RIM sẽ bắt đầu phát triển các ứng dụng cho nền tảng di động iOS của Apple?

Hãng sản xuất điện thoại di động RIM vừa đăng thông báo tuyển dụng lên LinkedIn nhằm tìm kiếm một nhà phát triển ứng dụng iOS, hệ điều hành di động của Apple. Yêu cầu của ứng viên là phải có 7 đến 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Động thái của RIM được đánh giá là khá bất ngờ và khiến nhiều người cho rằng hãng này đang muốn đặt chân vào lãnh địa của Apple. Thông báo tuyển dụng của RIM nêu rõ công ty đang muốn tìm kiếm một "nhà phát triển di động iOS cao cấp". Theo đó, công việc của ứng viên sẽ "tạo ra các ứng dụng doanh nghiệp thú vị để phân phối trên nền tảng iOS" và phải biết cách xây dựng cũng như triển khai "các ứng dụng phức tạp cho các thiết bị iPhone và iPad". RIM còn yêu cầu các ứng viên dự tuyển phải trưng ra một vài ứng dụng mà họ đã phát triển và bán trên gian hàng ứng dụng App Store của Apple.

Trước đây RIM thậm chí còn không tính đến việc phát hành ứng dụng cho hệ điều hành khác. Tuy nhiên, thị phần của RIM trên thị trường di động đang sụt giảm nhanh chóng và hãng nhận ra rằng để tồn tại, ít nhất họ cần phải tạo mối quan hệ thân tình với các nền tảng khác. Hồi tháng 10 năm ngoái, RIM đã trình làng BlackBerry Mobile Fusion, một giải pháp quản lí các thiết bị di động mới dành cho nhóm khách hàng doanh nghiệp đang sử dụng iOS và Android.

RIM phải chứng kiến sức ảnh hưởng của mình trong thị trường doanh nghiệp, vốn là thị trường trọng tâm của hãng trong nhiều năm qua, suy yếu dần. Giới doanh nghiệp hiện nay đang bị chi phối bởi cái gọi là "công nghệ tiêu dùng" hay nói cụ thể ra là làn sóng đổ bộ ồ ạt của các sản phẩm tiêu dùng vào môi trường công sở. Chính "công nghệ tiêu dùng" đã thúc đẩy các thiết bị như điện thoại iPhone của Apple nhưng ngược lại, nó lại làm tổn thương các thiết bị từng được giới khách hàng doanh nghiệp yêu thích như BlackBerry của RIM.

Câu hỏi đặt ra lúc này là RIM đang ấp ủ những kế hoạch gì cho iOS? Tuy nhiên, hiện tại, RIM chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về những thông tin trên.

Theo Dân Trí/CNET




Bình luận

  • TTCN (0)