Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu tại Hội thảo.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo Quốc gia về Đào tạo nguồn nhân lực Công nghệ thông tin & truyền thông đáp ứng nhu cầu xã hội diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.

Theo Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, chỉ tính riêng 5 công ty lớn của thế giới như Intel, Renesas, Campal, Samsung, Foxcon đã quyết định đầu tư gần 10 tỷ USD vào Việt Nam để thiết kế và sản xuất vi mạch, máy tính, điện thoại di động, thiết bị viễn thông…Hoạt động này đã mở ra một làn sóng đầu tư mới vào nước ta để sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ chất lượng cao về CNTT .

Tuy nhiên, lo lắng của các nhà đầu tư là tìm đủ nguồn năng lực đáp ứng được nhu cầu của họ với chi phí lao động thấp hơn các nước khác. Trong khi thực tế, hệ thống đào tạo nguồn nhân lực CNTT của ta hiện nay chưa thực sự đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và các doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên báo chí, Phó Thủ tướng mong muốn báo chí theo dõi sát các sự kiện liên quan theo dõi tiến trình phát triển của CNTT để đạt được mục tiêu đến năm 2010, kêu gọi được sự hưởng ứng của cả nước để chúng ta đạt được mục tiêu này.

Trả lời phóng viên báo chí về mục tiêu quan trọng nhất của ngành CNTT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho biết: “Trong giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2010 và tiến tới tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển 2010- 2015 trong lĩnh vực CNTT, tôi nghĩ chúng ta cần đi nhanh, bắt kịp xu hướng phát triển của khu vực và thế giới. Chúng ta so sánh mình với ngày hôm qua là rất tốt, so sánh với chính mình là rất quý, nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải dám so sánh mình với thế giới. Có như vậy chúng ta mới có động lực để có những bước chuyển mình nhanh hơn, phát triển kinh tế , đẩy mạnh tiến bộ xã hội bắt đầu từ nền tảng ứng dụng CNTT trong cả nước và phát huy những lợi thế của CNTT”

Theo ông Hợp, để làm được điều đó, chúng ta phải phát triển hệ thống giáo dục đào tạo nguồn nhân lực CNTT đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Giảm dần tình trạng phổ biến hiện nay là hầu hết nhân lực CNTT vào các Công ty lớn, công ty nước ngoài hiện nay đều phải đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Đó cũng là cách chúng ta phát triển sức cạnh tranh của thị trường CNTT Việt Nam, khẳng định thương hiệu trí tuệ Việt Nam với thế giới.

Theo Khánh Hiền - Dân trí



Bình luận

  • TTCN (0)