Vì lợi nhuận Apple có thể sẵn sàng hi sinh môi trường?

Quyết định từ bỏ tiêu chuẩn EPEAT dành cho các sản phẩm của mình đã được Apple đưa ra nhanh chóng bị phản đối bởi chính phủ Mỹ. Vậy Apple sẽ xử trí thế nào? Tiếp tục hay sẽ chùn bước?

Tại sao EPEAT không quan trọng đối với Apple?

Tuần trước Apple đã kéo các sản phẩm MTXT và máy tính để bàn khỏi danh mục các sản phẩm thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn EPEAT, và có vẻ như đó là một sự lựa chọn vô cùng ngớ ngẩn của hãng khi mà một số chính phủ và doanh nghiệp yêu cầu phải mua hàng điện tử phải có chứng nhận EPEAT như một phần giúp môi trường xanh hơn.

Sắc lệnh số 13423 của Mỹ cho biết: "95% các sản phẩm điện tử mua bởi chính phủ liên bang cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn EPEAT khi áp dụng".

Tuy nhiên, với Apple điều đó không có ý nghĩa gì. Bởi lẽ doanh số bán hàng của Apple dành cho các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp là tương đối ít ỏi, và dường như công ty muốn quay lưng hẳn với chính sách áp dụng công nghệ mà các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tại Mỹ đang thực hiện.

Các con số báo cáo quyết toán năm 2010 được Business Week đưa ra có thể lí giải điều này. Cụ thể, trong năm 2010 Apple đã bán các sản phẩm cho chính phủ liên bang với số tiền trị giá 50,8 triệu USD. Đó là con số lớn nhưng sự thực rất nhỏ so với con số lợi nhuận mà công ty có được khi bán sản phẩm của mình trên toàn thế giới, đạt doanh thu lên đến 65,2 tỉ USD.

Hãy nhìn vào con số cụ thể nhất, ngay sau khi Apple rút các sản phẩm của mình khỏi EPEAT, chính quyền thành phố San Francisco cho biết sẽ tẩy chay các sản phẩm máy tính Mac hoặc MacBook. Tuy nhiên, Giám đốc thông tin của thành phố, Jon Walton, thừa nhận với tờ Nhật báo phố Wall rằng máy Mac của Apple chỉ chiếm 1-2% tổng thị phần máy tính tại chính quyền thành phố này mà thôi. Điều đó cho thấy, dường như sẽ không có tổn thất lớn cho Apple.

Sắc lệnh 13423 cho biết các cơ quan liên bang chỉ cần mua 95% thiết bị điện tử được chứng nhận EPEAT. Vậy con số 5% còn lại là vẫn có thể. Rõ ràng điều luật từ chính phủ Mỹ đưa ra vẫn còn rất nhiều sơ hở.

Trong thế giới kinh doanh, theo báo cáo của hãng nghiên cứu Forrester, ước tính doanh số bán hàng của Apple tại các doanh nghiệp là 19 tỉ USD trong năm 2012. Liệu điều này sẽ ảnh hưởng nếu các doanh nghiệp phải quay lưng với những sản phẩm không đạt chứng nhận EPEAT? Tuy nhiên, theo Forrester thì phần lớn con số lợi nhuận Apple đạt được lại từ những nhân viên làm việc trong công ty, điều này hoàn toàn có thể tránh được những ảnh hưởng về doanh thu.

Lí do nào khiến Apple rút khỏi EPEAT?

Để kiếm được một chứng nhận EPEAT, sản phẩm cần phải được tháo rời một cách dễ dàng để các thành phần bên trong có thể được tái chế lại. Điều này không hề đơn giản trong MacBook Air và MacBook Pro với màn hình Retina thế hệ mới. Để đóng gói tất cả vào trong một thiết kế mỏng manh của các sản phẩm này, Apple đã làm cho những MTXT của mình dường như không thể sửa chữa hoặc nâng cấp, pin không thể tách rời và màn hình LCD cũng không thể được tách ra.

Ảnh
MacBook Pro Retina là một trong những nguyên nhân khiến Apple rút khỏi EPEAT

Đó thực sự là điều tốt, nhưng làm cách này khiến người dùng quá khó để có thể nâng cấp. Thay vào đó, mục tiêu của Apple là khuyến khích người mua tiến hành đăng kí một dịch vụ chăm sóc đặc biệt như Apple Care và Apple Care+, hoặc đơn giản là mua một máy Mac mới của công ty. Dĩ nhiên, lúc đó doanh số bán hàng của công ty sẽ tăng lên. Nhưng tất cả điều này có nghĩa là Apple vì lợi nhuận sẵn sàng hi sinh lợi ích môi trường?

Apple vẫn hướng đến môi trường?

Apple từ lâu được biết đến là một hãng hướng đến môi trường mà cụ thể ngay trên trang web của hãng cũng có liên kết đến trang môi trường riêng, nơi cung cấp những báo cáo về thành tích giảm lượng khí thải CO2 của công ty làm được. Và các sản phẩm của hãng vẫn còn đạt chứng nhận Energy-Star về hiệu quả năng lượng.

Trong thực tế, việc quay lưng lại với EPEAT có thể khiến người dùng cảm hoài nghi về mục tiêu hướng đến môi trường của Apple. Tuy nhiên hãy nhớ rằng Apple có sẵn một chương trình tái chế tuyệt vời mà người dùng có thể tận dụng lợi thế đó. Theo đó Apple sẽ thu mua lại bất kì sản phẩm nào của mình để bán lại hoặc phục vụ mục đích tái chế sản phẩm. Nếu sản phẩm có thể tái sử dụng, công ty thậm chí gửi tặng cho người dùng trao đổi một thẻ quà tặng. Số tiền này có thể cao hơn số tiền mà người dùng nhận được sau khi bán lại tại các cửa hàng second-hand. Có điều, thủ tục mà người dùng phải tiến hành với Apple là đôi chút phức tạp, đó là chưa kể đến các chi phí vận chuyển sản phẩm mà họ phải gánh chịu.

Ảnh
Chương trình tái chế sản phẩm được Apple áp dụng cho người dùng sản phẩm của hãng

Dù cách thức kinh doanh như thế nào đi chăng nữa, rõ ràng Apple vẫn còn để một cửa hướng đến mục tiêu vì môi trường.

Không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận

Nói tóm lại, doanh số máy Mac có thể giảm do bị cơ quan chính phủ và doanh nghiệp quay lưng lại nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong doanh thu chung của hãng. Dù không đạt được chứng nhận EPEAT nhưng các sản phẩm của Apple vẫn có thể tái sử dụng thông qua dịch vụ hỗ trợ tái chế của hãng. Điều mà người dùng nhận được lúc này là các sản phẩm mỏng và nhẹ hơn, đáp ứng nhu cầu mà mình mong muốn. Tất cả điều này cho phép Apple có thể thu về lợi nhuận thậm chí còn lớn hơn nhờ vào nhu cầu sử dụng các dịch vụ hỗ trợ đi kèm.

Cập nhật: không hẳn vậy.

Theo Digitrends



Bình luận

  • TTCN (0)