Những thông tin sôi động trước ngày khai mạc MWC 2012 tiếp tục là điểm nóng trong tuần, ngoài ra các vấn đề khác cũng thu hút được sự quan tâm như cuộc chiến giành tên gọi iPad của Apple, nghi án theo dõi người dùng của Google...

Tuần qua là thời điểm cận kề ngày khai mạc Đại hội thế giới di động MWC 2012, rất nhiều sản phẩm được giới thiệu lần này đã lộ diện. Thông tin đến từ những tên tuổi lớn như Nokia, Samsung, HTC, LG và cả những nhà sản xuất có thị phần khá nhỏ trên toàn cầu như NEC.

TTCN đã có bài viết riêng, giới thiệu khái quát về toàn bộ những sản phẩm đã được đưa ra đến thời điểm này. Kính mời quý độc giả theo dõi.

Trở lại với các vấn đề lớn khác trong tuần, Apple tiếp tục đối mặt với nhà sản xuất đang lận đận của Trung Quốc, Proview trong cuộc chiến giành quyền sử dụng tên gọi iPad.

Hôm thứ Hai, Apple ra lời đe dọa kiện ngược đối thủ vì tội "nói xấu iPad". Hành động này được coi là biện pháp trả đũa trước việc Proview liên tiếp đâm đơn đòi cấm bán máy tính bảng của Apple và gạ gẫm đàm phán với mức "chung chi" lên đến gần 2 tỉ USD.

Tuy nhiên, Apple không có dấu hiệu tỏ ra run sợ trước công ty đang trong giai đoạn "hấp hối" này. Có vẻ như lí lẽ đang thuộc về họ, vài ngày sau tòa án Thượng Hải ra phán quyết ủng hộ "Táo", một bước tiến quan trọng mở đường cho sự trở lại hệ thống Apple Store của iPad.

Dù đến thời điểm này vụ việc trên vẫn chưa kết thúc, song ảnh hưởng của nó đến ý định làm ăn tại Trung Quốc của các tập đoàn toàn cầu thì đã bắt đầu lan tỏa. Nhiều quan điểm cho rằng: "Các điều luật về sở hữu trí tuệ tại nước này sẽ khiến cho những doanh nghiệp khác phải "đau đầu" khi hầu toà".

Một ví dụ điển hình là Facebook, ngay sau khi vụ kiện thương hiệu iPad nổ ra, người ta đã phát hiện tên gọi "Facebook" bằng tiếng Trung đã thuộc về một người dùng khác chứ không phải công ty mạng xã hội này.

Trở lại với Apple, rõ ràng một vụ việc như vậy không đủ sức làm lay động đế chế mà Steve Jobs để lại. Thậm chí công ty này còn nhiều tiền tới mức người kế nhiệm Tim Cook phải đau đầu tìm cách "xử lí". Tầm vóc của Apple đã đạt đến mức họ không còn đối thủ thật sự nào trên thị trường.

Tại MWC lần này, Google sẽ lấn áp phần còn lại của sự kiện bằng "binh đoàn" Android 4.0 trên cả smartphone lẫn máy tính bảng. Tuy nhiên những nghi án về việc theo dõi người dùng trong tuần khiến không ít người đặt câu hỏi về sự minh bạch trong quá trình phát triển của công ty này.

Khởi đầu là phát hiện của tờ Nhật báo Phố Wall về "mánh" mà Google sử dụng để theo dõi thói quen lướt web của người dùng trình duyệt Safari trên iPhone và Mac. Tuy nhiên Google vẫn cố bảo vệ cho hành vi của họ và khẳng định "chỉ đang cố làm cho Safari hoạt động theo cách mà các trình duyệt khác đang làm và cung cấp các tính năng mà người dùng Google muốn".

Không lâu sau đó, người điều hành bộ phận IE của Microsoft lên tiếng tố Google cũng áp dụng mánh khóe kể trên với người dùng của trình duyệt IE. Tuy nhiên việc này chỉ xảy ra với các phiên bản trình duyệt cũ hơn IE 9.0.

Việc liên tiếp nhận những thông tin xấu đã phần nào làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty Internet này.

Hôm 22/2, RIM đã chính thức giới thiệu phiên bản BlackBerry PlayBook 2.0 với nhiều cải tiến mới. Mặc dù từ khi giới thiệu máy tính bảng đầu tiên của mình cho đến nay, RIM vẫn chưa có được thành công như mong đợi, nhưng các nhà phát triển vẫn kiên trì giới thiệu phiên bản hệ điều hành mới với mong muốn cứu vãn tình thế.

Nhiều cải tiến trong PlayBook 2.0 đang được chờ đợi làm hài lòng người dùng, đặc biệt là việc cho phép ứng dụng Android chạy trên nền tảng này đã mở ra một cơ hội rất lớn cho các nhà phát triển ứng dụng lẫn người sở hữu BlackBerry PlayBook.

Thị trường công nghệ trong nước tuần qua không có biến động lớn. Đáng chú ý nhất có lẽ là chiếc Galaxy Nexus trắng về theo đường xách tay và có giá bán gần 16 triệu đồng. Một sản phẩm khác về VN theo đường chính hãng là máy ảnh compact cao cấp D-Lux 5 Titanium với mức giá lên đến hơn 30 triệu.

Dịp cuối tuần cái tên BKAV lại làm "dậy sóng" cộng đồng mạng với việc nhóm tự xưng Anonymous Việt Nam công bố 8 lỗ hổng bảo mật sơ đẳng trên máy chủ BKAV mà họ đã khai thác được từ vụ tấn công hôm 14/2. Hiện tại BKAV chưa có bất kì thông tin phản hồi nào trước vụ việc này. Trên một số mặt báo lớn, cơ quan điều tra của Bộ Công An tuyên bố thông tin mà hacker đưa ra là "hoàn toàn bịa đặt" và đã xác được chủ nhân của những tuyên bố đó.

Sự việc này có lẽ chưa dừng lại ở đây. TTCN sẽ tiếp tục cập nhật những tin tức liên quan đến quý độc giả khi có diễn biến mới.

Thông Tin Công Nghệ.




Bình luận

  • TTCN (0)