SMS banking được sử dụng ở VN chủ yếu không phải để thanh toán mà chỉ là kiểm tra số dư tài khoản, sao kê, giao dịch... Ảnh: Hoàng Hà.

Nếu người sử dụng Internet banking ở Việt Nam có thể chuyển tiền, hoặc thanh toán hóa đơn hàng trăm triệu đồng một ngày thì với điện thoại, con số được chấp nhận thấp hơn nhiều lần. Mobile banking mới phổ biến ở tin nhắn SMS với các dịch vụ đơn giản.

2007 được đánh giá là năm khởi sắc của thanh toán điện tử Việt Nam với sự ra đời của một số doanh nghiệp và liên minh thanh toán như VinaPay, VietPay, liên minh PayNet kèm theo các dịch vụ MrTopup, ePos... Cùng với đó, chiếc điện thoại di động cũng được kỳ vọng sẽ trở thành "ví điện tử" trong một môi trường thanh toán, giao dịch phi tiền mặt. Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định viễn cảnh đó không nằm ở 1-2 năm tới, dù có thể 2008 sẽ chứng kiến nhiều bước tiến đáng kể trong thanh toán bằng điện thoại di động.

Hầu hết giao dịch bằng... nhắn tin

Việc thanh toán bằng điện thoại có thể được thực hiện dưới hai hình thức: khấu trừ vào chính tài khoản của điện thoại di động hoặc chi trả bằng tài khoản ngân hàng.

Hiện tại ở Việt Nam, loại hàng hóa được chi trả bằng tài khoản di động chủ yếu là các sản phẩm số hóa như: thẻ game, phần mềm game chạy trên điện thoại di động, nhạc chuông (ringtone), logo, nhạc nền... Giá trị mỗi tin nhắn theo các mã hàng này chỉ từ 2.000 đồng đến nhiều nhất là 15.000 đồng.

Còn việc thanh toán hay chuyển tiền bằng tài khoản ngân hàng qua điện thoại chỉ "đếm trên đầu ngón tay" bởi lẽ không có mấy ngân hàng cung cấp dịch vụ này. Nếu có thì hình thức đưa ra cũng khá dè dặt. Đơn cử như Đông Á, một trong số ít nhà băng cho phép sử dụng điện thoại nhắn tin chuyển khoản, nhưng chỉ chấp nhận mức tối đa là 2 triệu đồng trong một ngày. "Tin nhắn dạng text rất khó để bảo mật. Chúng tôi quy định hạn mức như vậy là để đảm bảo an ninh cho khách hàng của mình", ông Võ Ngọc Thanh Phương, Trưởng phòng ngân hàng điện tử của Đông Á, cho biết.

Mới đây, người sử dụng Internet của Công ty FPT Telecom có tài khoản ở ngân hàng Techcombank cũng đã có thể trả hóa đơn ADSL bằng SMS. Tuy nhiên, số lượng khách hàng lựa chọn phương thức thanh toán này cũng không nhiều so với những kiểu trả tiền khác. Trong khi đó, các ngân hàng cũng thừa nhận chưa thể mở rộng dịch vụ thanh toán cho những chi phí khác vốn gắn liền với đời sống người dân như điện, nước, gas... "Đó là bài toán vô cùng phức tạp vì nó đòi hỏi sự đồng nhất của mọi yếu tố: ý thức, công nghệ, con người, đối tác...", lãnh đạo một ngân hàng thương mại bình luận.

Tiện mà chưa thuận

Anh Minh, ở Hà Nội, là thuê bao ADSL của FPT Telecom và sở hữu một tài khoản Connect 24h của Vietcombank. Khi nhà cung cấp Internet chấp nhận việc trả tiền cước bằng SMS thông qua Techcombank, anh cũng muốn sử dụng nhưng nghĩ đến việc phải mở thêm một tài khoản ở ngân hàng khác thì hơi ngần ngừ. Tìm hiểu thêm quy trình đăng ký hình thức thanh toán này, Minh quyết định sẽ vẫn trả cước Internet bằng ATM của Vietcombank như mọi khi. Nhiều người cũng giống anh Minh cho rằng các giao dịch với SMS banking còn phức tạp, phải nhớ cú pháp, quy định nhập mật mã và những nội dung SMS dễ bị lộ. Trong khi ở nhiều nước phát triển khách hàng có thể thực hiện giao dịch trên điện thoại di động dễ dàng, nhanh chóng thông qua ứng dụng được cài sẵn trên máy hoặc sim.

Việc thanh toán, chi trả hóa đơn bằng máy đầu cuối cầm tay là rất tiện lợi cho mọi người, nhưng có nhiều nguyên nhân khiến người tiêu dùng có cảm giác khó khăn khi tiếp cận. Bà Nguyễn Hương Giang, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty VinaPay, nhận định: "Có hai vấn đề khiến thanh toán trên điện thoại di động chưa phổ biến tại VN. Đó là hạ tầng cơ sở công nghệ chưa sẵn sàng và nhận thức của người dân về lĩnh vực này cũng chưa cao. Mọi người chưa thể rời bỏ ngay thói quen sử dụng tiền mặt để tiếp nhận những tiện ích của thanh toán di động".

Ông Võ Ngọc Thanh Phương của ngân hàng Đông Á cũng cho rằng một trong những vấn đề khiến mobile banking trong nước chưa phát triển là thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên: ngân hàng, công ty viễn thông và doanh nghiệp sản xuất điện thoại. "Ở nước ngoài, ngân hàng hợp tác với công ty viễn thông để tích hợp ứng dụng của mình trên sim điện thoại di động hoặc đặt hàng các hãng sản xuất thiết bị đầu cuối có sẵn tính năng thực hiện giao dịch ngân hàng (trong menu hoặc có nút chức năng riêng). Điều này giúp cho người dân tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ thanh toán trên máy di động", ông Phương nói.

Còn một thực tế nữa là các công ty viễn thông trong nước chưa thống nhất được chuẩn truyền thông (SMS, GPRS....) để phục vụ các mục đích thanh toán. Vì thế một tiện ích có thể thực hiện được với nhà cung cấp này thì lại "không khớp" nhà cung cấp kia.

Điện thoại di động sẽ thành "ví điện tử" khi có... 3G

Một số nhà chuyên môn dự báo, trong năm 2008, việc sử dụng tin nhắn SMS có mã hóa sẽ phổ biến. Vietcombank có kế hoạch đưa ra các ứng dụng như thanh toán hóa đơn cho nhiều loại dịch vụ khác nhau. Công ty chứng khoán Tân Việc đang triển khai hệ thống giúp khách hàng ra lệnh mua bán chứng khoán. Việc đặt lệnh topup (nạp) tài khoản điện thoại di động cũng được dự đoán là sẽ thu hút được nhiều người dùng. Công ty VinaPay đặt mục tiêu từ 1 đến 2 tháng tới mở rộng cộng đồng sử dụng cũng như phạm vi dịch vụ với cước taxi, vé tầu, xe... Ngân hàng Đông Á thì tiết lộ rằng trong tháng 1/2008 sẽ cung cấp dịch vụ chuyển khoản qua GPRS với hạn mức lên tới vài trăm triệu đồng trong một ngày.

Giới phân tích nhận định đó là những tín hiệu đáng mừng để người dân quen dần với việc sử dụng điện thoại di động làm công cụ thanh toán, giống như sự phát triển các dịch vụ trên ATM trước đây. Còn điện thoại di động có trở thành "ví điện tử" hay không phải phụ thuộc vào công nghệ di động. Khi nào các nhà cung cấp điện thoại di động chuyển lên mạng 3G thì khả năng đó mới có.

Theo VnExpress



Bình luận

  • TTCN (0)