Ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa).

Theo nhận định của ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) thì năm 2008, tốc độ tăng trưởng phần mềm tại thị trường trong nước sẽ tăng 40 – 50%. Tuy nhiên, để có bước đột phá trong lĩnh vực này thì còn nhiều vấn đề phải bàn.

Dưới đậy là cuộc phỏng vấn với ông Phạm Tấn Công về công nghiệp phần mềm Việt Nam trong năm 2008.

Có khoảng cách xa giữa nhận thức và hành động để phát triển PM

- Thưa ông, trong năm qua, mức độ phát triển của công nghiệp phần mềm Việt Nam có đạt được mục tiêu là doanh thu 500 triệu USD/năm như chủ trương của Chính phủ đề ra?

- Nhìn về tổng thể phần mềm Việt Nam có gần 10 năm xây dựng và phát triển. Chúng ta trải qua nhiều thăng trầm, nhiều kỳ vọng, ước vọng có mà thất vọng cũng có. Vì là ngành mới nên vấn đề xác định hướng đi, chiến lược rồi xác định vị trí Việt Nam trong nền công nghiệp phần mềm thế giới là cần thiết. Hơn nữa, đây là ngành có tính quốc tế hóa và liên thông quốc tế rất cao.

Chúng ta có nhận thức rất sớm về CNTT nhưng bắt tay vào thực hiện thì chưa được ngang tầm với nhận thức. Kết quả là chúng ta vẫn chậm chân trong lĩnh vực này so với nhiều nước trên thế giới.

Chúng ta chọn con đường ứng dụng hay sản xuất và xuất khẩu sản phẩm CNTT? Về nhận thức thì chúng ta luôn cho rằng Việt Nam có khả năng sản xuất sản phẩm CNTT, thậm chí chúng ta đặt ra chủ trương trong Chỉ thị 58: CNTT là ngành kinh tế then chốt để chuẩn bị cho kinh tế Việt Nam bước vào con đường kinh tế tri thức. Nhưng khi kiểm điểm lại 5 năm thực hiện Chỉ thị, có 14 chương trình thì tất cả là đầu tư cho ứng dụng CNTT, không có chương trình nào đầu tư cho sản xuất các sản phẩm CNTT.

Chính vì vậy, mục tiêu đạt 500 triệu USD/năm chưa đạt được. Nói về giá trị sử dụng sản phẩm CNTT thì rất cao nhưng giá trị thu về của các doanh nghiệp thì còn rất thấp do nhiều đơn vị, cá nhân vẫn sử dụng “chùa” phần mềm.

- Vậy để công nghiệp phần mềm phát triển mạnh thì cần yếu tố nào, thưa ông?

- Vấn đề lớn nhất là chiến lược đào tạo nhân lực. Hơn nữa, cần có chính sách tạo dựng nền tảng cho doanh nghiệp như chính sách phát triển ngành, chuẩn mực của ngành. Hiện nay, công nghiệp phần mềm của chúng ta phát triển mạnh nhưng chưa có một chuẩn mực nào cả. Cần có tiêu chuẩn về nhân lực, sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành, các quy trình chất lượng. Và các quy chuẩn này phải liên thông với quốc tế.

Về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, chúng ta đã có chính sách ưu đãi thuế nhưng với doanh nghiệp thì không chỉ ưu đãi thuế. Chính sách thuế có thể cao nhưng quan trọng là tạo điều kiện để doanh nghiệp làm ra lợi nhuận thì doanh nghiệp vẫn sẵn sàng đầu tư.

Chính sách cần tạo cơ hội để doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận. Đó là đòn bẩy lớn nhất để doanh nghiệp sản xuất và phát triển. Cần có chính sách uu đãi về thuế, đất đai, mở cửa thị trường…

Còn về doanh nghiệp, cần có chiến lược phát triển, xác định được thị trường, phát triển nhân lực, xác định về sản phẩm đóng gói hay gia công xuất khẩu… Chính sách phát triển, đào tạo và giữ gìn nhân lực.

- Còn vai trò của người sử dụng đối với việc phát triển phần mềm, thưa ông?

- Tại Việt Nam, người sử dụng đóng vai trò quyết định quy mô của thị trường. Chúng ta cần khuyến khích người dùng công nghệ phần mềm. Nhưng khuyến khích làm sao cho có hiệu quả. Chứ khuyến khích theo kiểu Đề án 112 là khuyến khích theo kiểu hành chính sẽ không hiệu quả.

Làm sao để người sử dụng nhận biết được giá trị thu được khi họ ứng dụng CNTT trong công việc cũng như trong cuộc sống. Khi đó họ sẽ tự giác ứng dụng và tự giác đầu tư, nếu không sẽ ứng dụng theo kiểu khi có người rót tiền thì làm và không có ý thức sử dụng phần mềm một cách hiệu quả.

Một dạng nữa là không mất tiền, dùng “chùa” như vậy công nghệ cũng không phát triển được. Phải chỉ ra được rằng họ trả tiền cho sản phẩm họ dùng là sự đầu tư của xã hội vào nghiên cứu và phát triển để sản phẩm được cải tiến và sử dụng được tốt hơn, dịch vụ tốt hơn.

- Nhân lực phần mềm đóng vai trò quan trọng, vậy ông đánh giá như thế nào về nhân lực của công nghiệp phần mềm Việt Nam?

- Năm 2007, công nghiệp phần mềm phát triển tốt. Các công ty phần mềm tăng trưởng 50 – 100%/ năm. Nhiều công ty có tốc độ phát triển nhanh nên xảy ra hiện tượng là tranh giành nhân lực CNTT. Thậm chí, Vinasa có những suất học bổng nhưng doanh nghiệp không dám cho đi vì sợ mất nhân lực.

Trước đây chúng ta mơ đến việc doanh nghiệp phần mềm con số 1.000 nhân lực ở mỗi công ty. Nhưng nay đã có các công ty như FPT, FCG, TMA có được nghìn người. Đây là các công ty có tầm cỡ quốc tế.

Trình độ nhân lực CNTT tăng. Mức giá trả cho nhân lực cao hơn, có hợp đồng lao động trả lên đến 2.000, 4.000 USD/người/tháng. Thậm chí, trả theo giờ là 20 USD/giờ.

Dù số lượng nhân lực tăng 30%/năm nhưng năm 2007 chúng ta vẫn thiếu 1,5 triệu lao động trong lĩnh vực phần mềm, dự đoán năm 2010 thiếu 3 triệu lao động. Ngành đào tạo không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường. Nguồn nhân lực CNTT nóng bỏng không chỉ ở Việt Nam mà còn “nóng” ở nhiều nước trên thế giới.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường phần mềm nội địa tăng 40 – 50%

- Ông có cho rằng năm 2008 sẽ là năm lạc quan của ngành phần mềm?

- Nhờ có sự hội nhập quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO mà nhu cầu sử dụng CNTT của các doanh nghiệp, tổ chức càng cao. Dòng đầu tư vào VN tăng nên nhu cầu ứng dụng CNTT cũng tăng theo.

Hơn nữa, động thái mới đây của Nhà nước về Chính phủ điện tử, các ngành cũng ý thức được việc ứng dụng CNTT nên thị trường nội địa tăng hơn so với năm 2007 rất nhiều, dự đoán tăng 40 – 50% so với năm trước.

Với thị trường nước ngoài sẽ tiếp tục tăng vì năm 2007 chúng ta tạo dựng được nền tảng ban đầu và uy tín quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực phần mềm được nâng cao.

Năm 2007 Nhật Bản xếp Việt Nam vào vị trí đối tác số 1 trong gia công phần mềm dù trước đây ta đứng thứ 4. Năm nay, chúng ta sẽ tiếp cận 3 thị trường lớn là Bắc Mỹ, Nhật và EU. Thị trường châu Âu đang mở ra vì năm 2008 Vinasa tiếp nhận dự án với Đan Mạch để tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam và Đan Mạch.

Xin cảm ơn ông!

Ảnh
Ông Lữ Thành Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần MISA.

Ông Lữ Thành Long, Tổng giám đốc công ty cổ phần MISA, đơn vị sản xuất phần mềm kế toán MISA:

Tất nhiên là 2008 sẽ tăng trưởng hơn năm 2007 vì doanh nghiệp cần phải phát triển, tăng lợi nhuận để tăng lương cho cán bộ nhân viên. Nhưng để có sự đột phá trong năm 2008 thì phải chờ xuất hiện cái gì đặc biệt để thúc đẩy.

Tôi chưa nhìn thấy từ con người, chính sách, xu thế để có thể tạo ra đột phá trong năm 2008. Nói chính sách chung thì hay nhưng khi đầu tư thì lại khác. Có nơi đầu tư 100 tỷ cho CNTT, nhưng số tiền đó lại để xây dựng tòa nhà, rồi mua ít máy tính, phần mềm, cắm vào toà nhà đó. Đấy không phải đầu tư cho CNTT mà là đầu tư cho xây dựng… Nếu 100 tỷ phân bổ cho các cơ quan mua sắm phần mềm, máy tính thì công nghiệp phần mềm mới phát triển được.

(Theo Thùy Linh - VTC)



Bình luận

  • TTCN (0)