Ảnh: T.Ngọc.

Từ ngày 13 - 15/8 tại Đại học (ĐH) Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Mạch tích hợp và Linh kiện Điện tử (International Conference on Integrated Circuits and Devices in Vietnam, ICDV - 2012).

Hội nghị lần này có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học Công nghệ của TP. Đà Nẵng, PGS.TS. Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, PGS.TS. Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, GS. Masahiko Yoshimoto - Chủ tịch Hiệp hội IEICE ICD Nhật Bản.

ICDV 2012 là hội nghị quốc tế về lĩnh vực thiết kế vi mạch (thiết kế chip) và các thiết bị điện tử ứng dụng.

Đây là lần thứ III, ICDV được tổ chức tại Việt Nam và lần đầu tiên diễn ra tại TP. Đà Nẵng do ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng phối hợp với Hiệp Hội các Kĩ sư Điện tử, Tin học và Truyền thông Nhật Bản (IEICE) và Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Hội nghị ICDV là sự kiện học thuật thú vị và là diễn đàn khoa học quốc tế để các học giả, nhà khoa học trong và ngoài nước cùng trao đổi các kết quả, kinh nghiệm và thành tựu mới nhất trong hoạt động nghiên cứu, phát triển liên quan đến thiết kế vi mạch, thiết kế thiết bị điện tử và các vấn đề liên quan đến công nghệ bán dẫn.

Hội nghị ICDV cũng góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ điện tử, công nghệ thông tin - truyền thông tại Việt Nam nhằm phát triển hơn nữa ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông tại Việt Nam; tăng cường vị thế và phát triển quan hệ quốc tế giữa cộng đồng khoa học Việt Nam với các cộng đồng khoa học thế giới (đặc biệt là Nhật Bản) liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch và phát triển sản phẩm điện tử.

ICDV năm nay có 35 báo cáo toàn thể (trong đó có 2 báo cáo chính (keynote), 6 báo cáo mời) và thu hút gần 100 đại biểu tham dự đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp của Nhật Bản, Việt Nam, Mỹ, Malaysia, Đài Loan... Các nội dung của hội nghị là những vấn đề đang được giới khoa học công nghệ thông tin và truyền thông rất quan tâm như chủ đề Thiết kế - chế tạo vi mạch điện tử có công suất tiêu thụ năng lượng thấp nhất. Đây cũng là thái độ của các nhà khoa học trước các thách thức của hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Lính vực công nghệ Mạch tích hợp và Linh kiện Điện tử cũng đang hướng đến Công nghệ Xanh thích nghi với một nền kinh tế sinh thái.

Đặc biệt, hội nghị năm nay có một phiên làm việc về các hướng phát triển thiết kế vi mạch trên thế giới và lộ trình xây dựng và phát triển ngành công nghiệp này tại Việt Nam.

Tác giả và đồng tác giả các báo cáo khoa học trên là các Giáo sư, chuyên gia danh tiếng đến từ ĐH Tokyo, ĐH Công nghệ Toyohashi, ĐH Kyushu, ĐH Osaka… các doanh nghiệp điện tử nổi tiếng như Hitachi, Fujitsu, các Phòng thí nghiệm - Nghiên cứu (Laboratorire) quy mô khu vực và quốc tế .

Hội thảo ICDV 2012 được Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Hiệp hội IEEE SSCS Japan Chapter, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV), Hiệp hội Microwave Thái Lan - Nhật Bản (TJMW) bảo trợ kĩ thuật, các hãng công nghiệp hàng đầu về thiết kế vi mạch và công nghiệp bán dẫn như: Applistar Corporation (Nhật Bản), Mentor Graphics (Hoa Kỳ), Panasonic Vietnam Corporation, Renesas Vietnam Corporation, Toshiba Corporation Semiconductor Company (Nhật Bản) bảo trợ tài chính.

PGS. TS. Trần Xuân Tú, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên Ban Tổ chức Hội nghị cho biết các nhà khoa học Nhật đến hội nghị với mong đợi Việt Nam, Cộng đồng ASEAN và Nhật sẽ có những hợp tác cụ thể trong lĩnh vực mà Nhật rất có thế mạnh: chế tạo Mạch tích hợp và Linh kiện Điện tử.

Có một điểm theo PGS. TS. Trần Xuân Tú lưu ý là tổng doanh thu (cả nội địa lẫn xuất khẩu) đối với sản phẩm bảng mạch tích hợp và linh kiện điện tử của Nhật chiếm đến 60% GDP của Nhật.

“Theo ý kiến cá nhân tôi, Việt Nam chúng ta có ưu thế về nguồn lực con người. Các nhà khoa học, chuyên viên công nghệ (giới kĩ nghệ gia) Việt Nam rất năng động và sáng tạo. Chúng ta có thể đầu tư phát triển mạch tích hợp, linh kiện điện tử rồi thuê các đơn vị nước ngoài gia công chế tạo. Giá thành của một bảng mạch tích hợp, hay linh kiện có đến 80% là ý tưởng thiết kế. Tất cả đang ở giai đoạn bắt đầu, nhưng tôi tin rằng, 5 năm nữa, Việt Nam chúng ta sẽ có sản phẩm Mạch tích hợp và Linh kiện điện tử”.

Theo ICTPress




Bình luận

  • TTCN (0)