Một trong những thương hiệu của Tập đoàn đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường viễn thông trong năm 2007 vừa qua. Ảnh: TN (VnMedia.

Quả không quá khi nhận định như vậy về tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam năm 2007. Từ việc phát triển thuê bao di động, cố định, Internet tới sản lượng các dịch vụ viễn thông trong nước, quốc tế, dù gặp phải sự cạnh tranh rất mạnh song doanh nghiệp vẫn có được những con số tăng trưởng ấn tượng.

Vững vàng trong "cơn bão" cạnh tranh

2007 được đánh giá là một năm thị trường viễn thông Việt Nam có những biến động mạnh mẽ. Mọi dịch vụ được cung cấp bởi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đều có những đối thủ cạnh tranh quyết liệt như dịch vụ điện thoại quốc tế, cố định, di động, Internet băng rộng... Tuy nhiên, đây lại là một năm lưu lượng điện thoại quốc tế của công ty Viễn thông Quốc tế, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đạt cao nhất trong vòng 16 năm qua.

IDD và dịch vụ VoIP quốc tế là hai trong số những dịch vụ chủ yếu của VNPT đã có mức tăng trưởng cao nhờ các chính sách kinh doanh phù hợp từ chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ,... nên đã thu hút được khách hàng sử dụng, nhất là lưu lượng dịch vụ điện thoại quốc tế truyền thống IDD chiều về. Tính đến ngày 31/12/2007, tổng lưu lượng điện thoại quốc tế hai chiều đi và đến năm 2007 đạt mức 752 triệu phút, tăng tới 66,37% so với năm 2006. Trong đó, lưu lượng chiều đi đạt 162,8 triệu phút, tăng 35% so với năm 2006, gồm lưu lượng dịch vụ IDD là 134,2 triệu phút, tăng 38,6% so với năm 2006 và VoIP quốc tế đạt 28,3 triệu phút, tăng 20,3% so với 2006.

Lưu lượng điện thoại quốc tế chiều đến đạt tới 589,2 triệu phút, tăng 77,6% so với năm 2006, chiếm tới 33,5% lưu lượng chiều đến toàn Việt Nam. Trong đó lưu lượng IDD đạt 416,7 triệu phút, tăng 120% so với 2006, VoIP đạt 171,5 triệu phút, tăng 20% so với năm 2006.

Sự góp mặt đầy đủ của cả 6 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động khiến 2007 được đánh giá là một năm tăng trưởng vượt trội của ngành thông tin di động. Số thuê bao mới tăng nhanh, mức cước lại liên tục giảm, chất lượng dịch vụ cũng được nâng lên đáng kể. Nằm trong vòng quay đó, cùng với dịch vụ điện thoại quốc tế, được đánh giá là dịch vụ mang tính chất quyết định sự sống còn của Tập đoàn, 2007 cũng là năm... bội thu của hai mạng di động VinaPhone và MobiFone. Với tổng số khoảng 10 triệu thuê bao phát triển mới của cả hai mạng cộng lại, doanh thu năm 2007 của VinaPhone và MobiFone góp tới 24 ngàn tỷ trong tổng số 45 ngàn tỷ của VNPT.

Mặc dù nếu xét về số lượng thuê bao, Viettel vẫn là mạng di động đứng đầu song, năm 2007 này, một trong hai "người con" của VNPT là MobiFone lại là mạng di động đạt được nhiều cái nhất về chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng. MobiFone là mạng được khách hàng bầu chọn "mạng di động tốt nhất" trong ba năm liên tiếp.

2007 cũng là năm dịch vụ Internet tốc độ cao MegaVNN phát triển mạnh, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tăng nhanh với 514.000 thuê bao mới, tăng 340,6% so với năm 2006. Hiện nay VNPT đã có hơn 700 ngàn khách hàng sử dụng dịch vụ. Thị phần dịch vụ Internet tốc độ cao hiện nay của VNPT vẫn đang xếp ngôi đầu bảng với khoảng 50% thị phần toàn thị trường. Tập đoàn đã có nhiều dự án mở rộng mạng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.

Mừng, nhưng không hết lo!

Mặc dù đạt được những con số phát triển ấn tượng như vậy, song ở thời điểm này, các doanh nghiệp viễn thông của VNPT đang phải đứng trước sự cạnh tranh mạnh trước các đối thủ, nhất là Viettel. Theo nhận định của các chuyên gia viễn thông, vị trí số 1 trên thị trường Viễn thông hiện nay của VNPT sẽ rất dễ dàng "lung lay" nếu không có những chiến lược phát triển nổi trội để thu hút khách hàng.

Ngay từ những ngày đầu năm 2008 này, VNPT đã thực hiện chia tách bưu chính và viễn thông theo mô hình tổ chức mới. Những dự đoán về mức độ cạnh tranh trên lĩnh vực viễn thông tin học được đánh giá sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt, đặc biệt là trên lĩnh vực di động và băng rộng. Từ công tác điều hành mạng lưới tới việc phát triển dịch vụ, các doanh nghiệp của Tập đoàn đều cần chú trọng, quan tâm đúng mức. Một số nhiệm vụ trọng tâm nhất đã được chỉ ra như: sẽ phải sắp xếp lại mạng lưới để triển khai việc tăng dung lượng trước hết phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết, bên cạnh đó còn đáp ứng nhu cầu kết nối cho các doanh nghiệp viễn thông khác theo hợp đồng cung cấp đã ký. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là phải có chiến lược cạnh tranh cụ thể được thực hiện từ các doanh nghiệp thành viên.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch của mạng di động VinaPhone, với mục tiêu sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động hàng đầu Việt Nam trong năm 2008 mà VinaPhone đề ra, Phó Tổng giám đốc VNPT Bùi Thiện Minh cho rằng họ vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa mới có thể giành được vị trí số 1 trên thị trường thông tin di động. Trước mắt, chỉ cần đặt mục tiêu đứng thứ hai trên thị trường, VinaPhone cũng đã phải có một cách làm đặc biệt. Thế mạnh của VinaPhone là sự kết hợp với 64 bưu điện tỉnh, thành song đây cũng là một nhược điểm lớn. Để sự phối hợp đó đem lại hiệu quả thực sự, VinaPhone phải xây dựng một quy chế triển khai rất rõ ràng, cụ thể.

Không chỉ có VinaPhone mà mỗi doanh nghiệp thuộc Tập đoàn đều có những ưu, nhược điểm của riêng mình, song quả thực, một chiến lược, cách làm phù hợp luôn được coi là yếu tố sống còn để VNPT có thể khẳng định vị thế của mình trên thị trường.

(Theo Thuỷ Nguyên-VnMedia)



Bình luận

  • TTCN (0)