Với Nguyễn Đắc Vân Nhật Khoa thì thế giới là “thế giới phẳng” hằng đêm. Ấy là lúc 12 giờ tối, anh nhấn nút bật màn hình trên cái bàn đặt trong góc nhà mình ở đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình (TP.HCM).

Cũng Lúc ấy, chiếc PC đặt ở nhà Alvin - bạn của Khoa tại Singapore - đang vào công việc ở chế độ “remote desktop connection”. Nghĩa là mọi giao dịch mua bán đang thực hiện ở Singapore chứ không phải VN. Ở nơi ấy, Paypal chấp nhận thanh toán tất cả các khoản mua bán qua mạng Ebay toàn cầu. Sáu năm nay, Khoa đã dùng cách này để trở thành một “nhà buôn trên mạng” hiếm hoi của VN...

Cách đây sáu năm, Nhật Khoa từng định rời khỏi VN qua hẳn Singapore để làm một seller (nhà buôn) trên Ebay bởi chỉ có ở Sing, Ebay mới cho thực hiện thanh toán qua Paypal. Từ đất Sing, mỗi khi hết hạn visa, Khoa phải chạy qua Malaysia rồi mới quay ngược vào Sing lần nữa. Cho đến một ngày anh nhớ đến chức năng kết nối từ xa để lắp đặt một PC tại nhà của Alvin, chiếc PC ấy chạy 24/24 giờ.

Từ VN mở màn hình lên, Khoa lại “biến hình” thành công dân ngụ tại Singapore để thực hiện những “phi vụ”’ của “nhà buôn trên mạng”. 12 giờ đêm, khi chợ Ebay nhộn nhịp nhất, Nhật Khoa bắt đầu vào công việc của mình. Mỗi đêm như thế anh phải trả lời khoảng 300 email, gửi đi 100 code (mã khóa) cho khách hàng. Hết bao nhiêu thứ đó, ngẩng đầu lên thì trời đã sáng bạch ngoài cửa sổ. Cuộc sống biến đêm thành ngày làm chàng trai này nhìn già hơn độ tuổi của mình.

Sáu năm trước, Khoa là một game thủ của game MU. Một bữa, đang ngồi tì tì trên thế giới MU thì có một game thủ gọi đâu đó từ bên Anh: “Mày có bộ giáp đẹp quá, có bán không?”. Khoa bật cười hỏi: “Làm sao bán cho mày được?”. “Lên Ebay đi!”. “Ebay là cái gì?”. “Trời, nó là chợ điện tử lớn nhất thế giới này!”. “Nhưng mua bán làm sao được khi tao ở VN?”. Vậy là anh chàng này lần lượt hướng dẫn Khoa cách thức đăng ký một account trên Ebay, cách thức rao hàng.

Tới lúc đó, Khoa mới thật sự biết có một cái chợ ảo gọi là Ebay và người ta có thể mua bán xuyên lục địa ở trên đó mà không cần phải nhìn thấy nhau. Nhưng sau khi tìm hiểu, Khoa lắc đầu thông báo cho “khách hàng” rằng ở VN không thể thanh toán qua mạng được. Anh chàng bên Anh đồng ý sẽ mua và chuyển tiền qua Western Union. Phi vụ đầu tiên đó, Khoa bán được bộ giáp giá 200 USD, một cái giá mà bất cứ game thủ nào cũng... sững sờ bởi thời điểm của năm 2002, anh mua nó chỉ có... 800.000 đồng! Người mua hàng qua mạng ngày ấy chính là Alvin Yeo, một người Singapore, đang đại diện cho Hãng Singapore Telecom ở Anh.

Giữa thành phố Luân Đôn buồn chán, Alvin đã mở ra một cơ hội lạ lùng cho chàng trai người Việt đang mày mò kiếm đường làm ăn tại Sài Gòn. Tiếp theo áo giáp, Khoa bán được một cục kim cương (Bless) giá 3,5 USD - trong khi anh mua được nó chỉ với 12.000 đồng.

Cứ thế, những “phi vụ” mua bán trên mạng với Alvin liên tục diễn ra. Alvin tụ tập bạn bè trong nhóm và bắt đầu đặt hàng cho Khoa. Khoa trở thành một “seller” bất đắc dĩ nhưng cực kỳ thú vị từ dạo đó. Anh chàng người Sing có chút máu lãng tử trên “thương trường điện tử” kia trở thành “bạn hàng” quen biết của Khoa. Còn chàng trai miệt Cần Thơ, phiêu bạt lên Sài Gòn cũng thấy mình có thể khai phá một thế giới hoàn toàn mới.

Những vụ mua bán đồ ảo trên mạng dần chuyển sang mua bán đồ thật, và những đồ thật ấy có khi phải mua bán từ... Campuchia. Đó là những chiếc điện thoại PDA từ thời chưa thông dụng. Khoa sang Campuchia mua điện thoại, sử dụng account của một người bạn bên Úc, mua bán qua Ebay. Rồi từ Campuchia, Khoa lại lần mò sang Singapore gầy dựng sự nghiệp với sự hỗ trợ của Alvin.

Sau sáu năm làm seller trên Ebay, anh được cộng đồng Ebay chấm 1.249 “sao” - đạt danh hiệu Power seller (Người bán hàng tin cậy), một danh hiệu mà nhiều người nước ngoài thèm khát. Khoa bảo cho tới giờ này, anh chưa gặp bất cứ một “nhà buôn” nào xuất phát từ VN mà gầy dựng được sự nghiệp bán buôn của mình trong “ngôi làng thương mại điện tử” trứ danh này.

“Móc túi thiên hạ trên mạng đâu có dễ!”- Khoa, nhân vật mỗi tháng nộp cho Ebay vài ngàn USD tiền phí, nói như thế. Cách đây năm năm, anh phải học từ cách rao bán cho đến quảng cáo như thế nào để những tay “đi chợ trên mạng” lưu ý tới món hàng “thật mà ảo” của mình. Đó là cả một nghệ thuật. Phải mất khá nhiều thời gian để tích lũy kinh nghiệm “bày hàng”, chọn ngôn ngữ quảng cáo, rao hàng, chọn từ khóa, chọn “thời điểm vàng” để bán và giao hàng, bỏ tiền để quảng cáo trên Yahoo! và Google...

Mỗi “nhà buôn” có lý lịch rõ ràng trên Ebay và “thương hiệu” của anh ta do chính người bán, người mua... định đoạt. Giờ, ngó lại từ con số 1.249 “sao” của mình, Khoa thỉnh thoảng còn giật mình: đó là cả tài sản mơ ước cho một nhà buôn trên mạng. Giả sử bây giờ gầy dựng lại từ đầu, Khoa cũng không biết phải làm sao nữa. Mỗi lần bán mua là một lần gầy dựng uy tín. Một cú mua bán không thành, coi như gánh lấy 1 điểm xấu!

Khoa bảo rằng anh rất nhiều lần tìm kiếm nhưng chưa thấy những người Việt thật sự ở VN xuất hiện trên chợ điện tử với tư cách người bán hàng. “Paypal đang là một cánh cửa đóng cứng với thương mại điện tử VN” - Khoa nói đầy băn khoăn, và bảo nếu cánh cửa ấy mở ra, sẽ là một cơ hội lớn cho nhiều bạn trẻ VN. “Thay vì tôi phải nhảy vào một công ty nước ngoài hay một chỗ nào đó để làm, tôi có thể thoải mái ngồi nhà, mở mạng với chiếc PC không phải đặt ở Singapore như bây giờ”.

Chàng trai 23 tuổi đang hài lòng với công việc có thể kiếm vài ngàn USD hằng tháng của mình bằng một con đường đầy những bước ngoặt ngoạn mục và... không giống bất cứ ai ở VN này. Anh muốn cơ hội mà anh từng có sẽ tiếp tục được đến với nhiều bạn trẻ khác...

(Theo TTO)



Bình luận

  • TTCN (0)