Internet là một trong những thành tựu lớn nhất của con người từ trước đến nay, nó được thiết kế mạnh mẽ, hoàn hảo nhất có thể nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người trong thời đại công nghệ này.

Nhưng có một sự thật rằng, giống như bất cứ thành tựu công nghệ nào trong quá khứ, Internet cũng sẽ có ngày suy tàn và bị thay thế. Dưới đây là ý kiến của nhà chuyên gia thần kinh học và cũng là một trong những tác giả giành được danh hiệu bán chạy nhất của Thời báo New York, David Eagleman.

Theo Eagleman, sự kiện DNS Changer vào thứ hai vừa qua tuy đã bị thổi phồng nhưng trên thực tế, 4 nguy cơ sau có khả năng đánh sập mạng máy tính toàn cầu.

Thời tiết vũ trụ

Bức xạ mặt trời là một trong những nguyên nhân gây hư hại trực tiếp đến hệ thống thông tin liên lạc trên mặt đất. Người ta ước tính rằng trong những năm gần đây, có ít nhất 12 vệ tinh đã bị vô hiệu hóa do ảnh hưởng của bức xạ và các cơn bão mặt trời. Không chỉ vệ tinh, một khi bão mặt trời xảy ra nó sẽ gây ra các cơn bão địa từ trên mặt đất, làm nổ tung các máy biến áp và phá hủy các hệ thống máy tính. Vào năm 1989, một cơn bão điện từ siêu mạnh đã xảy ra khiến toàn bộ bang Quebec mất điện và hệ thống chứng khoán tại Toronto ngưng trệ trong 3 giờ đồng hồ.

Một cơn bão mặt trời cực lớn, trên lí thuyết có thể phá hỏng toàn bộ hệ thống Internet trên mặt đất, điều mà thậm chí cả động đất, dội bom hay khủng bố cũng không thể gây ra được. Đây thực sự là một nỗi lo lớn với tất cả chúng ta bởi theo tính toán của các nhà khoa học, bão mặt trời lớn xảy ra theo chu kì 11 năm, và mùa hè năm sau sẽ có một cơn như vậy.

Chiến tranh mạng

Hầu hết những cuộc chiến tranh trong tương lai vắng bóng binh sĩ và vũ khí, thay vào đó là những cuộc tấn công bằng máy tính vào các lỗ hổng Internet của đối thủ. Trong thế giới hiện tại, chiến tranh mạng và chiến tranh vật lí dường như đang song hành chặt chẽ với nhau, đây là kết quả đã được rút ra khi các nhà xã hội học thực hiện nghiên cứu các cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan, Israel và Palestine,... Công cụ chủ yếu của chiến tranh mạng chính là vi rút. Những vi rút này được cài vào hệ thống máy chủ của đối thủ và thực hiện các công việc mà không một điệp viên hoàn hảo nào có thể sánh bằng đó là ăn cắp thông tin mật, phá hoại các hệ thống máy tính,...

Trong năm 2010, thế giới đã từng chứng kiến một loại vi rút gián điệp như vậy, sâu Stuxnet. Sâu này đã thâm nhập vào hệ thống công nghiệp của Iran, nhân lên dần dần và phá hoại âm thầm hoạt động của các nhà máy tại nước này. Hiện nay, vi rút không chỉ nhằm mục đích tấn công quân sự hay kinh tế mà còn tấn công cả thông tin cá nhân của người dùng thông thường. Có một sự thật đáng buồn là vi rút và đồng loại của nó đang làm tồi tệ hóa tình trạng an ninh mạng và muốn chúng "tuyệt chủng", chỉ có một con đường duy nhất có thể chống lại chính là chấm dứt sử dụng Internet.

Sự kiểm soát của chính phủ

Rất nhiều chính phủ như Iran, Ai Cập, Trung Quốc từng hoặc có ý định đóng cửa Internet trên toàn lãnh thổ để tái lập bộ lọc đối với các trang web xã hội như Youtube, Twitter,... nhằm giành được quyền kiểm soát tuyệt đối với các thông tin trên mạng Internet. Vào năm 2010, Mỹ thậm chí còn thành lập cả một Ủy ban về bảo vệ không gian ảo - tài sản quốc gia có tên PCNAA với nhiệm vụ đóng cửa khẩn cấp các khu vực mạng tư nhân và mạng chính phủ nhằm tránh các cuộc tấn công mạng. Tuy nhiên, gần đây PCNAA đã bị gỡ bỏ bởi rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đóng cửa khẩn cấp một mạng Internet nào đó còn gây ra nhiều thiệt hại hơn so với khi nó bị tấn công. Tình trạng Internet phụ thuộc vào sự kiểm soát chính trị bởi điều này làm mất đi bản chất "mở" vốn có của nó.

Phá hoại hệ thống cáp quang

Mặc dù có khá nhiều vệ tinh đang được sử dụng nhưng có đến 99% đường truyền Internet vẫn còn phụ thuộc vào hệ thống cáp quang dưới đáy biển, đóng vai trò là hệ thống thần kinh trung ương của mạng toàn cầu. Đối với bọn khủng bố và tội phạm, đây là một điểm yếu chí mạng mà chúng có thể khai thác. Một trong những vụ cắt cáp mờ ám và nổi tiếng nhất thế giới chính là vụ cắt cáp ngầm của 23 nước châu Phi vào ngày 30/1/2008, gây gián đoạn kết nối của cả 23 nước này, từ Ấn Độ cho đến Ai Cập. Với tình hình bạo lực leo thang và những bất ổn về chính trị trên thế giới, việc phá hoại cáp quang là một trong những công cụ hữu hiệu để các thế lực đối kháng với nhau.

Thiết nghĩ để giải quyết vấn đề này, cần phải xây dựng một ngân hàng sao lưu những kiến thức về Internet: làm thế nào để tạo ra máy tính, các bộ định tuyến, cáp quang, tái thiết lại Internet... Internet là điều không thể thiếu trong thế giới hiện đại ngày nay, là xương sống của sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai, vì thế chúng ta cần phải bảo vệ nó.

Theo CNN



Bình luận

  • TTCN (0)