VNPT vẫn là doanh nghiệp chủ đạo trong ngành Bưu chính, Viễn thông và CNTT. Ảnh: Thuỷ Nguyên (VnMedia) -.

Diễn ra trọn vẹn một ngày, hôm qua, 11/1, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai công tác năm 2007 và chương trình công tác năm 2008 tại Nhà Hát lớn Hà Nội. Dù có khá nhiều biến động, đặc biệt là việc sáp nhập thêm lĩnh vực quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản song Bộ Thông tin và Truyền thông đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.


Viễn thông và Internet: động lực tăng trưởng chính

Theo báo cáo của Bộ, lĩnh vực phát triển là dịch vụ viễn thông và Internet vẫn là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành trong năm 2007. Với sự tăng trưởng mạnh, năm 2007 Việt Nam đã phát triển mới 19,52 triệu máy điện thoại, bằng 168% so với cùng kỳ năm 2006, nâng tổng số máy điện thoại lên 46,94 triệu thuê bao, đạt mật độ 55,22 máy/100 dân (trong khi năm 2006 là 32,57 máy/100 dân). Năm 2007 cũng là năm toàn ngành quyết tâm phấn đấu nâng cao chất lượng mạng lưới, dịch vụ và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ bưu chính, viễn thông kể cả ở thành thị và nông thôn.

Đóng góp vào những thành công của ngành viễn thông, Internet, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT được đánh giá vẫn là một doanh nghiệp chủ đạo. Tổng doanh thu của VNPT trong năm 2007 đạt 45.300 tỷ đồng, vượt 3,61% kế hoạch, nộp ngân sách 6.917 tỷ, vượt 5,64% kế hoạch, tăng 12,78% so với năm 2006. Số điện thoại phát triển mới trong năm 2007 của VNPT là 9,88 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao trên mạng lên 27,8 triệu máy. Số lượng thuê bao MegaVNN phát triển mới 514.000 số, tăng 340,6% so với năm 2006. Hiện tổng số thuê bao MegaVNN của VNPT đã đạt 740.000 thuê bao.

Đứng thứ hai về phát triển viễn thông, Internet là Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel. Với số lượng thuê bao phát triển mạnh, góp phần tích cực trong việc phát triển, mở rộng giảm giá và đa dạng hoá thị trường Bưu chính, Viễn thông, năm 2007 Viettel đã có trong tay 5,9 triệu thuê bao điện thoại, nâng tổng số thuê bao trên toàn mạng đạt 15,31 triệu máy, trong đó hơn 10 triệu là thuê bao di động. Tổng doanh thu của Viettel trong năm 2007 là 16.468 tỷ đồng, tăng 152% so với năm 2006...

Cùng với viễn thông, lĩnh vực CNTT cũng đã có nhiều chuyển biến và phát triển với năng suất, hiệu quả cao. Doanh thu công nghiệp điện tử, thiết bị viễn thông đạt 2.460 triệu USD, tăng 17% so với năm 2006, tạo việc làm cho 297 ngàn lao động. Công nghiệp phần cứng tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng 25%/năm, doanh thu đạt 620 triệu USD, tạo việc làm cho 87 ngàn lao động. Công nghiệp phần mềm và dịch vụ phần mềm đạt 498 triệu USD, tăng 43%, tạo việc làm cho 48 ngàn lao động với doanh số phát triển phần mềm và dịch vụ đạt 180 triệu USD. Công nghiệp nội dung số đạt 180 triệu USD, tăng 58% và tạo việc làm cho 32 ngàn lao động, năng suất bình quân hơn 10.000 USD/người/năm.

2008: Ngành sẽ còn bứt phá hơn nữa!

Đánh giá về những thành công này của ngành trong năm 2007, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã nhấn mạnh tới 10 nhiệm vụ quan trọng nhất được hoàn thành trong đó có việc sáp nhập thêm hai lĩnh vực báo chí và xuất bản vào cùng bưu chính, viễn thông và CNTT một cách nhanh nhất với tinh thần hợp tác tốt nhất; Nhờ làm tốt chức năng hướng dẫn và chỉ đạo cơ sở, ngành đạt những kết quả đáng thuyết phục: số tăng thuê bao đthoại tăng 19.5 triệu, gần bằng ½ số lượng phát triển những trước đó; Tất cả những gì định hướng cho năm 2008 ngành đã đón đầu trong năm 2007, mục tiêu quản lý nhà nước, 7 trọng điểm, 24 lĩnh vực đã xong;... Đặc biệt, rất tự tin trong quan hệ hợp tác quốc tế, với đặc thù là một bộ mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực nên Bộ trưởng tin tưởng chắc chắn 2008 ngành sẽ còn có thể bứt phá hơn nữa.

Tuy nhiên, đứng trước những phương hướng, nhiệm vụ đề ra của năm 2008, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng đã xác định có nhiều lĩnh vực ngành sẽ phải tăng tốc phát triển hơn nữa với chỉ tiêu tăng trưởng trên 150% so với năm 2007. Ngành sẽ phải chú trọng tới 6 lĩnh vực cụ thể:

Thứ nhất, tăng tốc về điện thoại và Internet, làm sao phải có chính sách cụ thể để sự tăng trưởng này không chỉ nhanh mà còn bền vững; Thứ hai, tăng cường quản lý báo chí, xuất bản bằng các quy chế, luật lệ; Thứ ba, tăng nhanh ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước; thứ tư, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ phần mềm; Thứ năm, tăng cường cải cách hành chính và phân cấp, thực hiện chủ trương đối thoại thường xuyên với nhân dân; thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế.

Bên cạnh với 6 lĩnh vực cần có sự phát triển lớn này, Bộ trưởng cũng đề ra mục tiêu 2008 là năm ngành Bưu chính sẽ giảm dần bù lỗ để Bưu chính hoạt động có hiệu quả, tăng cao tính cạnh tranh, sớm có lãi.

(Theo Thuỷ Nguyên-VnMedia)



Bình luận

  • TTCN (0)