Các nhà khai thác mạng CDMA đang phải đối đầu với việc càng ngày càng mất đi thị phần của mình trên thị trường viễn thông trong nước khi cạnh tranh với các nhà khai thác mạng GSM. Danh sách này ngày càng dài ra, và HT Mobile của Việt Nam cũng có thể sẽ nằm trong số đó. Phải chăng công nghệ CDMA (CdmaOne/CDMA2000 và cả UMB- Ultra Mobile Broadband) đang chết dần?

Ngoại trừ ở Nhật và Mỹ, cán cân thị phần giữa CDMA và GSM ở các nước khác đang dần nghiêng về các nhà khai thác GSM. Và lẽ đương nhiên, đa phần các nhà khai thác CDMA đang chuyển từ họ CDMA sang mạng họ GSM. Trong số đó, có nhà khai thác duy trì cả hai loại mạng CDMA và GSM, tuy nhiên phần lớn thì chọn chuyển hẳn thuê bao CDMA của họ sang GSM. Ngược lại đến thời điểm này không có bất cứ một ghi nhận nào về việc một nhà khai thác GSM bỏ mạng GSM để theo đuổi mạng CDMA.

So sánh GSM và CDMA

Những người theo trường phái CDMA cho rằng công nghệ CDMA vượt trội hơn hẳn công nghệ GSM. CDMA là công nghệ của 3G. Để đi lên 3G, GSM cũng phải dựa vào CDMA (chính xác là Wideband-CDMA). CDMA cho phép tốc độ dữ liệu lên đến 115Kbit/giây, cụ thể là với IS-95B. Trong khi đó, nếu không tính đến GPRS thì GSM hầu như không có khả năng cung ứng dịch vụ dữ liệu. Tuy nhiên ngày nay GSM và GPRS được triển khai đi đôi với nhau và do đó họ GSM vẫn có khả năng cung cấp dịch vụ dữ liệu với tốc độ ngang bằng hoặc thậm chí còn cao hơn cả IS-95B.

Đối với trường phái ủng hộ GSM thì GSM cung ứng khả năng roaming (kết nối với mạng khác): khi bạn đi du lịch sang nước khác thì điện thoại của bạn vẫn kết nối được bình thường với mạng GSM ở đó. GSM vượt trội hơn CDMA vì nó sử dụng thẻ chip SIM, linh hoạt, bảo mật và an toàn cao. Người dùng có thể tháo thẻ SIM trên máy điện thoại này lắp vào máy khác một cách dễ dàng. Người dùng có nhiều tự do trong việc lựa chọn thiết bị đầu cuối. Ngày nay GSM là công nghệ được nhiều người dùng nhất trên thế giới: GSM chiếm hơn 85% thị phần của thị trường mạng thông tin di động. Và hơn 80% điện thoại di động trên thế giới là điện thoại GSM.

Ảnh
So sánh hai họ công nghệ GSM và CDMA (màu sắc tượng trưng cho tính năng/tốc độ)

Tuy nhiên, việc đem CDMA và GSM so sánh về mặt công nghệ thì sẽ khó mà phân hơn kém. Hai công nghệ này hầu như có khả năng cung cấp dịch vụ giống hệt nhau. Nếu tính đến việc nâng cấp lên 3G, thì 2 nhánh công nghệ này cũng ngang tài ngang sức. Bên họ GSM có UMTS/HSPA, trong khi bên họ CDMA có CDMA2000 1xEV-DO Rev A/B. Nếu tính đến cả thế hệ sau 3G thì phía GSM đang chuẩn bị ráo riết công nghệ LTE-Long Term Evolution còn bên họ CDMA cũng đã có UMB. Do vậy, nếu xét về mặt công nghệ thuần túy thì GSM và CDMA hoàn toàn ngang tài ngang sức nhau.

HT Mobile đang đi theo xu hướng của thế giới?

Câu chuyện về việc một nhà khai thác CDMA chuyển sang GSM đã dần trở nên quen thuộc. Danh sách này ngày càng dài ra. Theo ghi nhận gần đây nhất là việc Telus, một nhà khai thác mạng CDMA lớn ở Canada cũng xin chuyển từ CDMA sang GSM. Thông tin này được đăng tải trên tờ Toronto Star vào trung tuần tháng giêng năm 2008. Động lực để Telus chuyển sang GSM là để thu hút lượng khách hàng có nhu cầu roaming khi đi sang Châu Âu cũng như nhiều nước khác. Ngoài ra cũng có một lý do mà nhiều nhà phân tích cho rằng động thái của Telus chuyển sang GSM là vì iPhone. Đơn giản là iPhone chỉ dành riêng cho người dùng GSM. Nếu Telus không chuyển sang GSM thì hầu như chắc chắn nhà khai thác GSM duy nhất ở Canada, Rogers sẽ kiếm được hợp đồng này với Apple.

Nếu tính trên toàn thế giới, theo thông kê của GSA (Global Mobile Supplier Association) tính đến tháng 7/2007, có tổng cộng 36 nhà khai thác CDMA đã triển khai GSM để thay thế hẳn hoặc phủ lên (overlay) mạng CDMA đã có. Danh sách cụ thể các nhà cung cấp này được cung cấp trong bảng dưới đây:

Ảnh
Danh sách các nhà khai thác CDMA chuyển sang GSM (nguồn GSA). (Nhấn chuột vào hình để có thể phóng to)

Trong danh sách trên, chúng ta có thể kể điển hình như SK Telecom và KTF ở Hàn Quốc đã bỏ CDMA2000 để triển khai WCDMA/HSPA (thuộc họ GSM). Tương tự ở Úc, Hutchison Telecom đã đóng cửa mạng CDMA tháng 8/2006. Cũng ở Úc, Telstra, với 9,2 triệu thuê bao cũng đã quyết định bỏ CDMA để triển khai Next-G. Mạng CDMA của Telstra sẽ chính thức khai tử trong tháng giêng 2008 (tuy vậy, chính quyền liên bang đã can thiệp để kéo dài thời hạn này thêm 3 tháng vì lợi ích của thuê bao CDMA cũ). Tháng 8 năm 2006, Vivo ở Brazil với 30 triệu thuê bao cũng đã hành động tương tự. Ở Trung Quốc, Unicom, triển khai cả GSM lẫn CDMA với 156 triệu thuê bao, trong đó hơn 75% người dùng chọn GSM. Tình hình tương tự ở Mexico, Singpapore, Mỹ, Chile, Argentina, New Zealand... Do vậy việc HT Mobile bỏ CDMA cũng là đi theo xu hướng chung của thế giới.

HT Mobile đã bắt đầu đưa vào khai thác dịch vụ di động CDMA từ đầu năm ngoái, nhưng đến cuối tháng 9/2007 họ chỉ có được 185 000 thuê bao. Trong khi con số thuê bao di động của cả nước là 34 triệu, trong đó 28 triệu khách hàng chọn dịch vụ GSM. Phần còn lại thuộc về các nhà khai thác mạng CDMA: S-Fone (3,7 triệu) và EVN (2,5 triệu). Chính con số thuê bao nghèo nàn này đã khiến HT Mobile thay đổi chiến lược và chuyển sang GSM.

Hiện tại số thuê bao của HT Mobile còn ít nên việc chuyển sang GSM cũng không gây tốn kém nhiều về việc họ phải thay thế điện thoại CDMA bằng điện thoại GSM cho khách hàng thuê bao. Cũng có động thái cho rằng HT Mobile đã thỏa thuận với EVN về việc chuyển những khách hàng muốn tiếp tục dùng mạng CDMA sang mạng EVN. HT Mobile đã đi trước một bước trong việc tìm kiếm một giấy phép cho mạng GSM!

Tại sao người ta lại bỏ CDMA?

Yếu điểm lớn nhất của CDMA chính là nằm ở thiết bị đầu cuối. Người dùng CDMA phải mua thiết bị cung cấp bởi chính nhà cung cấp dịch vụ. Thậm chí điện thoại di động của nhà cung cấp CDMA này lại không thể dùng khi nối kết với nhà cung cấp CDMA khác. Trên thị trường có nhiều điện thoại GSM, giá thành lại rẻ hơn nhiều so với điện thoại CDMA cùng kiểu dáng. Người dùng không có nhiều lựa chọn về điện thoại di động khi dùng mạng CDMA so với người dùng GSM. Trong khi ngày này điện thoại di động được thay đổi kiểu dáng, công nghệ,..một cách liên tục. Khách hàng trẻ có nhu cầu thay đổi điện thoại di động theo mốt nên việc gắn bó dài lâu với chiếc điện thoại CDMA là khó chấp nhận được đối với nhiều khách hàng.

Câu hỏi mở

Sự kiện HT Mobile bỏ công nghệ CDMA để đi theo công nghệ GSM chắc chắn sẽ gây ảnh hướng đến những nhà cung cấp mạng CDMA còn lại của Việt Nam cũng như đối với những khách hàng đã chọn CDMA. Rõ ràng dưới gốc độ người dùng dịch vụ di động, hẳn chúng ta ai cũng sẽ đặt câu hỏi liệu sự lựa chọn mạng CDMA của mình là hợp lý chưa và mình có nên chuyển sang dùng dịch vụ của một mạng GSM?

Bên cạnh Vinaphone, Viettel, Mobifone và người mới GTel, con đường mà HT Mobile phải đi để tồn tại thực sự là không đơn giản chút nào. Cuộc cạnh tranh này hướng hẹn sẽ hấp dẫn và đầy kịch tính. Tuy nhiên nếu GTel tìm thấy cơ hội cho mình thì chắc chắn HT Mobile cũng sẽ có được miếng bánh của mình nếu họ có chiến lược kinh doanh hợp lý. Với việc trên thị trường có tới 5 nhà khai thác GSM và 2 nhà khai thác CDMA, hy vọng là người dùng sẽ được hưởng những tiện ích và dịch vụ có chất lượng với giá thành hợp lý hơn. Song, liệu 2 nhà khai thác CDMA còn lại sẽ trụ hạng được bao lâu nữa khi mà cộng đồng CDMA đang dần thu hẹp lại?!


Quốc Thịnh



Bình luận

  • TTCN (11)
cothan  163

có lẽ HT cùng đường rồi!

[quote]Mạng di động nào đoạt ngôi “mâm xôi vàng”?

HT Mobile chính thức nhập cuộc thị trường di động Việt Nam vào ngày 15/1/2007. Công bằng mà nói, mạng di động này đã có chiến lược xây dựng ban đầu khá tốt và gây được ấn tượng trong giới trẻ với biểu tượng con ong chăm chỉ. Tuy nhiên, việc khuyếch trương thương hiệu của HT Mobile cũng đã gặp “tai nạn” sau sự cố “Vàng Anh”. Những nỗ lực gây dựng thương hiệu của HT Mobile cũng không đem lại hiệu quả phát triển thuê bao. Mặc dù phía HT Mobile cho rằng số lượng thuê bao thuộc lĩnh vực “bí mật”, thế nhưng, số thuê bao mà các mạng di động khác đếm được qua những thuê bao của HT Mobile gọi đi cho thấy số thuê bao mà mạng di động này đang có thấp ở mức “giật mình”. Vì vậy, HT Mobile được nhận định là mạng di động tăng trưởng kém nhất trong năm 2007.[/quote]

[quote]CDMA - Bức tranh ảm đạm

Ngày 15/1/2007, HT Mobile chính thức nhập cuộc. Sự kiện này không làm cho 3 mạng di động sử dụng công nghệ GSM “xúc động”. Tại lễ khai trương, HT Mobile đã đặt ra mục tiêu đạt 1 triệu thuê bao trong năm 2007. Trong đó, HT Mobile cũng đặt ra mục tiêu phải thu hút được 20% khách hàng mới gia nhập thị trường di động. Đối tượng khách hàng mà HT Mobile nhắm đến là những khách hàng trẻ. Thế nhưng mạng di động được xem là “ẩn số” trước đó đã không tạo được sức hút trên thị trường và hiện đang chiếm thị phần thấp nhất. Rất nhiều nỗ lực được phía HT Mobile đưa ra để thu hút các thuê bao mới, thậm chí đến mức miễn phí cuộc gọi nội mạng và có mức cước cuộc gọi rẻ nhất cũng không mấy khách hàng mặn mà. Ngay từ năm đầu tiên cung cấp dịch vụ, mục tiêu để có 1 triệu thuê bao của HT Mobile xem ra đã bị phá sản. Cho đến thời điểm này chưa ai có thể lý giải một cách thuyết phục tại sao HT Mobile chưa thể thành công tại thị trường Việt Nam bởi tất cả đều khẳng định CDMA là công nghệ tiên tiến và đối tác góp vốn cho dự án này không hề thiếu tiền.

Đứng đầu bảng về thị phần thuê bao trong các mạng CDMA, song S-Fone cũng chẳng tạo ra sự bứt phá nào trong năm 2007. Câu chuyện tăng vốn tới hơn 543 triệu USD của đối tác SK Telecom cho mạng S-Fone vẫn chỉ là lời hứa suông. Nhỏ giọt về đầu tư đã làm cho những nỗ lực mở rộng các trung tâm giao dịch tại các thành phố lớn của mạng di động này trở thành “dã tràng xe cát”. Giới phân tích cho rằng, đã đến lúc S-Fone cần có sự thay đổi mạnh nếu không sẽ khó tồn tại được trên thị trường di động Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, mặc dù EVN Telecom tuyên bố đã có tới hơn 2 triệu thuê bao, nhưng trong số đó chủ yếu là thuê bao vô tuyến cố định chứ không phải là thuê bao di động. Hiện EVN Telecom có số thuê bao đứng trên HT Mobile, nhưng nhiều khách hàng của mạng di động này vẫn chủ yếu là “tiêu dùng nội bộ”. Giới truyền thông nhận thấy EVN Telecom ít có sự thay đổi và sáng tạo trong kinh doanh. Trong khi đó, EVN Telecom đang bị khó khăn rất lớn do băng tần 450 MHz bị can nhiễu nặng. Như vậy, viễn cảnh của EVN Telecom chưa mấy sáng sủa khi mạng di động này mang trên mình nhiều khó khăn nội tại.

Một số mạng GSM khẳng định, cho đến thời điểm này, số thuê bao của cả 3 mạng CDMA mà họ đo được chỉ khoảng 1,2 triệu thuê bao. Nếu đây là con số chính xác, thì đã đến thời điểm các mạng CDMA phải phát tín hiệu SOS bởi con số đó quá mong manh cho việc giữ chỗ trên thị trường di động Việt Nam trong thời gian tới.[/quote]

khoalv

Một kết cục đáng buồn

Thật khó tin là HT Mobile với sự đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ và thể hiện quyết tâm rất lớn khi tham gia thị trường thông tin di động ở Việt nam lại có quyết định làm cho nhiều người phải bất ngờ. Là người làm việc trong lĩnh vực viễn thông, tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào HT Mobile. Mặc dù ra đời muộn nhưng ngay từ đầu, HT mobile đã tập trung nguồn lực tài chính rất mạnh để đầu tư phát triển mạng lưới (Điều này không giống với SPhone đã để mất cơ hội ngàn vàng để chiếm lĩnh thị trường). Bằng việc sử dụng thiết bị đồng bộ của nortel và thuê hãng này thiết kế, quy hoạch, phát triển mạng lưới và vận hành khai thác trong thời gian đầu. HT mobile đã làm cho nhiều người người tin rằng mặc dù là doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn nhưng HT Mobile sẽ là doanh nghiệp tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ truy cập vô tuyến băng rông cho người sử dụng ở nước ta. Cuối cùng lại là một kết quả thật đáng buồn, phải công nhận CDMA là công nghệ tiên tiến hơn hẳn so với GSM ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên công nghệ tiên tiến không hẳn đã là phù hợp khi xét trong một điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Hy vọng sau khi chuyển sang GSM HT Mobile sẽ có những chiến lược kinh doanh hợp lý để lấy lại niềm tin cho người sử dụng và đặc biệt là những người đã từng đặt kỳ vọng rất lớn vào HT mobile.

Minh Huynh

Công nghệ mạng CDMA (IS95B) tiên tiến hơn công nghệ GSM thì đúng chứ công nghệ 3G phát triển lên từ mạng CDMA (CDMA2000) thì chưa chắc hơn (hay tiên tiến hơn) công nghệ 3G UMTS phát triển lên từ mạng GSM (sử dụng công nghệ CDMA).

Và khi tính đến mạng 3,5G và 4G thì hệ thống phát triển từ GSM luôn đi trước (cả về công nghệ lẫn tốc độ triển khai...), cộng thêm việc thiết bị đầu cuối luôn đa dạng ... đó là lý do các hãng cung cấp dịch vụ "nhìn xa trông rộng" trên thế giới đều quyết định chuyển sang hệ thống GSM.

Các báo VN không có chuyên môn trong lĩnh vực Telecom, nên thường chỉ nhìn thấy được ưu thế về thiết bị đấu cuối mà thôi (chỉ là ưu thế cục bộ ở thị trường VN)

nvqthinh  122

Như mình có nói trong bài viết là sẽ không dễ dàng để so sánh sự hơn kém về mặt công nghệ của hai dòng GSM và CDMA. Nếu tính đến tính năng, dịch vụ, tốc độ...thì ở mỗi thời điểm mỗi dòng điều có công nghệ tương đương nhau. Ví dụ tương ứng với IS-95B thì phải so sánh với GPRS (cái này mình đã miêu tả trên hình vẽ).

Tuy nhiên nếu nói đến tiến trình lên 3G, 3.5G...mà nói là họ GSM đi trước, triển khai trước thì không đúng. Họ GSM thường đi sau, nhưng khả năng tưong thích cao, nhiều người dùng nên dần nó chiếm đa số về số lượng. Ví dụ nếu tính đến LTE hay UMB thì UMB gần như đã chuẩn hóa xong còn LTE thì chưa. Nhưng UMB lần này thì không được ai ủng hộ cả mà chỉ có Qualcomm đứng phía sau. Hay ví dụ đối với 3G thì công nghệ CDMA2000 được triển khai trước UMTS...Con đường chuyển từ 2G lên 3G của họ CDMA tương đối nhẹ nhàng hơn so với việc chuyển từ GSM lên UMTS. Còn nếu nhìn xa hơn nữa, con đường lên tiền-4G thì cả LTE và UMB đều cần một sự đầu tư ngang nhau...

Cuối cùng thành công hay thất bại của một công nghệ không hẳn đi liền với sự tiến tiến của một công nghệ mà quan trọng là nó mang lại được tiện ích gì cho người dùng. Hiểu được nhu cầu khách hàng, đánh giá đúng thị trường, thị hiếu rồi chọn công nghệ chiến lược đúng thì sẽ không phải "khai tử". Cho nên những gì báo viết về thiết bị đầu cuối, vùng phủ sóng kém, chất lượng kém, dịch vụ giá trị gia tăng chưa hấp dẫn...chính là quan điểm nhìn của khách hàng và nó hoàn toàn đúng đắn khi nói về nguyên nhân thất bại của HT Mobile. Riêng về lý do thiết bị đầu cuối thì nó không chỉ đúng cục bộ đâu, mà theo mình nó đúng ở hầu hết các nước và với giới trẻ. Có thể người lớn tuổi họ dùng một chiếc điện thoại 5-10 năm mới đổi nhưng giới trẻ thì chỉ trong tầm 6 tháng - 3 năm (tùy văn hóa tiêu dùng).

Nemo Nguyen  21665

Vấn đề vùng phủ sóng kém, chất lượng kém (???) chỉ là vấn đề ở VN mà thôi... Còn giá trị gia tăng trên mạng CDMA ở VN (dùng internet qua mạng CDMA2000 chẳng hạn...) thì hơn hẳn mạng GSM (GPRS hay mới đây là EDGE).

Việc chuyển từ CDMA sang hệ thống GSM thì theo mình chính là do vấn đề phát triển và vấn đề marketing... về mặt công nghệ Qualcomm ko thể cạnh tranh nổi 1 liên minh quá rộng lớn hỗ trợ mạng GSM, chưa nói đến việc Qualcomm độc quyền phát triển nữa.... Các hãng cung cấp dịch vụ lớn trên thế giới ko còn nhìn thấy tương lai của hệ thống CDMA khi tiến lên 4G và sau đó... nên nhảy sang hệ thống có tính ổn định hơn và được hậu thuẫn mạnh hơn.

Hutchison chuyển sang GSM thì HT Telecom sẽ chuyển mà thôi. Mà khi HT Telecom chuyển sang GSM, cần chi phí đầu tư mới -> Hutchison thừa sức đầu tư nhưng nhà nước mình thì chưa chắc, dẫn đến tỷ lệ cổ phần của Hutchison tăng trong liên doanh. Có thể đây còn chính là đòn hiểm của tư bản nước ngoài đây.

Đinh Gia Tuấn

CDMA - chỉ còn sống ngấp ngoải 3 năm nữa là cũng.

99percent

Chủ bài viết thiếu cập nhật thông tin thì phải.

Ko biết chủ bài viết có biết đến điều này ko: HT Mobile bây giờ chính là mạng Vietnamobile đó. Và Beeline (GTel) mới là mạng gia nhập sau cùng mà, sau Vietnamobile. Thế mà cái đoạn cuối thì kiểu như là Vietnamobile vào sau cùng và là mạng thứ 5 trong 5 mạng GSM ấy.

Là 1 góp ý nhỏ, mong chủ bài viết lưu tâm.

wind.9989

thông tin bổ ích

bây giờ em mới biết thông tin này,thanks

anhtuan0401hcm

thấy cũng thinh thích mạng CDMA nhưng mà đó là ở Mỹ, chứ Việt Nam thì ko dám xài, giả dụ mình mua 1 chiếc điện thoại CDMA như Droid X hay Droid về Việt Nam, dùng mạng S-fone (cho là cũng được đi) - nhưng lỡ sau đó s-Fone đi theo HT-Mobile chuyển qua GSM thì sao, lúc đó coi như vứt cái phone rồi @@.

khachkhach

Kiểu này nhà mạng nào muốn phát triển được CDMA thì phải nhờ vào bác Hồ Cẩm Đào Laughing có bác Đào hậu thuẫn sản xuất điện thoại CDMA thì ohyeah đông khách ngay Laughing

Ceno

Vẫn còn thiếu!

Hiện tại EVN Telecom đã cung cấp dịch vụ 3G. Các điện thoại 3G của Nokia, Samung, LG, Motrola đều đã sử dụng được sim 3G của EVN Telecom.

Với dịch vụ 3G thì có thể nói CDMA đã dần mạnh lên.