Người dùng ngày càng lưu nhiều thông tin quan trọng trong smartphone hay máy tính bảng, nhưng lại hầu như không quan tâm bảo mật cho máy do ngại làm máy chạy chậm, tốn pin...

Theo Pulket Juneja, phóng viên trang GadgetBlaze, nghịch lí đối với các thiết bị công nghệ là càng phức tạp, nhiều tính năng thì lại càng ít được bảo vệ. Trước đây, điện thoại di động chủ yếu được gọi là “cell phone” với những hoạt động cơ bản như gọi điện, nhắn tin. Rồi sau đó, chúng đã trở nên phức tạp hơn đôi chút, xuất hiện bộ nhớ trong cùng khả năng lưu trữ đa phương tiện như hình ảnh, bài hát, các đoạn video ngắn.

Ngày nay, các smartphone đời mới được trang bị nhiều tính năng mạnh mẽ không thua kém gì một chiếc máy tính cá nhân. Cũng có hệ điều hành, khả năng kết nối mạng băng rộng không dây, xem phim trực tuyến, chạy các ứng dụng... và chức năng thoại trở thành thứ yếu.

Do đặc tính cơ động cũng như năng lực xử lí của smartphone ngày càng được cải thiện, nhiều người dần hình thành thói quen “cất giữ” vào đó những thông tin bí mật về số tài khoản, mật khẩu, những hình ảnh, những đoạn video cá nhân… Khi công nghệ được hoàn thiện, điện thoại di động còn giống như một chiếc ví cá nhân, có khả năng thanh toán. Có thể nói, điện thoại di động ngày nay dần trở thành thiết bị tất cả trong một.

Nhưng, nghịch lí ở chỗ, trong khi người dùng lưu trữ trong chiếc điện thoại của mình rất nhiều thông tin cá nhân quan trọng thì họ lại “tảng lờ” các phần mềm bảo mật.

Theo Pulket, việc mang cả một hệ điều hành vào trong một chiếc điện thoại sẽ không chỉ mang theo những thế mạnh; mỗi cuộc cách mạng công nghệ đều có những mặt hạn chế và kỉ nguyên smartphone không là ngoại lệ. Một chiếc smartphone vận hành trên hệ điều hành di động cũng có nghĩa là việc bảo vệ các nội dung trên đó sẽ yếu hơn so với máy tính.

Người dùng chưa mấy mặn mà với các phần mềm bảo mật trên thiết bị di động một phần cũng bởi nền tảng xử lí của các thiết bị còn rất khiêm tốn khiến việc cài đặt thêm phần mềm bảo mật sẽ càng làm chậm đi tốc độ xử lí của thiết bị. Thêm vào đó, dung lượng pin của thiết bị vốn đã hạn chế, nay lại phải tiêu tốn cho các phần mềm bảo mật vốn được giao nhiệm vụ rà quét liên tục sẽ càng làm tiêu tốn nhiều năng lượng.

Mặc dù các hãng bảo mật đang rất nỗ lực để cải thiện tình hình nhưng đây không phải là chuyện một sớm một chiều. Trong khi đó, các hacker vẫn đang lợi dụng khe hở này cho ra đời các mã độc với số lượng tăng chóng mặt. Theo Trend Micro, dự kiến từ nay tới cuối năm 2012 có thêm gần 100.000 ứng dụng giả mạo trên chợ ứng dụng Android (nghĩa là trung bình có gần 100 ứng dụng giả mạo mới ra đời mỗi ngày).

Lời khuyên của các chuyên gia là người dùng nên sử dụng các phần mềm bảo mật di động, cho dù máy có bị hao pin, tốc độ xử lí bị chậm lại. Các phần mềm này đều có đủ các tính năng như khóa thiết bị từ xa khi mất cắp/thất lạc, giám sát con trẻ, phòng chống mã độc, phần mềm giả mạo hay phòng nguy cơ bị tấn công.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)