10 năm qua đi nhưng chuyện phá giá dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về (VoIP quốc tế chiều về) của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam luôn là vấn đề nóng. Ảnh minh họa

Nếu như trước đây dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về (VoIP quốc tế chiều về) được xem là "con gà đẻ trứng vàng" vì là dịch vụ siêu lợi nhuận của các doanh nghiệp viễn thông thì nay nó bị chính các doanh nghiệp này "phá nát".

Vẫn "nóng" chuyện phá giá VoIP

Dịch vụ VoIP quốc tế chiều về hiểu một cách nôm na là tiền mà các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam thu được từ các nhà khai thác viễn thông nước ngoài trả cho tiền kết nối các cuộc gọi từ nước ngoài vào Việt Nam. 10 năm trước, đây được xem là dịch vụ "siêu lợi nhuận" cho các doanh nghiệp được cấp phép cung cấp khi mà đầu tư rất ít, lợi nhuận đem về lại lớn. Thậm chí, thời điểm đó có doanh nghiệp đã ví von đây là dịch vụ "thu hồi vốn trong vòng 1 ngày". Nhờ có lợi nhuận "khủng" do dịch vụ này mang lại mà một số doanh nghiệp Việt Nam đã làm nên sự nghiệp từ "hai bàn tay trắng". Thế nhưng, cũng chính từ việc dễ dàng khai thác dịch vụ mà không cần phải đầu tư nhiều, không cần có hạ tầng, chi phí khai thác ít nên đã xuất hiện nhiều hành vi quá đà của các doanh nghiệp viễn thông nhằm vun vén cho lợi ích của riêng mình. Đã có thời điểm cơ quan quản lí Nhà nước phải thổi còi một số doanh nghiệp viễn thông vì hành vi gần như "bán cái" dịch vụ này cho doanh nghiệp nước ngoài khai thác, chỉ tính tổng lưu lượng VoIP quốc tế đổ về để hưởng chênh lệch.

10 năm qua đi nhưng chuyện phá giá dịch vụ này của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam luôn là vấn đề nóng, thường xuyên được bàn tới nhưng chưa tìm ra lời giải hữu hiệu. Đã có quá nhiều cuộc họp, nhiều chính sách được đưa ra nhằm ngăn chặn việc các doanh nghiệp viễn thông đua nhau phá giá thị trường VoIP quốc tế chiều về. Thế nhưng, "căn bệnh nan y" này liên tục tái phát và ngày càng trầm trọng hơn.

Không chỉ có cơ quan quản lí Nhà nước, mà ngay cả các doanh nghiệp cùng cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về cũng muốn liên kết với nhau để tránh vấn nạn phá giá, tránh cảnh "cùng lôi nhau xuống vực". Thế nhưng, vì "miếng cơm, manh áo" của mỗi doanh nghiệp, những liên kết này đã bị phá vỡ không lâu sau đó. Lời hứa của các doanh nghiệp bay theo mây gió để đổi lấy lưu lượng VoIP về cho mình.

Thậm chí, vào năm 2003, Viettel (khi đó chưa cung cấp dịch vụ di động) đã định “dựng cờ tựu nghĩa” để thành lập Hiệp hội VoIP. Song dự định này đã bất thành bởi các doanh nghiệp trong nước khi ngồi với nhau đều lên tiếng đồng lòng chung sức, nhưng khi ra khỏi cuộc họp thì lập tức phá giá cam kết.

10 năm giá giảm tới hơn 10 lần

10 năm qua, việc tránh phá giá dịch vụ VoIP quốc tế chiều về gần như là chuyện buông xuôi. Ở thời điểm cực thịnh, giá dịch vụ VoIP quốc tế chiều về kết cuối vào mạng di động là 45 cent/phút (hơn 9000 đồng/phút và 35 cent/phút (hơn 7000 đồng/phút) đối với dịch vụ di động. Trong một quyết định gần đây nhất là ngày 2/3/2011, Bộ TT&TT đã đưa ra mức giá cho dịch vụ VoIP quốc tế chiều về là 855 đồng/phút, hành vi bán dưới 15% mức giá này được xem là phá giá. Trong một cuộc họp mang tính tự nguyện của các nhà khai thác dịch vụ này gồm VNPT, Viettel, EVN Telecom, VTC, CMC, Indochinatelecom được tổ chức vào tháng 5/2011 tại tổng hành dinh của VNPT thì các doanh nghiệp đã đưa cam kết mức giá bán dịch vụ là 4,1 cent/phút (hơn 800 đồng/phút). Thế nhưng, ở thời điểm này thì giá dịch vụ VoIP quốc tế chiều về đã giảm xuống còn dưới 3 cent/phút (khoảng 600 đồng/phút). Như vậy, dịch vụ VoIP đã chuyển từ “mảnh đất mầu mỡ” thành “mảnh đất cằn cỗi”.

Trong một cuộc họp với Bộ TT&TT hồi năm ngoái, đại diện VNPT cho biết, các doanh nghiệp trong nước đang tranh giành hạ cước thanh toán quốc tế liên tục, nếu không điều chỉnh kịp thời thì dịch vụ này không còn lợi nhuận nữa. Vì vậy, rất cần có sự can thiệp của Bộ TT&TT bằng cách đưa ra mức giá sàn để các doanh nghiệp không bán dưới giá sàn thì mới giải quyết được vấn đề này. Theo đại diện VNPT, hiện nay mức cước thanh toán quốc tế trung bình trên thế giới khoảng 5 cent/phút (1000 đồng/phút nhưng các doanh nghiệp của Việt Nam đã hạ xuống dưới mức trung bình, chỉ còn 2 - 3,2 cent/phút (400 - hơn 600 đồng/phút). SPT cho biết, dịch vụ này đã tiến sát đến giá thành và sắp lỗ.

Còn đại điện VTC cũng nhận định, dịch vụ này đầy tiềm năng nhưng không mang lại lợi nhuận. Theo đại diện của CMC thì căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang làm không công cho nước ngoài.

Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về tiết lộ cho Bưu điện Việt Nam rằng, hiện đã có "đại gia" viễn thông đang bán dịch vụ này ở mức 2,6 cent/phút (chưa đến 600 đồng/phút). Mức giá đó thấp hơn cả mức cước kết nối mà các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ phải trả cho hai doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng là VNPT và Viettel. "Nếu tình hình đó vẫn tiếp diễn, chắc chắn chỉ còn tồn tại hai doanh nghiệp có hạ tầng là VNPT và Viettel bởi các doanh nghiệp khác không thể hạ giá dưới giá cước kết nối được nữa", vị lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (2)
Hải Nam  30903

Rất nhiều nước họ không thu phí dịch vụ này, từ rất lâu (cách đây 8 năm gọi sang Úc đã miễn phí rồi), không hiểu tại sao chúng ta phải "bán" nhỉ? Băng thông thì nhà cung cấp dịch vụ Internet đã thu phí rồi.

Nguyễn Triết Học  953

Người mình mà anh, vơ được thì vơ chứ làm sao nữa. Anh có nghe tin mấy nay không, ông "bầu" Kiên đó, chức vụ, giàu cỡ nào, giờ bị núm rồi đó:)