Với lợi thế từ nguồn lao động giá rẻ song được đào tạo bài bản, Ấn Độ nổi lên như một khu vực tập trung nhiều cơ sở R&D lớn trên thế giới.

Sự góp mặt của các công ty nội địa và đa quốc gia

Ashwin Kandoi cùng bạn Abhijit Junagade gây dựng công ty phần mềm với ý tưởng một dhaaba – quán ăn nhỏ bên đường có thể phục vụ mọi thứ khách hàng muốn. Nằm tại tỉnh Nashik (Ấn Độ), công ty khởi đầu với chưa tới 200 USD, song hiện đã có hơn 100 nhân viên và xuất khẩu sản phẩm sang 40 quốc gia. Phần lõi của tổ chức chính là phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển (R&D) nhỏ bé. Tại đây, họ làm ra mọi thứ, từ những sản phẩm đơn giản như trò chơi cho tới các chương trình theo đơn đặt hàng cho khách hàng đa quốc gia.

Gần đây, công ty của Kandoi đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế đầu tiên cho sản phẩm “I-Winjit”, một công nghệ cho phép máy tính bảng nhận diện các vật thể, ví dụ như voi đồ chơi, được đặt trên màn hình. Sau khi xác định được vật thể, máy tính sẽ chuyển đi thông tin, âm thanh và hình ảnh liên quan tới nó, trong trường hợp này là hình ảnh và âm thanh từ khu rừng nhiệt đới châu Á.

Có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ như của Kandoi trên khắp Ấn Độ, song người lèo lái hoạt động R&D chính cho Ấn Độ vẫn là các công ty đa quốc gia lớn. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn quản lí Zinnov, gần một nửa số công ty chi cho R&D lớn nhất thế giới đều tập trung tại Ấn Độ.

SAP Labs là một trong những công ty đa quốc gia đầu tiên đặt cơ sở tại Ấn Độ vào năm 1988. SAP muốn một trung tâm đặt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương để tạo ra sản phẩm phù hợp với khu vực hơn và Ấn Độ được chọn bởi nguồn cung ổn định các kĩ sư có chất lượng. SAP Ấn Độ đóng góp tới hơn 60% tăng trưởng doanh thu trong Q1/2012 của SAP.

Ngoài SAP, các công ty đa quốc gia khác như Microsoft, IBM, Cisco, Oracle, Adobe và Intel cũng đều có chi nhánh tại Ấn Độ. Công ty viễn thông Huawei (Trung Quốc) đã đầu tư hơn 400 triệu USD trong 10 năm qua tại đây và lên kế hoạch chi thêm 150 triệu USD cho khu R&D mới ở Bangalore. Zynga – nhà sản xuất game nổi tiếng – cũng mở văn phòng trong khu vực này với hơn 200 nhân viên. Ngoài ra, còn phải kể tới các đội kĩ sư của Google tại Bangalore và Hyderabad đang chịu trách nhiệm cho vài tính năng quan trọng của Google Drive – dịch vụ lưu trữ đám mây vừa ra mắt. Trong ngành bán lẻ, nhiều công ty toàn cầu cũng tìm tới Ấn Độ để mở văn phòng R&D. Trung tâm dịch vụ Tesco Hindustan là cơ sở duy nhất nơi hàng ngàn kĩ sư, kiến trúc sư… bản địa cùng nhau phát triển dịch vụ doanh nghiệp chủ chốt cho hoạt động toàn cầu của Tesco.

Phòng thí nghiệm toàn cầu

Dược phẩm cũng là một lĩnh vực lớn thu hút hoạt động R&D toàn cầu về Ấn Độ. Tháng 4/2012, nhà sản xuất thuốc lớn nhất Ấn Độ - Ranbaxy tung ra Synriam, loại thuốc trị bệnh sốt rét mới. Giáo sư Sudershan Arora – Chủ tịch R&D của Ranbaxy cho biết: “Ấn Độ là nước đông dân với các mẫu bệnh đa dạng, phù hợp để nghiên cứu. Đó là một trong những thế mạnh vốn có khiến các công ty dược toàn cầu xem Ấn Độ là điểm đến thích hợp cho các hoạt động liên quan tới R&D, nghiên cứu thuốc và thử nghiệm lâm sàng”.

Chuyên gia của Zinnov nhận định: Ấn Độ là thị trường chủ chốt trong các nước đang phát triển. Các kĩ sư được đào tạo bài bản để giải quyết mọi vấn đề một cách có phương pháp. Ví dụ, Motorola đã phát triển điện thoại có giá chưa tới 40 USD, hay GE Healthcare “thiết kế và sản xuất” thiết bị điện tim MAC 400 tại Ấn Độ. Thiết bị chỉ mất 18 tháng và nửa triệu đô la để hoàn thành.

Bước chuyển dịch tiến tới thành phòng thí nghiệm toàn cầu mang lại cho Ấn Độ lợi thế lớn trong việc thu hút thêm nhiều trung tâm R&D. Cũng phải nói thêm, giá nhân công ở đây rất rẻ. Một kĩ sư có thể nhận mức lương chỉ 5.000 USD/năm; trưởng nhóm hay kĩ sư đứng đầu kiếm trung bình 30.000 USD/năm. Một số ước tính cho thấy có khoảng hơn 250.000 kĩ sư Ấn Độ đang làm về R&D.

Phát triển sản phẩm phức tạp đòi hỏi có nhân viên kĩ thuật, kĩ sư, nhà khoa học và nhà thiết kế, và Ấn Độ tạo ra hàng triệu người như vậy. Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ đòi hỏi sản phẩm thuộc ngành công nghiệp quốc phòng và vũ trụ phải được sản xuất nội địa, góp phần mang về nhiều hoạt động R&D.

Theo ICTnews/BBC




Bình luận

  • TTCN (0)