Cuộc đối thoại trực tuyến đầu tiên của Bộ TT-TT trong năm 2008 diễn ra vào ngày 9/1/2008. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Năm 2008 cũng là năm mà chủ trương đưa Internet, viễn thông và CNTT về nông thôn, vùng sâu, vùng xa được thực hiện quyết liệt hơn nữa. Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng khẳng định.

Nông dân sẽ làm chủ Internet

Nối liền người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên mọi miền đất nước bằng Internet và các dịch vụ viễn thông là cách để người dân vươn lên, tiếp cận, học hỏi và không thua kém so với các khu vực trung tâm thành phố.

Tại cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết, bộ TT-TT đã có 2 quyết định: QĐ 41/2006 và 09/2007 công bố các vùng được hưởng dịch vụ viễn thông công ích, bao gồm: 180 huyện và 583 xã. Và người dân ở các xã, huyện này được hưởng quyền lợi của nhà nước về việc sử dụng các dịch vụ điện thoại cố định và Internet.

Để phổ cập Internet tới đông đảo người dân, bộ TT-TT đưa ra các chính sách cụ thể: Cho các DN viễn thông vay vốn để phát triển hạ tầng mạng lưới, phục vụ việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, và hỗ trợ duy trì mạng lưới để các DN cung cấp dịch vụ thoại và Internet.

Đối với người dân ở những vùng này, khi sử dụng dịch vụ điện thoại, hoặc dịch vụ Internet, thì sẽ được hỗ trợ 3 khoản: một là chi phí lắp đặt ban đầu, tùy theo khu vực 1-2-3 trong số 180 huyện và 583 xã đấy. Ví dụ, khi lắp điện thoại cố định: thì người dân ở khu vực 1 sẽ được hỗ trợ 100.000, khu vực 2 được 140.000, khu vực 3 được 200.000. Bên cạnh đó, cũng có cơ chế hỗ trợ tiền duy trì thuê bao hàng tháng cho các hộ dân. Với việc sử dụnh dịch vụ Internet thì người dân cũng được hỗ trợ modem, máy điện thoại.

Những chính sách cụ thể

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đề ra các biện pháp cụ thể nhằm quyết liệt đưa các dịch vụ Internet, viễn thông và CNTT đến tận tay người dân các vùng xa, vùng sâu:

Đầu tiên là giải pháp về vốn đầu tư để mở rộng và nâng cấp mạng lưới: quỹ viễn thông công ích, hoặc sử dụng nguồn vốn ODA. Hiện tại, có hơn 200 vùng được sử dụng dịch vụ viễn thông công ích - là những nơi có mật độ điện thoại dưới 5 thuê bao/100 dân.

Thứ hai là các giải pháp về kế hoạch: Cần phải xác định ngay các DN sẽ đầu tư vào đâu? Đầu tư cho ai? Bộ TT-TT đã trình Chính phủ chương trình viễn thông công ích đến năm 2010 (cụ thể là các dịch vụ viễn thông và Internet công ích) trên phạm vi toàn quốc.

Các giải pháp công nghệ đóng vai trò quan trọng đối với riêng vùng nông thôn, bởi không giống như ở thành thị, có thể sử dụng tất cả giải pháp từ hữu tuyến đến vô tuyến, trong khi đó, ở nông thôn nên chọn các công nghệ không dây như VSAT-IP, vệ tinh...

Quan trọng nhất vẫn phải là các giải pháp về giá cước. Nếu giá cước cao thì người dân nông thôn sẽ không thể sử dụng được. Bộ TT-TT đã yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ có chính sách riêng hỗ trợ giá cước cho người dân. Ví dụ, DN triển khai dịch vụ, hỗ trợ cước lắp đặt ban đầu, cước thuê bao tháng, tiền mua sắm thiết bị. Tùy từng vùng, DN sẽ có giải pháp khác nhau.

Đặc trưng của nông thôn là các người dùng ít có cơ hội sử dụng máy tính, điện thoại riêng tại hộ gia đình, nên bộ TT-TT chú trọng hơn tới việc cung cấp các dịch vụ viễn thông, Internet công cộng tại đây. Nên giải pháp thứ năm bộ TT-TT đưa ra là tăng cường năng lực hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ: Điểm bưu điện văn hóa xã, điểm phục vụ công cộng và đại lý dịch vụ viễn thông.

Nghị định 55 mới "đẩy" Internet đến gần người dân hơn

Internet cũng là một môi trường ảo nhưng cũng giống như cuộc sống thực, có đầy đủ hoạt động như học tập, nghiên cứu, chia sẻ, giao lưu tình cảm...với những mặt tích cực và tiêu cực. Bộ TT-TT xác định, quản lý Internet không phải ngăn cản sự phát triển mà là tạo điều kiện cho Internet phát triển, cung cấp nhiều tiện ích, dịch vụ, thông tin có ích cho người sử dụng, đồng thời hạn chế các mặt tiêu cực ảnh hưởng đến người dùng, nhất là đối với thanh thiếu niên và trẻ em.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, khi xây dựng nghị định mới thay thế nghị định 55 (Nghị định 55/2001/NĐCP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet), Bộ TT-TT chú trọng đến những điểm Nghị định 55 còn thiếu, điều chỉnh các hoạt động liên quan đến lĩnh vực nội dung thông tin.

Điểm nổi bật là nghị định mới khuyến khích trao đổi, chia sẻ thông tin trên Internet.

"Chúng tôi cũng đã phân loại thông tin, website trên Internet thành các loại hình chính: Đối với thông tin không bị cấm: áp dụng cơ chế hậu kiểm; đối với các trang thông tin có tác động lớn, ảnh hưởng lớn đến xã hội: nhà nước cần có biện pháp quản lý khả thi, phù hợp và chặt chẽ", ông Thắng cho biết.

Bên cạnh nghị định 55 mới, Bộ TT-TT cũng đang dự định sẽ xây dựng 1 nghị định mới về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Internet trong quý I năm 2008, đưa ra các chế tài để tạo điều kiện ngăn ngừa và hạn chế những hành vi và nội dung xấu trên Internet. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, để ngăn ngừa được việc lợi dụng Internet vào những mục đích xấu, vi phạm an ninh quốc gia, thuần phong mỹ tục thì phải triển khai đồng bộ các giải pháp chứ không chỉ quá chú trọng vào một giải pháp nào.

Đầu tiên và quan trọng nhất vấn đề giáo dục, nâng cao nhận thức của gia đình, xã hội và toàn thể cộng đồng đối với vai trò của Internet. Để người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên hiểu được nên sử dụng Internet như thế nào mang lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Thứ hai là làm sao phải gắn việc cung cấp và sử dụng Internet với nhau, giữa doanh nghiệp, đại lý và người dùng, để doanh nghiệp và đại lý có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra người dùng trong việc ngăn chặn các nội dung xấu.

Các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ cũng luôn luôn phải thường trực song hành, nhằm kịp thời loại bỏ khỏi môi trường mạng VN những trang web chứa nội dung xấu gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, thuần phong mỹ tục...

Ngoài ra là các chế tài xử phạt hành chính, các biện pháp thanh tra kiểm tra để xử phạt, thậm chí áp dụng các biện pháp hình sự đối với những vi phạm nặng trên môi trường Internet như các vụ lừa đảo qua mạng, tuyên truyền văn hoá phẩm đồi truỵ...

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, cần tiến hành các biện pháp đồng bộ để làm trong sạch lành mạnh môi trường Internet và thúc đẩy Internet phát triển mạnh mẽ tại VN.

Theo Trí Hiếu - VietNamNet



Bình luận

  • TTCN (0)