Cha mẹ nên dành thời gian hướng dẫn con trẻ cách đảm bảo an toàn khi sử dụng Internet, nhất là việc chia sẻ thông tin qua mạng.

Không chỉ là mã độc hay game bạo lực, những hiểm họa còn đến từ thông tin các em vô tình cung cấp trên mạng xã hội, phần mềm chat…

Ngày càng có nhiều bậc cha, mẹ cho phép con em sử dụng các thiết bị số như: điện thoại, máy tính bảng... Các em rất nhanh nhẹn khi học cách sử dụng các thiết bị này. Tuy nhiên, sẽ rất nguy hại khi trẻ được sử dụng các thiết bị thông minh và kết nối mạng nhưng lại không được hướng dẫn cách đảm bảo an toàn trong thế giới trực tuyến.

Nguy cơ đến từ sự hồn nhiên

Theo ông Kuek yu Chuang, Giám đốc Yahoo khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hiện có khoảng 23% dân số Việt Nam được sử dụng Internet, trong đó có đến 6,8 triệu người/tháng sử dụng các dịch vụ của Yahoo (chủ yếu là mail và Yahoo Messenger). Thế nhưng phần lớn các em, trong đó có nhiều học sinh, đều không được giáo dục một cách căn bản cách lên mạng sao cho an toàn.

Cũng theo Kuek, do thiếu các kiến thức phòng ngừa căn bản mà người dùng có thể vô tình biến những thông tin chia sẻ trên mạng thành miếng mồi dụ kẻ xấu.

Những thông tin thường bị kẻ xấu để ý:
  • Tên tài khoản (thường gọi là nick, username hay ID): Theo ông Kuek, tên truy nhập thường cho biết điều gì đó về chủ nhân, thậm chí nhiều trẻ em dùng tên thật. Kẻ xấu có thể lợi dụng điều này để bắt chuyện và vờ như quen biết.
  • Profile: Có thể cho người khác biết về độ tuổi, chỗ ở, trường học…
  • Status: Cho biết tình trạng của người dùng. Chẳng hạn, trẻ em đặt dòng status “Ở nhà một mình buồn quá” sẽ khiến kẻ xấu tò mò. Chúng có thể lần mò vào Profile để tìm kiếm thêm các thông tin và rất có thể chúng sẽ kiếm được địa chỉ nhà của trẻ.

Khi trẻ lướt net có thể gặp phải rất nhiều những quảng cáo, các liên kết nhấp nháy mời gọi tham gia những trò chơi miễn phí hay đố vui có thưởng… Nếu nhấp chuột vào các đường link, các liên kết này, phần mềm độc hại sẽ có cơ hội được tải về máy, gây nguy hại đến dữ liệu đang được lưu. Thậm chí, đã có trường hợp cha, mẹ cho con sử dụng thẻ ATM, thẻ Visa để mua hàng hóa trên mạng. Các phần mềm độc hại có thể lấy cắp mật khẩu của những loại thẻ này.

Có rất nhiều nguy cơ và phụ huynh sẽ cảm thấy thật khó để theo sát lũ trẻ cả ngày và kiểm soát chúng trong khi trẻ em có thể truy cập Internet ở mọi nơi (trường học, quán net, ở nhà…).

Hướng dẫn trẻ truy nhập Internet an toàn!

Đó là lời khuyên của các chuyên gia. Thay vì ngăn cấm trẻ em giao tiếp với bất kì ai trên mạng, hãy dạy chúng cách ứng phó an toàn khi tham gia mạng xã hội hay chơi cùng bạn bè trong mạng. Con trẻ cần được người lớn hướng dẫn cách giao tiếp, những thông tin không được chia sẻ, những lời mời chào bất thường không nên trả lời để phòng tránh những hậu quả xấu trong đời thực.

Người lớn vẫn có lúc bị lừa bởi các cuộc nói chuyện không nhìn thấy mặt nhau trên mạng. Trong trường hợp bạn chat mới quen đề nghị mượn tiền, mượn chìa khóa… bạn sẽ làm gì? Và liệu con bạn có biết cách để ứng phó với những tình huống này?

Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ không nên đưa những thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ nhà hay email cho người lạ, và đừng bao giờ mở những email không rõ nguồn gốc bởi chúng có thể chứa virus và malware độc hại. Mặt khác phụ huynh nên cài đặt các phần mềm an ninh bảo mật giúp phát hiện và ngăn chặn những mã độc xâm nhập vào máy tính.

Theo Effendy Ibrahim, Công ty Symantec, phụ huynh nên thường xuyên cập nhật thông tin về nguy cơ an ninh bảo mật, các công nghệ phòng ngừa và hướng dẫn con mình những kinh nghiệm mà họ có.

Ông Kuek thì khuyên rằng mọi thông tin đưa lên mạng đều nên được cân nhắc trước khi chia sẻ. Phụ huynh hãy hướng dẫn trẻ em cẩn thận ngay từ khi tạo tên truy nhập, tốt nhất nên loại bỏ các thông tin cá nhân như: họ tên, địa chỉ, tên công ty hay trường học, tên người thân trong gia đinh, số điện thoại.

Ông Nguyễn Minh Đức, công ty BKAV bổ sung: khi gặp các yêu cầu lạ (như hỏi mượn tiền, mượn mật khẩu, …), trẻ em nên tham khảo ý kiến cha, mẹ. Phụ huynh cũng nên hướng dẫn con trẻ dùng nhiều biện pháp khác nhau để xác nhận bạn bè của trẻ trước khi chat, chẳng hạn gọi điện, gặp trực tiếp…

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)