Cảnh sát quận Phong Đài, thành phố Bắc Kinh tịch thu kho dữ liệu của một đường dây mua bán thông tin cá nhân trá hình - Ảnh: Nhật Báo Hoàn Cầu.

Cảnh sát Bắc Kinh vừa triệt phá một đường dây buôn bán thông tin cá nhân của hàng trăm triệu người, bắt giữ hai chủ mưu và 24 đối tượng tình nghi.

Tuy nhiên, đây chỉ là “con tép” trong đại dương thế giới ngầm mua bán thông tin cá nhân rộng khắp Trung Quốc.

Ngày 14-9, cảnh sát quận Phong Đài, Bắc Kinh đã ập vào khám xét văn phòng của một tổ chức mua bán thông tin cá nhân trá hình. Các dữ liệu trong máy tính cho thấy một lượng lớn thông tin bao gồm danh tính, số điện thoại, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, bằng lái xe, thu nhập hằng năm của hàng trăm triệu người. Các nạn nhân này thuộc đủ ngành nghề, từ quan chức chính phủ, giám đốc công ty đến các khách hàng sử dụng dịch vụ di động. “Chúng tôi vô cùng bất ngờ khi chính mình cũng trở thành nạn nhân của mạng lưới này” - một cảnh sát quận Phong Đài cho biết khi phát hiện tên, địa chỉ, số giấy phép lái xe của mình trong danh sách vừa tịch thu được.

Nghề hái ra tiền

Triệu Bằng, 20 tuổi, người Hà Nam, đã móc nối với “chợ đen” chuyên buôn bán thông tin cá nhân trên mạng. Với 800 tệ (126 USD) làm vốn, Triệu đã có thể thông qua QQ (một phần mềm giao lưu trực tuyến phổ biến tại Trung Quốc) để mua được danh sách hơn 10 triệu số điện thoại từ “đồng nghiệp”, hoặc mua thông tin khách hàng từ công ty viễn thông và những công ty lưu giữ thông tin khách hàng. Dữ liệu thô này sau đó được tổng hợp và phân loại cẩn thận trước khi chào bán cho khách hàng. Đa số họ là các công ty quảng cáo, dịch vụ nhà đất, thậm chí cả những đường dây sản xuất và chuyên bán hàng giả.

Theo một khảo sát mới đây của báo Thanh Niên Trung Quốc, hơn 86% trên tổng số 1.958 người được hỏi cho biết thông tin cá nhân của họ đã bị rò rỉ. 50% xác nhận các thông tin rò rỉ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.

Cô Dương Lưu, một nhân viên truyền thông 27 tuổi tại Bắc Kinh, cho biết cảm thấy vô cùng phiền toái khi nhận được hàng chục cuộc điện thoại mỗi ngày từ các công ty quảng cáo do việc cô đã vô tình cung cấp số điện thoại cho một công ty nhà đất.

Tính sơ bộ các tay môi giới thông tin cá nhân như Triệu Bằng có thể rủng rỉnh trong túi 10.000 tệ (1.600 USD) mỗi tháng. Và mối lợi họ đem đến cho các khách hàng của mình còn lớn hơn nhiều lần con số này. Triệu cho biết một công ty phát triển văn hóa sử dụng “dịch vụ” của anh ta đã kiếm được hàng triệu nhân dân tệ (hàng trăm ngàn USD) khi mua 30.000 số điện thoại của khách hàng tiềm năng do anh ta cung cấp.

Các thông tin chào bán được ưa chuộng nhất là “số điện thoại của các ông chủ”, “danh sách các câu lạc bộ doanh nhân”, “danh sách các hội viên chơi golf”, “thông tin tài khoản ngân hàng của các doanh nhân”... với đầy đủ tên tuổi, giới tính, địa chỉ, số di động, số fax, thư điện tử... Thậm chí trong những trường hợp cá biệt còn có thêm sở thích cùng những thông tin riêng tư.

Đặc biệt, những thông tin này còn được những tay môi giới “bảo hành” về độ chính xác nhờ được thu thập từ các mạng lưới có liên hệ mật thiết với các cổng thông tin đáng tin cậy nhất.

Phần nổi của tảng băng

Theo cảnh sát, đường dây mua bán thông tin cá nhân tại quận Phong Đài chỉ là một trong hàng ngàn những trường hợp tương tự. Chỉ tính riêng các đầu mối có liên hệ với Triệu Bằng, cơ quan điều tra đã phát hiện 1.365 đối tượng có liên quan, đó là chưa kể đến một lượng lớn đường dây vẫn còn ẩn mình trong các công ty trá hình.

Các công ty rất dễ mua thông tin khách hàng thông qua những tay môi giới. Chỉ cần đánh từ khóa “mua thông tin cá nhân”, trang tìm kiếm baidu cho ra hơn 5,7 triệu đường dẫn. Bên cạnh đó, hệ thống bảo mật thông tin khách hàng yếu kém của các công ty viễn thông cũng khiến vấn nạn này trở nên trầm trọng. Trong số 23 người bị kết tội mua bán thông tin cá nhân lớn nhất Trung Quốc vào tháng 8-2011, có đến bảy người là nhân viên của ba tập đoàn viễn thông khổng lồ China Mobile, China Telecom, China Unicom.

Theo Tuổi trẻ




Bình luận

  • TTCN (0)