnh.

Đặc biệt, website có hệ thống tính điểm được xây dựng để khuyến khích sự đóng góp của các thành viên. Đây chính là tư tưởng 2.0: kho dữ liệu sẽ được cập nhật bởi chính những người sử dụng, ban quản trị website chỉ cung cấp các cơ chế, nơi lưu trữ, phân loại. Việc cung cấp đồng thời các công cụ soạn thảo giáo trình điện tử giúp người sử dụng có thể nâng cao chất lượng các bài giảng điện tử. Chính cơ chế cộng đồng đã giúp trang web thu thập được 1.700 bài giảng điện tử trong vòng 3 tháng.

* Giải Cộng đồng: Hệ thống phần mềm mạng xã hội trực tuyến V – Community (Nhóm VSMC gồm Vũ Kiêm Văn, Võ Chí Nhân, Lê Phương Chi)

V-Community là một nền tảng khá đầy đủ và hoàn thiện cho việc xây dựng các mạng xã hội trực tuyến. Sản phẩm đang được sử dụng làm "nhân" của mạng xã hội www.thehetre.vn. Đây là một trong những mạng xã hội tiếng Việt đầu tiên và hiện có khoảng 30.000 tài khoản sử dụng.

Theo Khiết Hưng - Tuổi trẻ



Bình luận

  • TTCN (0)