Một số mặt hàng laptop tăng giá do ảnh hưởng bởi giá ổ cứng.

Do ảnh hưởng lũ lụt tại Thái Lan trong thời gian vừa qua, giá ổ cứng máy tính đã tăng liên tục, có thời điểm lên gấp đôi so với thời gian trước khiến thị trường máy tính cuối năm rất ế ẩm.

Ổ cứng tăng kéo theo máy tăng giá

Do ảnh hưởng lũ lụt tại Thái Lan trong thời gian vừa qua, thị trường ổ đĩa cứng trong nước dành cho máy tính đã tăng giá nhanh chóng. Nguyên nhân chính do Thái Lan là nơi cung cấp 45% lượng ổ cứng trên toàn thế giới (số liệu 6 tháng đầu năm 2011 của IDC), trong đó hãng Westen Digital có số lượng ổ cứng máy tính của mình sản xuất tại các nhà máy ở đây lên tới 60%.

Việc thiếu nguồn cung cấp về ổ cứng khiến thị trường máy tính tại Việt Nam cũng ảnh hưởng. Theo ông Lại Văn Vẫn, Giám đốc kinh doanh của công ty Infoland (đơn vị chủ yếu kinh doanh về phụ kiện máy tính), chỉ trong thời gian ngắn ổ cứng liên tục tăng giá từ 30% đến 40%, thậm chí có thời điểm tăng giá gấp đôi so với trước đây.

Còn theo ghi nhận tại các cửa hàng bán máy tính như Thegioididong.com, Viễn Thông A, Phong Vũ hay Bách Khoa Computer... một số dòng sản phẩm laptop của các hãng như Asus, Dell, Acer, đã có mức tăng giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Ngoài ra, một số dòng máy tính để bàn được lắp ráp sẵn, hay người mua khi lắp ráp mới cũng phải bỏ ra thêm từ vài trăm, đến cả triệu đồng so với trước đây.

Đại diện các cửa hàng cho biết, việc tăng giá này chỉ diễn ra ở các dòng sản phẩm mới nhập về là chính, còn đối với các sản phẩm cũ có sẵn, mức giá vẫn được giữ nguyên, thậm chí một số sản phẩm còn giảm giá qua các chương trình khuyến mãi để kích cầu. Riêng ở lĩnh vực máy tính để bàn, bên cạnh ổ cứng, CPU hay RAM cũng có dấu hiệu tăng nhẹ, nhưng không đáng kể.

Kinh doanh ế ẩm

Mặc dù, ở thời điểm chuẩn bị vào mùa tết, rất nhiều các cửa hàng như Viễn Thông A, Thegioididong.com, Dienmay.com, Infoland... đều đưa ra các hình thức khuyến mãi, sản phẩm giá tốt để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, theo ghi nhận cũng như trả lời từ đại diện của các cửa hàng, năm nay nền kinh tế khó khăn nên thị trường hiện tại tiêu thụ rất chậm, sức mua của người dùng ở thời điểm cuối năm dành cho máy tính là rất ít.

Ông Lại Văn Vẫn cho biết, các mặt hàng máy tính đến thời điểm này đều bị ngâm khá lâu trong các cửa hàng. Tình hình kinh doanh rất ảm đạm và người mua thưa thớt. Mặt hàng laptop thỉnh thoảng còn bán được, còn máy tính để bàn rất ít người quan tâm. Nhìn chung, đây là một năm khó khăn của những người kinh doanh mặt hàng máy tính.

Theo một nhân viên bán hàng tại cửa hàng Phong Vũ, so với trước đây, người mua các sản phẩm máy tính hiện tại có giảm đáng kể, đa số khách hàng bây giờ cũng chọn laptop là chính, còn máy tính để bàn rất ít người hỏi đến. Nhìn lại cùng thời điểm năm ngoái, năm nay việc kinh doanh ngành hàng máy tính không thể sánh bằng.

Anh Lâm Trí Dũng, phụ trách kĩ thuật của một công ty Tin học tại TP. HCM cũng cho biết, không những việc kinh doanh của các cửa hàng bán sản phẩm chậm, ảm đạm, mà ngay cả các công ty chuyên làm dịch vụ về máy tính như công ty anh cũng rơi vào tình trạng ế ẩm.

“Thời điểm này ở các năm trước, các dịch vụ như sửa chữa, vệ sinh, tân trang laptop, trang trí... rất phát triển do người mua muốn làm mới chiếc máy của mình để cho sành điệu hơn. Nhưng năm nay, hầu như không có nhiều người quan tâm đến việc này, khiến cho việc kinh doanh không khởi sắc”, anh Dũng cho biết thêm.

Theo nghiên cứu thị trường của IDC, tình trạng thiếu ổ cứng vẫn sẽ tiếp tục kéo dài cho đến quý I/2012, tuy nhiên các thị trường sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì lượng ổ cứng tồn kho vẫn đủ và ngành sản xuất này đang có dấu hiệu hồi phục. Có điều, để thị trường máy tính đi vào ổn định về giá lẫn số lượng, nhiều khả năng phải chờ đến 6 tháng cuối năm 2012.

Mặc dù, ở thời điểm chuẩn bị vào mùa tết, rất nhiều các cửa hàng như Viễn Thông A, Thegioididong.com, Dienmay.com, Infoland. .. đều đưa ra các hình thức khuyến mãi để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, thị trường hiện tại tiêu thụ rất chậm, sức mua của người dùng ở thời điểm cuối năm dành cho máy tính là rất ít.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)