Năm 2011 đã trôi qua khá trầm lắng trên thị trường CNTT Việt Nam. Bối cảnh kinh tế khó khăn đã để lại dấu ấn sâu sắc trong bức tranh toàn cảnh. Điểm sáng đáng chú ý nhất có lẽ là người dân nông thôn đã có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn tới Internet và laptop, smarphone 3G giá rẻ.
Hội chứng “đám mây”
Mặc dù bối cảnh kinh tế trong năm 2011 rất khó khăn và đầy thách thức, song các doanh nghiệp phần mềm và gia công Việt vẫn cho thấy khả năng xoay xở, ứng biến nhanh nhạy và duy trì được đà tăng trưởng của mình. Đa số các công ty tại Công viên phần mềm Quang Trung và các doanh nghiệp gia công thô cho thị trường nước ngoài đều đạt mức tăng trưởng từ 3-4%. “Tại thời điểm khó khăn như hiện nay mà mức tăng trưởng như vậy là rất tốt”, một đại diện của IDG cho biết.
Một số doanh nghiệp phần mềm nội địa như CloudSME, Vietsoftware... cũng can đảm thử sức trong lĩnh vực điện toán đám mây, sẵn sàng cạnh tranh với những tên tuổi lớn, đa quốc gia như Microsoft, IBM. … cho thấy triển vọng của điện toán đám mây tại Việt Nam là khá sáng sủa, nhờ những ưu điểm như sản phẩm linh hoạt, giá mềm, tính tùy biến nội địa cao.
Tuy nhiên dường như nhiều đơn vị, cơ quan tổ chức tại Việt Nam vẫn nhìn nhận điện toán đám mây như một công nghệ tối tân dành cho các khách hàng cao cấp. Trong khi bản chất của giải pháp điện toán đám mây là để đáp ứng cho các khách hàng chưa có đủ điều kiện triển khai hệ thống máy chủ dịch vụ và cơ sở dữ liệu riêng, cho phép họ đưa toàn bộ dữ liệu lên “đám mây” và sử dụng dịch vụ/dữ liệu của mình qua kết nối Internet từ bất kì đâu. Trên thế giới, nhiều tổ chức cũng từng kì vọng "đám mây" sẽ mang đến nhiều thay đổi, nhưng thực tế lại khiến họ khá thất vọng.
Do đó, cuộc đua về “điện toán đám mây” ở Việt Nam vẫn mới nhắm đến mục tiêu thể hiện khả năng ứng dụng công nghệ cao, giống như trước đây các doanh nghiệp Việt Nam thi nhau lấy chứng chỉ ISO, chứ chưa phải vì mục tiêu công việc thực sự.
Phần cứng ảm đạm
Trái ngược với thị trường phần mềm và dịch vụ, phân khúc phần cứng trong năm qua lại tiếp tục ảm đạm, tẻ nhạt và không có được dấu ấn nào rõ nét. Tương tự, lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực CNTT cũng chưa có được sự đột phá hay khai thông nào. Các Hội thảo diễn ra trong năm liên quan đến chủ đề này vẫn tiếp tục loay hoay nêu nút thắt nan giải về con người nhưng vẫn chưa tìm ra được cách nào gỡ nút.
Theo ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo “Lãnh Đạo Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam 2011” diễn ra 06/2011 tại Hà Nội, thì vấn đề mấu chốt chính là việc quy trình đào tạo tại Việt Nam đang đi ngược chiều với quy luật thị trường. “Ở nước ngoài, đầu vào rất dễ nhưng đầu ra lại cực khó. Sinh viên đã tốt nghiệp được là có thể làm việc được ngay và thích ứng rất nhanh với môi trường thực tế. Nhưng ở VN thì hoàn toàn ngược lại: đầu vào tuyển sinh quá đỗi ngặt nghèo nhưng đầu ra lại bị buông lỏng: hễ đậu được Đại học là tốt nghiệp được. Hậu quả là sinh viên ra trường nhưng vào Doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại”.
Dự án công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam đổ bể
Tháng 11/2011, UBND TP. HCM đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Công viên Phần mềm Thủ Thiêm của chủ đầu tư là Công ty TA Associates Việt Nam.
Sau lễ khởi công dự án hoành tráng vào ngày 19-7-2008, dự án công viên phần mềm được xem lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 1,2 tỉ USD, dự kiến tạo việc làm cho 40.000 công nhân trong giai đoạn xây dựng và 70.000 chuyên viên, kĩ sư công nghệ thông tin khi hoạt động từ năm 2012 đã gần như không nhúc nhích.
Sau hơn ba năm TP. HCM đã kiên trì tạo cơ hội và điều kiện cho Công ty TA thực hiện dự án nhưng công ty vẫn kéo dài thời gian, không thực hiện các cam kết theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp, tiếp tục đề nghị xem xét các kiến nghị không phù hợp với cam kết khi đăng kí cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đây cũng là những lí do khiến lãnh đạo UBND TP thống nhất áp dụng biện pháp thu hồi dự án đối với Công ty TA.
Triển lãm đìu hiu, giải thưởng CNTT thoái trào
Hoạt động quanh năm của các doanh nghiệp trầm lắng nên các kì Triển lãm – Hội thảo thường niên, nơi thể hiện phong độ hiện tại và bộ mặt của ngành công nghệ nội địa cũng cho thấy sự đi xuống rõ nét. Rất nhiều triển lãm quy mô lớn của các năm trước đã bị thu hẹp lại, chỉ còn diễn ra trong khuôn viên tiền sảnh của một khách sạn với lượng khách tham quan thưa thớt.
Ngay như Vietnam Comm 2011, một trong những Triển lãm công nghệ lớn nhất năm cũng thể hiện sự đuối sức. Năm nay, chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt tham gia như VNPT, VTC… với diện tích trưng bày khiêm tốn. Các gian hàng lớn được trang hoàng hoành tráng và tọa lạc ở các khu vực trung tâm lại thuộc về những thương hiệu Trung Quốc như Huawei, ZTE….
Hàng loạt thương hiệu điện tử quốc tế nổi tiếng như Samsung, LG Electronics, HTC…đều vắng mặt. Nhưng đáng nói hơn, rất nhiều sản phẩm như smartphone và máy tính bảng được trưng bày tại Vietnam Comm lại có thiết kế na ná, từa tựa như sản phẩm của họ, khiến người xem cảm giác như đang vào một chợ hàng nhái.
Sau quyết định của Thủ tướng về việc chấn chỉnh lại các giải thưởng Quốc gia và quy định mới về việc các giải thưởng cấp Quốc gia chỉ được tổ chức ba năm một lần, số lượng giải thưởng, danh hiệu liên quan đến lĩnh vực CNTT năm qua đã được rút xuống đáng kể. Chỉ còn lại một số giải thưởng lớn như Nhân tài Đất Việt, Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam (VICTA 2011)… được trao, nhưng một lần nữa, Nhân tài Đất Việt lại không thể tìm được gương mặt nổi trội nhất để trao giải Nhất.
Internet về thôn làng nhiều hơn
Bất chấp sự siết chặt về ngân sách đầu tư công nói chung, các chương trình về đưa Internet băng rộng và phổ cập máy tính tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trường học. .. vẫn được tích cực triển khai trong năm 2011. Theo đề án Phát triển và hoàn thiện Hạ tầng viễn thông và CNTT, băng rộng là một trong 6 mục tiêu lớn mà Việt Nam cần đạt được từ nay đến năm 2020, như một tiền đề của Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT" đãđược Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại các cuộc Hội thảo diễn ra trong năm, Bộ TT&TT đều cam kết sẽ chú trọng xây dựng các chính sách và giải pháp để phát triển viễn thông, CNTT nông thôn, tạo điều kiện cho mọi người dân đều được tiếp cận công nghệ mới, tránh tình trạng CNTT trở thành đặc quyền của một số ít người dân thành thị.
Đại diện quỹ Bill & Melinda Gates cũng khẳng định, Internet và công nghệ đang thay đổi cuộc sống của rất nhiều người dân nông thôn VN, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Chương trình thí điểm từ năm 2008-2011 của dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại VN” do Quỹ này và Bộ TT&TT phối hợp triển khai tại ba tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An và Trà Vinh đã tạo được hiệu ứng xã hội tích cực.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho dự án được mở rộng ra 40 tỉnh khó khăn tại Việt Nam. Thời gian thực hiện là 5 năm (2011-2016) với tổng kinh phí lên tới hơn 50,5 triệu USD. Người dân sẽ được miễn phí 100% khi đến sử dụng Internet tại 1500 điểm bưu điện văn hóa xã và 400 điểm thư viện công cộng trong thời gian tới. Dự kiến sau 5 năm, sẽ có thêm khoảng 760.000 người nông thôn được sử dụng máy tính và Internet.
Song song với những nỗ lực về mặt chính sách từ phía cơ quan quản lí, nhiều doanh nghiệp cũng giới thiệu các sáng kiến về sản phẩm giá rẻ để người dân dễ tiếp cận với công nghệ hơn. Tập đoàn Viettel hiện đang phát triển mẫu điện thoại 3G giá rẻ đầu tiên với mức giá dự kiến khoảng 2,1 triệu VND và những dòng máy tính xách tay giá dưới 200 USD. Ngoài ra tập đoàn này còn có kế hoạch phát triển máy tính bảng notepad với giá bán dưới 100 USD.
Nhìn lại ngành CNTT năm 2011, trong bức tranh khá ảm đạm vì bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, điểm sáng đáng kể hơn cả chính là việc người dân nông thôn đang có cơ hội được tiếp cận Internet và máy tính nhiều hơn bao giờ hết.
Theo VietNamNet
Bình luận