Trang viettien.com dẫn khách truy cập tới một website chuyên về dịch vụ hẹn hò của nước ngoài.

Không chỉ viettel.com bị rao bán; vinaphone.com xổ ra web đen với những hình ảnh gợi dục, nhiều tên miền của một số thương hiệu lớn như Trung Nguyên, Bảo Việt, Aigribank... cũng dẫn người truy cập đến các trang tin có nội dung không mong muốn.

Cần mua một vài mẫu áo của hãng may Tổng công ty Dệt may VN (Viettien) làm quà tặng, anh Văn ở Thái Thịnh, Hà Nội vào mạng và gõ tên miền viettien.com. Không giống như nhưng gì anh mong đợi rằng website này sẽ trưng bày những mẫu sản phẩm cho khách lựa chọn, anh Văn được chỉ dẫn tới một một trang chuyên về dịch vụ hẹn hò của nước ngoài.

Lấy làm lạ, anh Văn làm thao tác mở đi mở lại để kiểm tra. Cả 5 lần anh truy cập vào tên miền viettien.com đều dẫn tới một đường link khác giới thiệu dịch vụ lập trình yêu đương cho giới trẻ. Sau đó, anh thêm đuôi ".vn" vào sau ".com" thì ra được website của Tổng công ty Dệt may VN (Viettien). "Tôi không hiểu tại sao lại có hiện tượng này. Lâu nay tôi cứ nghĩ doanh nghiệp khi bảo hộ tên miền họ phải lưu ý đến cả các web có tên tương tự và dễ gây nhầm lẫn. Có vẻ như các doanh nghiệp Việt chưa thực sự chú trọng đến điều này", anh Văn nói.

Chị Hải Lí, nhân viên IT của một hãng công nghệ trong lúc rỗi rãi vào mạng đã liệt kê một con số khá thú vị về website mang tên miền na ná giống nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam. Nếu như trang vinaphone.com xổ ra một web đen với những hình ảnh sex nặng thì tên miền mobifone.com dẫn dụ khách tới một web chuyên về nội thất của công ty Hàn Quốc. Tên miền viettel.com thì được rao bán với giá 1,5 triệu USD của một cá nhân tại Mỹ. Trang damphumy.com (Đạm Phú Mỹ) cũng được chào giá 600 USD.

Chưa hết, trang traphaco.com (tên giống Công ty Traphaco của Việt Nam) lại hóa thành một web chuyên giới thiệu loại dược phẩm của Mỹ. Tên miền của doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc nổi tiếng SJC (sjc.com) dẫn sang một trang web của doanh nghiệp tại Lasvegas (Mỹ). Bên cạnh đó, khách truy cập vào tên miền trungnguyen.com sẽ bắt gặp nội dung ở ngay trang chủ kêu gọi phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc. Trang battrang.com cũng được mặc định tới một web của doanh nghiệp Hàn Quốc. Tên miền thienlong.com (giống với web của Công ty Thiên Long) chuyên về văn phòng phẩm, đồ dùng học sinh lại là web chuyên bán các loại điện thoại di động.

Cũng theo chị Hải Lí, khá nhiều các website có tên giống với nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam có đuôi ".com" đang bị sử dụng làm trang giới thiệu các dịch vụ sản phẩm của nước ngoài. Chị dẫn chứng thêm web baoviet.com - giống tên miền của Tập đoàn Bảo Việt được chỉ tới trang tạp phẩm nước ngoài. Web vietnamobile.com - mạng di động thứ 6 tại Việt Nam được sử dụng làm web bán sim thẻ của một đại lí chuyên về kho số. Ngay cả trang agribank.com - tên của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng được dẫn tới website của một ngân hàng của Mỹ.

"Khi tra cứu các thông tin trên, tôi căn cứ vào danh sách 33 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam và đa phần các tên miền của họ có đuôi.com đều bị cá nhân, đơn vị hoặc tổ chức nào đó của nước ngoài sử dụng", chị Hải Lí cho biết thêm.

Hiện nay, ".com" là một trong những tên miền phổ biến nhất cùng với đuôi ".net" khi có hơn 108 triệu domain đang sử dụng trên khắp thế giới. Vì tính phổ dụng của nó, nhiều công ty lớn tại Việt Nam sử dụng thêm tên miền này, bên cạnh các tên miền mở rộng dành cho tên miền quốc gia như ".com.vn. ".

Theo VnExpress




Bình luận

  • TTCN (0)