Lawrence Gentilello và Tuyen Truong.

Từ năm 1999, Tuyen Truong, Lawrence Gentilello và Aaron Bell đã bắt đầu một dự án trực tuyến tại Đại học Stanford mang tên Facebook. Khi đó, Mark Zuckerberg mới 15 tuổi.

Họ quét (scan) ảnh của hơn 7.000 sinh viên để tạo cơ sở dữ liệu trên mạng gồm thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại và e-mail với mục đích giúp các sinh viên hiểu nhau hơn. Mạng xã hội sơ khai này, được đặt tên là Facebook và hoạt động trên site Stesmtunnel.net, khá phổ biến trong cộng đồng sinh viên Stanford vào năm 1999-2000 khi mà thời điểm đó, việc đăng chia sẻ ảnh trực tuyến chưa thuận tiện như bây giờ.

Tuy nhiên, Đại học Stanford đã dọa đuổi 3 nhà sáng lập, thậm chí kiện ra tòa nếu họ không chịu đóng cửa site với lí do vi phạm bản quyền cuốn sổ facebook mà trường này xuất bản và phân phối. Ba sinh viên này nói rằng cuốn facebook của Stanford chỉ tổng hợp ảnh do sinh viên gửi lên, chứ trường không có quyền sở hữu những bức ảnh đó, giống như một nhà xuất bản không thể nắm bản quyền các câu nói nổi tiếng khi họ in sách về những câu nói đó.

Nhưng để tránh rắc rối, Bell, Gentilello và Truong quyết định đóng cửa Facebook nhưng vẫn duy trì site hoạt động ngầm trong giới sinh viên Stanford và nó vẫn rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp vào tháng 6/2000, họ ngừng dịch vụ và theo đuổi những dự án mới. Quyết định đó được cho là một sai lầm lớn trước sự thành công của Facebook.com hiện nay.

Bell, Gentilello và Truong được ví như "Gary Kildall" trong giới phần mềm. Năm 1980, khi IBM muốn tìm đối tác xây dựng hệ điều hành cho máy tính IBM PC, Microsoft không phải lựa chọn đầu tiên. Hãng Big Blue đã đến gặp Gary Kildall - tác giả hệ điều hành CP/M. Tuy nhiên, do bận việc (cũng có thông tin nói rằng do kiêu ngạo), Kildall để vợ đàm phán với IBM và bà này không thích một vài phần trong thỏa thuận của hãng nên đã từ chối. IBM quay sang kí hợp đồng với Bill Gates và ông cùng Paul Allen triển khai MS-DOS, một trong những bước ngoặt quan trọng đưa hệ điều hành của Microsoft trở nên phổ biến và họ thành hãng phần mềm lớn nhất thế giới.

Tương tự, Bell, Gentilello và Truong đã tạo Facebook khá lâu trước khi mạng xã hội Facebook.com ra đời. Nhưng đứng trước nhu cầu giao tiếp, chia sẻ nội dung trực tuyến ngày càng cao, họ lại bỏ đi theo đuổi sự nghiệp khác. Không ai có thể biết liệu duy trì, Facebook có thành công như Facebook.com ngày nay, nhưng nếu không bị cấm đoán, khả năng đó hoàn toàn có thể xảy ra. Câu chuyện được nhắc lại tuần này khi Gentilello và Truong tham gia chương trình của Valley Girl để nói về dự án mới là Screanleap.

Theo Số Hoá




Bình luận

  • TTCN (1)
Hiếu Tròn  25905

Đọc cái này làm nhớ chuyện để quả trứng lên bàn Big Grin