Apple đang chịu nhiều sức ép vì những cáo buộc xem nhẹ quyền lợi của công nhân.

Hàng ngàn người sở hữu iPhone đang lên kế hoạch tập trung tại các trụ sở chính và cửa hàng của Apple để phản đối việc hãng này và Foxconn, xem nhẹ tính mạng của công nhân làm việc tại Foxconn.

Theo đó, vào lúc 10 giờ sáng ngày thứ 5, những người phản đối sẽ tập trung lại bên ngoài trụ sở chính của Apple tại Cupertino và các cửa hàng Apple Store trên khắp thế giới, bao gồm tại Washington DC, New York, San Francisco, London, Sydney và Bangalore.

Mục đích của cuộc biểu tình phản đối chống iPhone này là đưa ra những kiến nghị, kèm theo chữ kí của hơn 250 ngàn người, yêu cầu Apple và Foxconn phải có chiến lược để bảo vệ quyền lợi của công nhân lắp ráp iPhone, iPad tại các nhà máy của Foxconn ở Trung Quốc.

Trong số những người tham gia kí tên để phản đối Apple, hơn 1/2 số người đang sở hữu ít nhất một sản phẩm của Apple. Bằng cách tập trung trước đại bản doanh và các cửa hàng của Apple, những người biểu tình tin rằng họ sẽ đại diện cho tiếng nói của tất cả các khách hàng của Apple.

“Bản thân tôi đang sử dụng iPhone, và tôi rất yêu nó. Nhưng tôi không đồng ý với việc Apple kiếm hàng tỉ USD từ khách hàng, nhưng lại không làm gì để bảo vệ những người đang tạo ra nó” - Taren Stinebrickner-Kauffman, người đứng ra phát động cuộc biểu tình chống lại Apple này cho biết.

“Là những người sử dụng sản phẩm của Apple, chúng tôi không muốn đồng lõa với những hành vi sai trái của hãng. Hàng chục công nhân đã chết, có những lao động chỉ là trẻ em, tiếp xúc với chất độc hại hàng ngày và phải chịu sự bóc lột lao động… đó là những gì mà các công nhân sản xuất iPhone đang phải đối mặt để làm nên khối tài sản khổng lồ cho Apple” - Strinebrickner-Kauffman cho biết thêm.

Thực chất, vấn đề về các vụ tự tử và các điều kiện làm việc nghèo nàn của công nhân tại các nhà máy Foxconn không phải là vấn đề quá mới lạ, tuy nhiên, một sự quan tâm về vấn đề này thực sự bùng phát lên sau khi hãng tin PRI đã có bài phóng sự với tiêu đề “Cuộc sống của người Mỹ”, được phát rộng rãi trên khắp nước Mỹ, nói về điều kiện làm việc tại các xưởng sản xuất của Apple, với sự xuất hiện của cả thanh thiếu niên, làm việc 16 giờ mỗi ngày với đồng lượng 0,7 USD mỗi giờ… Câu chuyện này lập tức đã làm dấy lên một sự phẫn nộ và phản đối gay gắt nhằm vào Apple và Foxconn.

Ngay sau khi bài phóng sự được phá đi, CEO của Apple Tim Cook đã tuyên bố rằng Apple quan tâm đến tất cả mọi công nhân trong chuỗi cung ứng sản phẩm, và tuyên bố sẽ điều tra kĩ càng những lời cáo buộc. Tim Cook cho biết Apple có riêng Hiệp hội Lao động để giám sát tình trạng tại các nhà máy sản xuất sản phẩm của hãng để ngăn chặn tình trạng này xảy ra.

Ảnh
Quá trình lắp ráp iPhone đều thực hiện bằng tay, nhưng những công nhân của Foxconn lại được ví như những cái máy.

Tuy nhiên, những người biểu tình cho rằng Apple cần phải có hành động mạnh mẽ hơn, nêu đích danh những nhà sản xuất có hành vi vi phạm để làm minh bạch hơn những hành động giám sát của mình.

“Nếu Tim Cook cảm thấy bị xúc phạm bởi những lời cáo buộc, tại sao không làm bất cứ điều gì để khắc phục vấn đề này? Đó là cuỗi cung ứng sản phẩm và ông ấy là Giám đốc điều hành, ông ấy cần phải chịu trách nhiệm, chứ không thể đổ lỗi cho các nhà cung cấp” - Stinebrickner-Kauffman nói.

Thời gian gần đây, khi Apple liên tục đạt những kỉ lục mới về doanh thu cũng là lúc những chỉ trích về việc bóc lột lao động, lợi dụng nhân công giá rẻ tại Trung Quốc để tăng thêm lợi nhuận nhằm vào Apple càng trở nên gay gắt hơn. Thậm chí, nhiều người còn cáo buộc rằng Apple sẵn sàng cắt giảm quyền lợi của người lao động để tăng thêm lợi nhuận của mình.

Hiện chưa rõ sẽ có chính xác bao nhiêu người tập trung và tham gia biểu tình trước trụ sở chính và các cửa hàng Apple Store của Apple, tuy nhiên rất có thể đây sẽ không phải là cuộc biểu tình cuối cùng, nếu Apple không có những hành động cụ thể để làm nguôi đi cơn giận dữ của khách hàng.

Theo Dân Trí




Bình luận

  • TTCN (0)