Bên cạnh phiên bản cho Android, iOS như hiện nay, sắp tới VNG sẽ hợp tác với các hãng sản xuất để tích hợp sẵn Zalo trên các mẫu điện thoại phổ thông. Ảnh: Internet.

Khi các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet được tích hợp trên dòng điện thoại phổ thông, đã có không ít ý kiến lo ngại rằng dịch vụ SMS truyền thống sẽ bị "xóa sổ".

Nở rộ ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí

Gần đây, người dùng tại Việt Nam ngày càng sử dụng nhiều hơn những phần mềm gọi điện Internet miễn phí thông qua mạng Wi-Fi hay 3G giữa các smartphone, trong đó tiêu biểu là các phần mềm Whatsapp, Viber, Line, Whatsapp... Người dùng chỉ cần vào Appstore hay Google Play để tải về những phần mềm này, đăng nhập số điện thoại, máy sẽ tự động gửi mã xác thực và tìm kiếm trong danh bạ những bạn bè đã dùng ứng dụng. Từ đó, người dùng có thể dễ dàng gọi điện, nhắn tin miễn phí với nhau thông qua kết nối Internet.

Nhiều hãng smartphone cũng trang bị các phần mềm nhắn tin miễn phí nhằm tăng thêm tiện ích cho người sử dụng như Blackberry với công cụ Blackberry Messenger, Apple với ứng dụng Facetime đàm thoại video và iMssenger hỗ trợ nhắn tin đa phương tiện giữa các thiết bị chạy iOS với nhau (iPhone, iPad thậm chí cả MacBook) hay gần đây nhất là Samsung với phần mềm ChatOn.

Không chịu kém cạnh, các doanh nghiệp lớn trong nước lần lượt cho ra mắt những phần mềm chat, gọi điện Internet. Tháng 4/2012, FPT chính thức trình làng ứng dụng FPT Chat với nhiều tính năng nổi bật dành cho người dùng dòng máy phổ thông của FPT như nhắn tin miễn phí, nhận và gửi hình ảnh/âm thanh trực tiếp... Chưa dừng lại ở đó, tháng 8/2012, FPT giới thiệu điện thoại FPT Chat tích hợp 2 SIM, màn hình cảm ứng rộng kết hợp bàn phím Qwerty được trang bị phím nóng FPT Chat ngay trên bàn phím, giúp người dùng truy cập nhanh vào phần mềm nhắn tin miễn phí.

Ngày 8/8/2012, VNG đã ra mắt ứng dụng Zalo, dành cho việc trò chuyện và nhắn tin trên di động. Khi đăng nhập, Zalo yêu cầu người dùng sử dụng số điện thoại cá nhân hoặc tài khoản Zing để liên kết với bạn bè. Ngoài các tính năng cơ bản như nhắn tin bằng dòng text, giọng nói, hình vẽ, chia sẻ ảnh, gọi điện miễn phí qua giao thức Internet, người dùng cũng có cơ hội thể hiện năng khiếu vẽ và khả năng phán đoán với game “Vẽ hình đoán chữ” hay tìm kiếm bạn bè dựa trên tính năng "Bạn có thể quen" và "Tìm quanh đây" - một tính năng khá thú vị dựa trên thông tin về vị trí của người dùng Zalo.

Theo ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG, thị trường phần mềm chat, gọi điện miễn phí qua Internet đầy tiềm năng vì nhu cầu kết nối của người dùng trên di động rất lớn, trong khi Facebook chưa làm tốt việc này. Do đều có tính năng mạng xã hội nên nếu Whatsapp, Viber, Wechat... làm tốt thì hoàn toàn có cơ hội "qua mặt" Facebook trên di động. Hơn nữa, những phần mềm chat, gọi điện miễn phí qua Internet đều có tính năng tin nhắn thoại (voice SMS) nên tạo ra một phương thức nhắn tin, liên lạc mới thân thiện hơn hẳn so với việc gõ từ bàn phím như tin nhắn thông thường. "Facebook Messenger chưa có tính năng này nên đây là một thị trường lớn cho các đơn vị khác khai thác, nhất là những đơn vị sản xuất di động, hệ điều hành như Apple hay Google", ông Khải nhấn mạnh.

Theo một chuyên gia Internet, với tốc độ phát triển Wi-Fi và 3G như hiện nay (mức cước dữ liệu trung bình của nhà mạng là 1 đồng/1 KB thì với 1 tin nhắn thông thường chỉ hết khoảng 1 đồng, tuỳ theo phương thức tính cước và gói cước dữ liệu mà nhà mạng áp dụng) thì độ bao phủ về kết nối dữ liệu sẽ ngày càng rộng, tạo môi trường thuận lợi cho các ứng dụng chat. Tuy nhiên, nhược điểm của những ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí là người dùng phải thường xuyên kết nối Internet. trong khi SMS truyền thống có thể sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi; chưa kể ở vùng sâu vùng xa, kết nối yếu khiến chất lượng đàm thoại chưa ổn định. Mặc dù vậy, trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu, việc có một phần mềm cho phép gọi điện, nhắn tin miễn phí qua Internet sẽ rất tiện lợi cho những người muốn liên lạc với người thân ở nước ngoài (không mất phí gọi điện trên Skype hay qua điện thoại quốc tế như trước).

Nhắm vào phân khúc điện thoại phổ thông

Ông Lê Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm Công nghệ FPT cho biết, các ứng dụng chat chủ yếu chạy trên smartphone sử dụng hệ điều hành iOS, Windows mobile hay Android. Mặc dù được xài "chùa" nhưng giá thành cao của smartphone chính là rào cản khiến rất ít người sử dụng phần mềm chat miễn phí. Vì vậy, định hướng của FPT Chat là sẽ nhắm vào phân khúc điện thoại phổ thông, đang chiếm tới 85% thị trường Việt Nam để nhiều người có thể tiếp cận một ứng dụng thuận tiện với ngân sách phù hợp.

“Có những tính năng như hỗ trợ push mail, sao lưu, phục hồi danh bạ, đồng thời hỗ trợ hoàn toàn tiếng Việt và cài đặt được trên điện thoại phổ thông nên FPT Chat sẽ phù hợp hơn với đa số người tiêu dùng tại Việt Nam”, ông Hải cho biết thêm. Cũng theo ông Hải, so với những phần mềm chat được sử dụng trên máy điện thoại phổ thông (chạy Java) như Ola, Vitalk, ứng dụng FPT Chat được lập trình ngay trên firmware của máy nên sẽ tiết kiệm được pin, sử dụng ít bộ nhớ và đảm bảo kết nối tốt hơn.

Cùng quan điểm với ông Hải, ông Khải cho rằng, việc chú trọng đến phân khúc thị trường điện thoại phổ thông cũng là một hướng phát triển sắp tới của Zalo thông qua việc liên kết với một số hãng sản xuất để tích hợp Zalo sẵn vào trong các mẫu điện thoại. Ngoài ra, do là một phần mềm "nội" nên Zalo sẽ tập trung vào hoạt động cộng đồng, cuộc thi giữa các thành viên để gắn kết người sử dụng cũng như tạo ra nhiều nội dung bản địa - điều mà các phần mềm ngoại như Whatsapp, Viber... không thể thực hiện được.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)