Mô hình vệ tinh Vinasat

Vệ tinh viễn thông VINASAT đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, trước khi được phóng lên quĩ đạo vào cuối tháng ba tới. Đây sẽ là vệ tinh đầu tiên của VN nên các công đoạn chuẩn bị cho khai thác, kinh doanh vệ tinh cũng đang dần được hoàn tất.

Bỏ ra 3.000 tỉ đồng để thu lãi ba năm

VINASAT sẽ được khai thác, kinh doanh như thế nào?

Dưới đậy là trao đổi của TTCT với ông Lâm Quốc Cường, phó giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế - đơn vị xây dựng phương án kinh doanh vệ tinh thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT).

* Thưa ông, hiện nay việc đăng ký thuê kênh trên vệ tinh VINASAT đã được triển khai đến đâu?

- Hiện đã có một số cơ quan, bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, các đài truyền hình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông... thỏa thuận sẽ sử dụng vệ tinh VINASAT. Các bên chưa ký kết hợp đồng cụ thể nhưng tất cả đã có kế hoạch đúng như kế hoạch xây dựng dự án phóng vệ tinh.

* Đến nay đã có bao nhiêu phần trăm dung lượng trên vệ tinh được đăng ký trước?

- Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên sau khi phóng vệ tinh sẽ chỉ có vài chục phần trăm dung lượng được sử dụng và mục tiêu sau bốn năm sẽ bán được hơn 90% dung lượng trên vệ tinh. Tất nhiên, đấy là tính toán ban đầu. Nếu nhu cầu tăng đột biến thì có thể từ năm thứ hai, thứ ba đã đầy; còn nếu nhu cầu không đúng như dự báo thì có thể tới năm thứ năm mới đầy.

* Ngoài các cơ quan, bộ, ngành đã được ưu tiên đăng ký khi xây dựng kế hoạch phóng vệ tinh, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vệ tinh để cung cấp dịch vụ viễn thông, phát thanh, truyền hình... sẽ được sử dụng vệ tinh như thế nào?

- Dưới góc độ khai thác vệ tinh, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ khách hàng thiết lập mạng lưới để đưa tín hiệu vệ tinh đến nơi khách hàng yêu cầu. Việc có được quyền cấp nội dung quảng bá rộng rãi hay không sẽ do Bộ Thông tin - truyền thông cấp phép.

Ảnh
Ăngten thu tín hiệu tại Trung tâm vệ tinh Quế Dương - thiết bị sẽ dùng vào việc thu tín hiệu vệ tinh Vinasat

* Nhiều doanh nghiệp lo ngại do đây là vệ tinh đầu tiên của VN nên giá thuê sẽ rất đắt nhằm đảm bảo thu hồi vốn?

- Chúng tôi đã rất cân nhắc khi xây dựng phương án giá. Tinh thần là giá sẽ hết sức cạnh tranh với các nhà cung cấp vệ tinh trong khu vực. Chúng tôi không thể xây dựng trên cơ sở “một mình một chợ”, vì như thế sẽ không có khách hàng thuê hoặc giá thành dịch vụ sau đó sẽ đội lên.

Chúng tôi đã so sánh với giá của các nhà cung cấp vệ tinh khác như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc.

Tất nhiên, giá cũng phải được xem xét trên yếu tố đây là vệ tinh đầu tiên của VN nên phải tính đến chi phí xây dựng hệ thống bộ máy, hệ thống quản lý, trang thiết bị đài trạm..., chứ không phải riêng chi phí phóng vệ tinh. Do đó, giá phải cân đối để làm sao đủ bù giá thành đã đầu tư, và đảm bảo những năm gần cuối có lợi nhuận một chút nhưng vẫn phải cạnh tranh với khu vực.

* Cụ thể, giá sẽ ngang bằng hay thấp hơn các vệ tinh khác?

- Có những giá mình cao hơn, có những giá mình thấp hơn vì không phải vệ tinh nào cũng giống nhau. Vệ tinh VINASAT có 12 băng tần Ku và tám băng tần C. Băng Ku có vùng phủ sóng hẹp, nhu cầu sử dụng cao và giá mua sắm trang thiết bị đài trạm mặt đất làm việc với băng tần này thấp hơn băng C nên giá thuê sẽ cao hơn.

Trong khi đó, băng C phủ sóng diện rộng, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn phủ sóng tới nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giá thiết bị đài trạm mặt đất đắt hơn nên mức giá thuê băng này sẽ thấp hơn, rất cạnh tranh với các vệ tinh khu vực. Ngoài ra, các khách hàng thuê dài hạn sẽ được ưu đãi giá. Nói chung, chúng tôi xây dựng phương án giá linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng khách hàng, từng loại hình dịch vụ.

* Vậy đến khi nào mới có thể thu hồi vốn và có lãi?

- Theo tính toán, phải sau 12 năm khi VINASAT hoạt động mới bắt đầu có lãi. Tuổi thọ của VINASAT là 15 năm.

Ảnh
Theo dõi việc thu sóng truyền hình vệ tinh tại Trung tâm vệ tinh Quế Dương

* Theo ông, đầu tư gần 3.000 tỉ đồng cho một vệ tinh tuổi thọ 15 năm mà chỉ có ba năm để có lãi liệu có quá lãng phí?

- Theo dự báo, sau 12 năm mới bắt đầu có lãi, nhưng nếu nhu cầu tăng đột biến thì chúng ta có thể thu hồi vốn nhanh hơn. Chúng tôi tính 12 năm là phương án khả thi cao. Nhưng thật ra đây là vệ tinh đầu tiên và lợi nhuận được tính chỉ là lợi nhuận thuần túy về kinh tế. Những lợi ích khác khó có thể tính được chính là vị thế, thương hiệu quốc gia. Sở hữu một vệ tinh là cách để chúng ta khẳng định chủ quyền quốc gia trên quĩ đạo, bảo đảm các mục đích chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng.

* Hiện nay chúng ta đã có khách hàng nước ngoài đăng ký thuê vệ tinh chưa?

- Đã có một số doanh nghiệp nước ngoài làm việc với chúng tôi. Mình có hàng thì chắc chắn người ta sẽ đến thuê. Các nhà cung cấp vệ tinh khác hết hàng thì họ cũng sẵn sàng mua lại của mình để phục vụ khách hàng của họ, vì nhiều khách hàng cũng có nhu cầu phủ sóng ở khu vực chúng ta.

* Theo ông, người dùng các dịch vụ viễn thông, phát thanh, truyền hình... sẽ được hưởng lợi thế nào khi dịch vụ được cung cấp từ vệ tinh trong nước?

- Khi chúng ta chủ động được vệ tinh thì việc quản lý chất lượng, giá cả dịch vụ sẽ tốt hơn. Ngoài ra, việc xử lý sự cố, tình huống đột xuất cũng được chủ động hơn so với trường hợp phải thuê dung lượng vệ tinh của nước ngoài.

Chấp nhận bù lỗ

Hiện nay, bộ phận sản xuất và bộ phận phóng vệ tinh đã phối hợp với nhau và đang tiến hành đo thử đồng bộ. Vệ tinh VINASAT thật ra cũng chỉ là một phương tiện truyền dẫn nên bất cứ doanh nghiệp nào có nhu cầu đều có thể được thuê. Tuy nhiên, do đây là vệ tinh đầu tiên nên giá thuê sẽ phải tương đồng, cao hơn không nhiều so với các vệ tinh khác. Thậm chí, chúng ta phải tính toán chịu thiệt trong thời gian đầu, kể cả bù lỗ. Các nước khác khi kinh doanh vệ tinh đầu tiên bao giờ cũng khó khăn như vậy. Để khai thác VINASAT, VNPT sẽ thành lập một công ty quản lý vệ tinh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông TRẦN ĐỨC LAI

VINASAT: cao 4m, nặng 2,7 tấn

Theo dự kiến, vào tuần cuối cùng của tháng ba tới (ngày 28 hoặc 29-3) VINASAT sẽ được tên lửa đẩy Arian 5 của Pháp phóng lên quĩ đạo từ bãi phóng French Guyana (Nam Mỹ). VINASAT sẽ nằm ở quĩ đạo 1320 đông, cách bề mặt Trái đất 35.768km.

VINASAT cao khoảng 4m, nặng 2,7 tấn, gồm 20 bộ phát đáp, trong đó tám bộ băng tần C, 12 bộ băng tần Ku (mỗi bộ phát đáp phục vụ được khoảng 500 kênh điện thoại hoặc 4-6 kênh truyền hình). Vùng phủ sóng băng Ku gồm VN, Lào, Campuchia, Thái Lan, một phần Myanmar. Vùng phủ sóng băng C gồm VN, Lào, Campuchia, đông nam châu Á, đông Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc.

Để chuẩn bị việc vận hành, khai thác VINASAT, tháng 1-2007, VNPT - chủ đầu tư dự án vệ tinh VINASAT - đã tiến hành khởi công xây dựng trạm điều khiển vệ tinh VINASAT tại Trung tâm vệ tinh Quế Dương (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây) và Trạm điều khiển vệ tinh Bình Dương (xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương).

Cuối năm 2007, VNPT cũng đã ký hợp đồng bảo hiểm với liên danh Bảo Việt - Công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện. Theo hợp đồng, VNPT trả cho liên danh này 21 triệu USD và sẽ được bồi thường tối đa 177 triệu USD trong trường hợp rủi ro xảy ra đối với vệ tinh. Phạm vi bảo hiểm là những tổn thất hoặc hư hại xảy ra cho vệ tinh trong quá trình phóng và thời gian vệ tinh ở trên quĩ đạo một năm.

Các sản phẩm, dịch vụ do VINASAT cung cấp: ngoài mạng riêng dùng cho an ninh, quốc phòng, cũng sẽ cung cấp mạng riêng cho các cơ quan, doanh nghiệp, cho thuê dung lượng vệ tinh trên cơ sở trọn bộ phát đáp hoặc dung lượng lẻ..., đáp ứng nhu cầu cung cấp các dịch vụ truyền hình, phát thanh, điện thoại, truyền số liệu, đào tạo từ xa, y tế từ xa... Ưu điểm lớn nhất của VINASAT nói riêng và vệ tinh nói chung là có thể cung cấp dịch vụ đến tận các vùng địa lý xa xôi, góp phần hoàn thiện mạng viễn thông VN.

(Theo Khiết Hưng - TTCT)



Bình luận

  • TTCN (0)