Mặc dù hoạt động kinh doanh chính vẫn là tập trung vào việc xây dựng các chip cho máy tính cá nhân và netbook nhưng Intel hiện đang cố gắng để có thể gia nhập vào thị trường smartphone với một số sản phẩm phần cứng hoặc phần mềm.

Cụ thể là công ty đã bỏ nhiều năm đầu tư cho việc phát triển chip tiêu thụ điện năng thấp để có thể thay thế cho chip dựa trên ARM, tuy nhiên nỗ lực của hãng đã không thành công do nhiều lí do khác nhau. Không chỉ có vậy, ở lĩnh vực phần mềm Intel cũng đã phải đón nhận thất bại với nền tảng hệ điều hành nguồn mở có tên gọi MeeGo ra mắt vào năm ngoái. Đối tượng chiến lược của Intel là Nokia đã kí kết một thỏa thuận hợp tác với Microsoft trong việc phát triển điện thoại chạy hệ điều hành Windows Phone và từ bỏ dự án MeeGo.

Việc đón nhận liên tiếp các thất bại đã khiến Intel phải quay sang phát triển một sản phẩm smartphone sử dụng chip dựa trên thiết kế SoC của riêng mình. Được mệnh danh là Medfield, chip mới nhất trong gia đình Atom là một bước tiến quan trọng cho công ty, đặc biệt là công nghệ tiết kiệm điện năng. Và TechnologyReview vừa cho biết, hiện họ đã có trong tay một trong các mẫu thử nghiệm của smartphone đầu tiên được trang bị chip Medfield có khả năng tiết kiệm điện năng này.

Theo Intel, mẫu thử nghiệm trên chỉ mang tính tham khảo và có thể được sử dụng bởi các nhà sản xuất thiết bị cầm tay, những công ty muốn sản xuất một smartphone trang bị chip di động mới nhất của hãng. Tuy nhiên, như Intel đã đề cập thì đây không phải là điều bắt buộc đối với tất cả các công ty. Hơn nữa, Phó chủ tịch nhóm kiến trúc của Intel là Stephen Smith đã khẳng định rằng smartphone đầu tiên dựa trên chip Medfield sẽ chính thức được công bố ngay trong nửa đầu năm 2012.

Nguyên mẫu smartphone chạychip Medfield được phát triển dựa trên nền tảng hệ điều hành Android Gingerbread, hỗ trợ phát video Blu-ray và hiển thị thông qua một màn hình ngoài lớn hơn.

Theo tuyên bố của Smith thì chip Medfield có một số mạch được xây dựng dựa trên kiến trúc của chính mình nên hỗ trợ duyệt web và các ứng dụng Android nhanh hơn so với thông thường.

Theo Softpedia



Bình luận

  • TTCN (0)