Ảnh: BBC.

Ngày hôm nay, Wikipedia sẽ ăn mừng sinh nhật lần thứ 7 với tư cách từ điển bách khoa trực tuyến nguồn mở đầu tiên trên thế giới.

Kể từ khi ra đời vào năm 2001 đến nay, Wikipedia đã nhanh chóng trở thành một trong 10 website được truy cập nhiều nhất trên mạng Internet.

Cơ sở dữ liệu hiện tại của Wikipedia lên tới 9 triệu trang thông tin các loại, được thể hiện bằng 250 ngôn ngữ khác nhau, bao trùm đủ mọi lĩnh vực kiến thức của nhân loại.

"Trong một thời gian tương đối ngắn, Wikipedia đã trở thành một trong những website "viết chung" thành công nhất", Chủ tịch Florence Devouard của Wikimedia Foundation tuyên bố.

"Chúng tôi đã huy động trí lực và sự nhiệt tình của hàng chục ngàn tình nguyện viên trên khắp thế giới. Tất cả họ đều nuôi chung giấc mơ được chia sẻ kiến thức với cả thế giới".

"Trọng tâm của chúng tôi trong thời gian tới là nâng cao chất lượng cho Wikipedia và các dự án "con dì con dà" của nó", bà Florence cho biết. "5 năm tới đây sẽ chứng kiến hàng loạt sáng kiến trên nền web chưa từng có trong lịch sử loài người".

Không thể thay thế sách in?

Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy ấn tượng với Wikipedia. Đại từ điển bách khoa trực tuyến này đã bị cáo buộc có chứa thông tin rác, nhảm và không chính xác.

Thậm chí, nhiều trường hợp biên tập viên tình nguyện cũng bị phanh phui là "giả mạo nhân thân" và không đủ trình độ để hiệu đính bài viết.

Ngoài ra, nhiều giáo sư cũng không thích sinh viên của mình quá dựa dẫm vào Wikipedia. "Đó là nguồn tài liệu không chính thống. Sinh viên chỉ nên tham khảo, chứ không thể coi đấy là đáp án tuyệt đối.

Tôi muốn sinh viên lật giở từng trang sách in và ngẫm nghĩ về nội dung, hơn là đọc lướt trên mạng để rồi "tóm lấy" một vài chi tiết", Giáo sư Tara Brabazon của khoa Truyền thông trường Đại học Brighton tuyên bố.

"Sinh viên cần đọc cả tài liệu in lẫn tài liệu trực tuyến, chứ không phải chọn một trong hai. Không có kiến thức nào quý giá mà lại cho không cả", bà Brabazon khẳng định.

(Theo Trọng Cầm-VNN/VNUnet)



Bình luận

  • TTCN (0)