Breivik (trái) và Holmes, hai kẻ sát nhân có điểm chung là không dùng Facebook. Ảnh: Ninemsn.com.au.

Quả là cực đoan khi cho rằng những người không dùng Facebook là "thần kinh không bình thường" hoặc "có dấu hiệu của tội phạm giết người tập thể". Nhưng trong xã hội kết nối, nếu ai không dùng Facebook, người đó sẽ bị người khác đặt những dấu hỏi nghi ngờ.

Trang Slashdot gần đây đưa ra một nhận định gây sốc: "Không có tài khoản Facebook có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy đó là một kẻ giết người tập thể". Còn báo Daily Mail của Anh thì "giật tít": "Không dùng Facebook là dấu hiệu của thần kinh không bình thường?".

Theo các trang này, những kẻ giết người tập thể như Anders Breivik và James Holmes có điểm chung là không lập tài khoản Facebook và có rất ít dấu vết trên mạng. Holmes là kẻ bị buộc tội giết 12 người và làm 58 người khác bị thương trong buổi chiếu phim "Người Dơi 3" tại một rạp ở Aurora, Colorado (Mỹ). Còn Breivik thảm sát 77 người bằng một vụ đánh bom và xả súng ở Na Uy.

Một bài viết gần đây trên tạp chí Forbes cho thấy, người sử dụng lao động đang tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội nhiều hơn và coi đó như một nguồn để hiểu về các nhân viên hiện tại và tiềm năng. Khi một nhân viên không có Facebook, một số nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng đó là trường hợp cần lưu ý - có thể người này đã đóng tài khoản do có gì đó phải che giấu.

Sự nghi ngờ này cũng xuất hiện ở các lĩnh vực khác của cuộc sống, chẳng hạn như tình yêu. Trong một chương trình tư vấn trên Slate.com, các chuyên gia tâm lí Emily và Farhad khuyên các cô gái rằng, khi hẹn hò với người lạ thì nên kiểm tra Facebook của họ và nên nghi ngờ những người không có tài khoản Facebook, hoặc có nhưng không để chế độ công khai. Có thể người đó đang giấu danh tính thật hoặc giấu một mối quan hệ khác (như vợ, người tình) để lợi dụng bạn.

Ý tưởng cho rằng những người không dùng Facebook có khả năng là kẻ giết người tập thể (mass murderer), những nhân viên có "phốt", hoặc người thiếu trung thực... thật ra không đủ thuyết phục và mang tính cực đoan. Có nhiều người không dùng Facebook vì họ sợ bị "nghiện", không muốn cuộc sống riêng tư bị ảnh hưởng, không có thời gian chăm chút, hoặc đơn giản là không có nhu cầu muốn biết những người bạn cũ của họ đang làm gì.

Nhưng với xu hướng đang diễn ra, sẽ đến lúc hầu như tất cả mọi người đều "lên Facebook", và cái nhìn tiêu cực về những người không dùng mạng xã hội này sẽ dần tăng lên.

Ảnh
Danh thiếp của Lara, một người New York (Mỹ) 29 tuổi. Ảnh: Forbes.

Theo tiến sĩ Lauren Rosewarne, một nhà nghiên cứu về mạng xã hội ở Đại học Melbourne (Úc), những người không có một profile (hồ sơ) mạng xã hội nào có thể khiến người khác lo lắng. Trong thời đại kết nối, có một giả định là bạn có thể tìm thấy bất cứ ai trên Internet và qua đó biết được vài điều về họ. Thường thì với phần lớn mọi người, Facebook là tài khoản mạng xã hội duy nhất. Cho nên, nếu tìm kiếm ai đó trên Internet mà không thấy người đó có tài khoản Facebook thì người tìm kiếm có lí do để thắc mắc.

Có thể thấy, Facebook đang dần đóng vai trò của một tấm chứng minh thư kĩ thuật số, một tấm giấy thông hành để nhận diện trong xã hội hiện đại. Ngày nay, nhiều người đã in địa chỉ profile Facebook lên danh thiếp của họ, cùng với thông tin về số điện thoại và địa chỉ email. Thậm chí, có người chỉ in lên danh thiếp đơn giản một dòng "i'm on facebook".

Katherine Losse, một nhân viên cũ của Facebook sau khi rời công ty này đã đóng tài khoản Facebook của mình. Nhưng cô không thể sống thiếu Facebook được lâu, nên lại nhanh chóng mở một tài khoản mới. Cô nói với tờ Washington Post: "Bạn không thể thoát khỏi Facebook. Nó là mọi thứ, và ở khắp nơi. Ở thời điểm này, vấn đề của chúng ta là sống chung với nó như thế nào, chứ không phải là từ chối nó. Vì chúng ta không thể từ chối một cách hoàn toàn".

Thật ra, bạn có thể từ chối dùng Facebook, nhưng khi đó, rất có thể nhiều người sẽ từ chối bạn.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)