Người dùng điện thoại di động cẩn thận với những nội dung: “Năm mới sắp tới, mình gửi tặng bạn 1 món quà từ HT http://svonline... hi vọng bạn thích và hiểu được tình cảm mình dành cho bạn…”

Theo thông tin từ BKAV, mới đây BKAV phát hiện trên hệ thống cảnh báo vi rút của mình hacker phát tán tin nhắn rác kèm đường link chứa trojan trên điện thoại di động. Loại trojan này lần đầu tiên xuất hiện trên điện thoại di động tại Việt Nam.

Người dùng di động không nên vội bấm vào những đường link có nội dung “Năm mới sắp tới, mình gửi tặng bạn 1 món quà từ HT http://svonline. .. hi vọng bạn thích và hiểu được tình cảm mình dành cho bạn…” gửi vào di động của bạn. Đây có thể là link độc hại do hacker gửi tới. Nếu bấm vào những đường link này, trojan được tải về và cài đặt vào điện thoại của người dùng. Chương trình sẽ tự động gửi tin nhắn đến một đầu số dịch vụ hacker đã đăng kí với nhà mạng và tài khoản trên điện thoại di động của người dùng bị trừ tiền.

Phát tán tin nhắn rác kèm đường link độc hại trước nay chủ yếu hướng tới người sử dụng máy tính. Tuy nhiên, với xu hướng người dùng truy cập Internet trên di động ngày càng nhiều, hacker đã mở rộng tấn công đối tượng sử dụng này. Do vậy, người sử dụng nên đề cao cảnh giác, không bấm vào các đường link chưa rõ nguồn gốc. Nên sử dụng phần mềm diệt vi rút dành riêng cho điện thoại di động để được bảo vệ toàn diện.

Bên cạnh các hình thức phát tán dưới dạng tin nhắn SMS, các hacker còn dùng những phương pháp khác như gửi qua chức năng chat trên Facebook hoặc Yahoo Messenger. Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Bkav, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện loại vi rút này. Khi máy tính nhiễm virus này, các đường link chứa vi rút sẽ được tự động gửi tới danh sách bạn bè của nạn nhân khi chat. Người dùng bấm vào các đường link này, mã độc sẽ được tải về máy mặc dù trên đường link lại thể hiện là một file ảnh. JPG. Do đó, không chỉ riêng máy tính, các smartphone dùng Facebook hoặc Yahoo Messenger cũng có nguy cơ nhiễm loại vi rút này.

Các hình thức phát tán tin nhắn rác kèm link độc hại thường có những dạng tặng quà, mời tham gia một sự kiện, trang web hoặc trò chơi nào đó, ngoài ra còn mạo danh người thân cần giúp đỡ. Trong những trường hợp như vậy, người dùng nên trực tiếp liên lạc với người gửi tin nhắn, nếu không biết người gửi là ai thì tốt nhất là xóa tin nhắn đó đi.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)